Thời điểm này, lãnh đạo nhiều trường học ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang phân công giáo viên trực Tết Nguyên đán. Câu chuyện trực Tết đến hẹn lại lên, năm nào cũng được thầy cô bàn tán xôn xao vì gần như chưa có sự đồng thuận, cảm thông giữa hiệu trưởng và giáo viên, nhân viên.
Nhiều hiệu trưởng chỉ biết làm theo mệnh lệnh
Cô giáo (xin không nêu tên) dạy bậc trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, năm nào hiệu trưởng cũng cho giáo viên, nhân viên bốc thăm trực Tết mà chưa bao giờ hỏi ý kiến thầy cô xem có đồng ý hay không.
“Hiệu trưởng nói, lãnh đạo không phải là chủ trường, trường là trường chung của tập thể nên thầy cô bắt buộc phải trực Tết, coi như san sẻ công việc với hiệu trưởng.
Tôi vô biên chế được hai năm, quê ở tận ngoài Bắc, chưa có năm nào được về cũng do vướng lịch trực Tết. Tôi là giáo viên mới, cũng chỉ biết cắn răng mà chịu, nói ra sợ phật lòng hiệu trưởng thì không hay”, cô giáo trải lòng.
Việc trực Tết của giáo viên vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Cùng chung nỗi niềm, thầy giáo (xin không nêu tên) dạy bậc phổ thông ở quận Tân Bình cho biết, năm nào hiệu trưởng cũng chia ca cho tất cả giáo viên, nhân viên trực suốt thời gian nghỉ Tết.
“Giáo viên có thể đổi ca cho nhau hoặc nhờ đồng nghiệp, bảo vệ trực thay. Tôi thường nhờ bảo vệ trực thay ca và gửi tiền sòng phẳng, coi như giúp đỡ nhau”, thầy giáo nói thêm.
Tôi được biết, một số hiệu trưởng ở Thành phố Hồ Chí Minh có cách phân lịch rất máy móc, cứng nhắc, đó là yêu cầu giáo viên, nhân viên đều phải tham gia trực tất cả những ngày nghỉ Tết khiến thầy cô không đồng tình.
Cũng có hiệu trưởng linh động phân công lịch trực Tết luân phiên cho 50% giáo viên, nhân viên để một nửa số lượng thầy cô được nghỉ trọn vẹn. Tôi cũng chưa nghe hiệu trưởng trường nào thuê dịch vụ bảo vệ trực thay cho giáo viên cả.
Nhiệm vụ của nhà giáo được quy định thế nào?
Điều 69 Luật Giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ của nhà giáo như sau:
1. Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục.
2. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, điều lệ nhà trường, quy tắc ứng xử của nhà giáo.
3. Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng, đối xử công bằng với người học; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
4. Học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học.
Bên cạnh đó, Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học không quy định nhiệm vụ của giáo viên phải trực Tết.
Cụ thể, giáo viên phải làm các công việc như (lược trích): dạy học, quản lý học sinh, tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; trau dồi đạo đức; học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Ngoài ra, khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định (trích): Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây: Tết Âm lịch: 05 ngày.
Có thể nhận thấy, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, không có điều khoản nào quy định giáo viên phải trực Tết cả.
Nghỉ Tết là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động cũng như giáo viên. Giáo viên không bắt buộc phải trực Tết và có thể từ chối nếu muốn.
Hiệu trưởng ép giáo viên trực Tết là trái luật
Theo tìm hiểu của tôi, nếu trực Tết, giáo viên sẽ được coi là làm thêm giờ. Đồng thời, hành vi yêu cầu giáo viên trực Tết là một trong các hành vi huy động người lao động làm thêm giờ.
Trong đó, tại Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như sau (trích):
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động…
Như vậy, việc yêu cầu trực Tết khi giáo viên không đồng ý là vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động và có thể bị phạt hành chính đến 25 triệu đồng.
Nếu giáo viên đồng trực Tết thì được trả ít nhất bằng 300% giá tiền lương bình thường. Tuy vậy, cũng ít có giáo viên nào muốn trực Tết để nhận thêm tiền công cả bởi chẳng đáng là bao.
Một số giáo viên ở Sài Gòn chia sẻ với tôi rằng, hiệu trưởng thường phân công giáo viên trực theo ca, 2 tiếng hoặc một buổi là coi như xong nhiệm vụ. Giáo viên phải luân phiên nhau đi trực lắt nhắt như vậy nên thầy cô phản đối.
Hơn nữa, nhiều giáo viên công tác ở Sài Gòn đều đến từ miền Bắc, miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam bộ… nên thầy cô đều có nhu cầu về quê thăm gia đình, họ hàng, người thân nhân dịp nghỉ Tết.
Còn ở tỉnh thành khác, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa thì hầu như ai cũng muốn được nghỉ Tết trọn vẹn. Đây là thời gian quý báu dành cho gia đình sau một năm làm việc vất vả.
Nhìn chung, luật hiện hành quy định chế độ nghỉ Tết của giáo viên rất rõ, thế nhưng nhiều hiệu trưởng vẫn phớt lờ, kể cả áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính khiến thầy cô không khỏi bức xúc, chạnh lòng.
Thiết nghĩ, cơ quan quản lí giáo dục phải có chế tài đủ mạnh nếu hiệu trưởng làm trái luật như ép giáo viên phải trực Tết, thậm chí trực không công, thì mới đem lại niềm vui cho giáo viên mỗi khi Tết đến xuân về.
Tài liệu tham khảo:
https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/38609/lich-nghi-tet-am-lich-2022
https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html
https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/quy-dinh-ve-truc-he-truc-tet-cua-giao-vien-230-27772-article.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.