Ngày 14/2 tới đây, học sinh tiểu học của nhiều địa phương phía Nam sẽ trở lại trường học trực tiếp. Tính đến thời điểm này, có địa phương trường học đã đóng cửa gần 9 tháng (kể cả thời gian hè).
Học sinh Bình Thuận trở lại trường sau thời gian học online vì dịch bệnh. (Ảnh: P.T) |
Từ mùng 4 Tết đến nay, số người dương tính với nCoV đang có sự gia tăng trở lại. Theo các chuyên gia y tế, lượng người mắc Covid-19 tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt ở các thành phố lớn, sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, không vì thế mà tiếp tục đóng cửa trường vì làm như vậy thì không biết sẽ đóng đến bao giờ, nếu như dịch Covid vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Ngày 9/2/2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đi kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho biết: “Việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là cần thiết và phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả bậc học từ mầm non đến đại học, đặc biệt là cấp học mầm non và phổ thông tại các địa phương.
Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Suốt thời gian qua ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi hoạt động dạy học để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh và thực tế việc triển khai tích cực, do đó trong tình hình mới, cần có sự ứng phó chủ động và quyết liệt hơn”. [1]
Không thể cứ học online mãi
Với nhiều học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông có tính tự lập cao trong học tập thì việc dạy và học online đối với các em không có gì đáng lo. Ngoài việc học chính khóa, những học sinh này còn tìm kiếm thêm cơ hội học online với nhiều thầy cô giáo giỏi và tự học trên các trang diễn đàn giáo dục.
Tuy nhiên, học sinh tiểu học và một số học sinh bậc trung học thì việc học online trở thành cơ hội để các em ngồi chơi, cơ hội được sử dụng điện thoại, máy tính mà không lo sự nhắc nhở của cha mẹ và thầy cô.
Có phụ huynh trực tiếp kể cho tôi nghe về việc học của cậu con trai lớn là học sinh lớp 7.
Chị nói rằng: “Tôi đi làm cả ngày nên không theo dõi con được. Thế nhưng, đứa em về kể lại, anh hai chỉ mở máy điểm danh xong là nằm ngủ hoặc để máy đó đi chơi”.
Không riêng gì con của chị, nhiều đồng nghiệp cũng kể lại việc mình gọi đến hàng chục lần nhưng nhiều em trong lớp không trả lời. Trong tiết học, cũng chỉ có vài em thường xuyên tương tác với thầy cô.
Nếu bị truy hỏi, thôi thì hàng chục lý do như camera bị hỏng, đường truyền chập chờn, tài khoản bị văng (out), hoặc đi vệ sinh…
Kết quả ảo, giáo viên khó kiểm soát
Một lần, đứa cháu học lớp 7 đến nhà tôi chơi cũng đúng ngày lớp cháu kiểm tra học kỳ 1 môn Toán. Khi có bài kiểm tra xuất hiện, tôi thấy cháu tắt camera và cầm điện thoại đi tìm chị gái đang là sinh viên trường đại học giúp giải bài.
Đề bài có 20 câu hỏi, tự cháu làm cũng chỉ được ít câu, hơn 2/3 số câu còn lại đều phải nhờ sự trợ giúp. Tôi hỏi: “Cháu không hiểu bài hay sao không làm được mà câu nào cũng hỏi?”, cháu chưa kịp trả lời thì chị hai đã lên tiếng: “Nó có học đâu mà hiểu hả bác? Hôm nào cũng mở máy xong rồi ngồi chơi”.
Mở cửa trường giai đoạn này là phù hợp
Dù kết quả phản ánh việc học online chưa thật sự hiệu quả nhưng vẫn phải công nhận rằng, nhờ dạy online mà việc học của học sinh trong những tháng dịch bệnh bùng phát vẫn không bị gián đoạn.
Chất lượng học online dù không thể so với việc học trực tiếp nhưng vẫn hơn rất nhiều việc các em không được học.
Tuy nhiên, học online suốt học kỳ I là thời gian quá dài. Nếu cứ tiếp tục học thêm nữa sang chương trình học kỳ II quả đáng lo ngại thật.
Ngay tại thời điểm này, có trường đã kiểm tra xong học kỳ I nhưng nhiều trường mới dạy đến tuần 15, tuần 16. Thời gian đến trường tới đây, học sinh vẫn sẽ có thêm vài tuần ôn tập để củng cố kiến thức làm nền tảng bước qua học kỳ II.
Dù dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt nhưng chúng ta cũng đã xác định chung sống an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, các trường học đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường.
Đó là việc thực hiện nghiêm túc phòng chống dịch bệnh. Ngay tại Bình Thuận, tính đến thời điểm này, học sinh đã học trực tiếp được 3 ngày.
Vào trường, các em thực hiện tốt việc giãn cách, lớp học được khử khuẩn, học sinh luôn đeo khẩu trang suốt trong buổi học. Sau mỗi tiết học, thầy cô cho giải lao tại chỗ mà không ra chơi như thường lệ để tránh tiếp xúc rộng, đề phòng lây nhiễm.
Cùng với việc phòng tránh dịch bệnh chu đáo, đúng quy định của các trường và việc học sinh của tỉnh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì việc đến trường học trực tiếp của học sinh cũng không có gì đáng lo ngại.
Tài liệu tham khảo:
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-nguyen-kim-son-dua-hoc-sinh-tro-lai-truong-de-tai-thiet-giao-duc-post224299.gd?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.