Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã có nhiều tác động, ảnh hưởng đến ngành giáo dục. Đặc biệt, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 khiến nhiều trường học ở một số địa phương phải tổ chức dạy - học trực tuyến trong khoảng thời gian dài. Song, liệu dạy học trực tuyến kéo dài ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng giáo dục, dạy học trực tuyến dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại có thể thay thế dạy học trực tiếp?
Bàn về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Lộc - Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Lộc - Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Thưa Giáo sư, Giáo sư có chia sẻ gì khi hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước bắt đầu mở cửa trường học, đưa học sinh, sinh viên trở lại học tập trực tiếp ngay sau dịp Tết Nguyên Đán?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Hiện nay, các cơ sở giáo dục trên cả nước đều bắt đầu cho học sinh mọi bậc học trở lại trường học trực tiếp sau dịp Tết sau một thời gian dài phải học trực tuyến, đây sẽ là một tin vui.
Lý do cơ bản của việc nhanh chóng trở lại học trực tiếp không có gì khác là khi điều kiện về an toàn sức khỏe được đảm đảm bảo và vấn đề chất lượng giáo dục đã đến hồi báo động.
Chất lượng giáo dục giảm khi dạy học trực tuyến kéo dài do nhiều yếu tố, trong đó chúng ta hay đề cập đến các yếu tố mang tính điều kiện cơ sở vật chất hay kỹ thuật, chẳng hạn như thiếu máy tính, hệ thống phần mềm khiếm khuyết, giáo viên lúng túng, học sinh chưa sẵn sàng...
Để có góc nhìn đầy đủ hơn, có lẽ ta cần đề cập tới những nội dung ẩn khá sâu, song, sẽ thật sai lầm nếu không xét tới. Đó là các quy luật của dạy học hay giới giáo dục thường gọi là lý thuyết học tập, đặc biệt là các lý thuyết dựa trên nền tảng xã hội và trải nghiệm.
Xin Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể hơn về vai trò của quy luật dạy học dựa vào nền tảng xã hội và trải nghiệm?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Thực tiễn dạy học được vận hành dựa trên các quy luật của giáo dục, cụ thể là các lý thuyết học tập mà nhiều người đã biết. Cho tới nay người ta thống kê có vài chục lý thuyết trong giáo dục, xét kỹ ta có thể chia làm hai nhóm.
Nhóm thứ nhất bao gồm các lý thuyết dựa vào cơ chế bên trong người học (ví dụ như thuyết hành vi, nhận thức…), dựa vào kinh nghiệm của chính bản thân người học. Nhóm thứ hai bao gồm các lý thuyết xét đến yếu tố bên ngoài để tạo nên kiến thức mà ta hay nói là kiến tạo xã hội (social constructivism). Lev Vygotsky là một đại diện tiêu biểu cho lý thuyết này cho rằng không chỉ kinh nghiệm cá nhân mà còn kinh nghiệm xã hội đều ảnh hưởng đến việc người học chiếm lĩnh được kiến thức.
Lý thuyết học tập thuộc nhóm này lập luận rằng mỗi người đều sống và học tập trong các môi trường như gia đình, nhà trường và cộng đồng cùng với các yếu tố giá trị văn hóa, kinh tế và giáo dục khác nhau.
Chính vì vậy, kiến thức mà người học có được sẽ đến từ các môi trường nêu trên thông qua quan sát, hoạt động tương tác với các đối tượng khác nhau. Người học không chiếm lĩnh kiến thức một cách biệt lập, họ chiếm lĩnh kiến thức thông qua môi trường xã hội.
Theo quan điểm của Lev Vygotsky, học tập là quá trình người học tương tác, hoạt động với môi trường xã hội để chuyển hóa cái của xã hội thành cái của mình, tức là kiến tạo kiến thức, kỹ năng, thái độ bằng cách thực hiện các nhiệm vụ học tập một mình, hoặc có sự hỗ trợ, cộng tác của đối tượng khá hơn mình trong một khung cảnh xã hội, cụ thể, dạy học tương tác (reciprocal teaching), hợp tác ngang hàng (peer collaboration), thực tập (apprenticeships)…
Lý thuyết học tập theo trải nghiệm (Experiential Learning) cũng là một xu thế chủ đạo trong thực tiễn dạy học hiện nay. Là người đại diện nổi bật của thuyết này, David Kolb cho rằng, trải nghiệm là nguồn học tập và phát triển. Dưới góc độ khác, nhiều nghiên cứu thừa nhận rằng trải nghiệm kém hiệu quả nhất chính là thông tin được trình bày bằng lời nói bao gồm đọc, nhìn, nghe, nói. Các loại trải nghiệm khác, chẳng hạn như thực hành, đóng vai, mô phỏng và cao nhất là thực tế đạt tới mức độ hiệu quả cao.
Edgar Dale đã khuyến cáo: đọc - nhớ 10%, nghe – nhớ 20%, thấy – nhớ 30%, nghe và thấy – nhớ 50%, nói và viết – nhớ 70% và tự thực hiện nhiệm vụ - nhớ 90%. Trong bối cảnh dạy trực tuyến là chủ đạo thì việc áp dụng các tiếp cận kiến tạo xã hội và trải nghiệm là vô cùng khó khăn. Chất lượng dạy học do vậy bị ảnh hưởng nhiều.
Nói cách khác dạy học trực tuyến chưa hỗ trợ hiệu quả các quy luật chủ đạo của dạy học. Dạy học luôn mang tính xã hội và trải nghiệm cao. Và chính dịch Covid-19 đã là một thực nghiệm giáo dục bất đắc dĩ chứng minh điều đó.
Đại dịch Covid-19 quả thực là một thời gian đầy khó khăn với ngành giáo dục, song được Giáo sư ví như một thực nghiệm giáo dục, điều này có nghĩa như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Đúng vậy, đại dịch Covid-19 dường như đã là một liều thuốc thử mới, hay nói một cách bác học hơn là một “thực nghiệm” có quy mô toàn cầu về ảnh hưởng của tính xã hội và trải nghiệm của học tập.
Riêng ở Việt Nam, trong đợt sóng Covid-19 lần thứ 4 kéo dài hơn 9 tháng, có thể coi toàn bộ học sinh và sinh viên Việt Nam đều chịu tác động của dạy học trực tuyến.
Nhìn rộng ra thế giới, theo tính toán chưa đầy đủ cho đến thời điểm đầu năm 2021, có tới hơn 800 triệu học sinh bị tác động bởi học trực tuyến vì nhà trường đóng cửa, chiếm gần một nửa tổng số học sinh toàn cầu.
Khi đánh giá các tác động nhiều mặt, riêng đối với dạy học, UNESCO đã phải nói đến cái gọi là sự mất mát học tập thực sự (actual learning loses) và cùng với đó cái giá phải trả là hết sức cao.
Như vậy xét về quy mô cũng như thời gian thì “thực nghiệm Covid-19” quả là đáng nể. Khoa học tâm lý – giáo dục cũng từng có nhiều thực nghiệm nổi tiếng như “Hộp Skinner” của B. Skinner, “Búp bê Bobo” của A. Bandura và đặc biệt là “Báo cáo Coleman” của J. Coleman vốn được coi là một công trình nghiên cứu lớn với quy mô 4.000 trường học và 600.000 học sinh của Mỹ.
Câu hỏi có thể đặt ra là sự mất mát học tập có thể do các điều kiện về điều kiện học tập hoặc các nền tảng kỹ thuật gây ra. Tuy nhiên, điều này có thể đặt ra đối với Việt Nam và các quốc gia tương tự, song đối với các quốc gia tiên tiến là không phải như vậy.
Thực tiễn cho thấy rằng những quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản… dù có điều kiện học tập trực tuyến và nền tảng kỹ thuật tối đa, và mặc dầu ảnh hưởng của Covid-19 lớn hơn nhiều so với Việt Nam, song các đòi hỏi và sáng kiến quay trở lại trường học trực tiếp mạnh hơn bất kỳ ở đâu.
Thực nghiệm Covid-19 đã minh chứng được rằng vì dạy học luôn mang tính xã hội và trải nghiệm cao mà dạy học trực tuyến chưa đảm bảo được nên dẫn tới sự mất mát học tập.
Dường như vẫn còn một số ý kiến cho rằng, dạy học trực tuyến dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại có thể thay thế dạy học trực tiếp, thay thế trường học. Giáo sư có chia sẻ gì về vấn đề này?
Giáo sư Nguyễn Lộc: Lịch sử thường lặp lại rằng, mỗi khi xuất hiện một cuộc canh tân công nghệ mới, người ta thường đưa ra những dự đoán về sự mất đi của giáo dục (kể cả giáo dục phổ thông và đại học).
Thử điểm qua vài sự kiện, khoảng 300 năm, nhân loại đã phát minh ra máy in với công suất in tăng tới 100 lần. Người ta còn gọi đây là Cách mạng in ấn và nó có tác động đến mọi mặt của xã hội. Riêng đối với giáo dục thì điều này quá rõ ràng. Học liệu đã được in ra nhanh hơn, nhiều hơn gấp nhiều lần. Mà ai cũng biết học liệu đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục. Câu hỏi được đặt ra lúc này rằng liệu có cần trường học nữa không nếu người học có tài liệu rồi. Và rất nhiều người dự báo là nhà trường hay rộng hơn là giáo dục sẽ sớm không còn nữa.
Vào những năm những năm 50, cùng với sự phát triển mạnh của dòng Tâm lý học hành vi, người ta đã sáng chế ra Máy dạy học. Việc áp dụng Máy dạy học đã trở thành một trào lưu rộng rãi, đến nỗi đội ngũ giáo viên của nước Mỹ phải biểu tình phản đối việc sử dụng máy này vì sợ thất nghiệp. Rất nhiều người lúc này nói đến việc không cần thiết của trường học trong tương lai gần.
Năm 1997, trong buổi phỏng vấn với Forbes, cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, P. Drucker, nhà tư tưởng huyền thoại nhất về quản lý của đương đại có tiên đoán: “Ba mươi năm nữa các trường đại học lớn sẽ trở thành di tích. Các trường đại học sẽ không tồn tại”. Ông ta giải thích rằng trường đại học truyền thống sẽ không cần thiết nữa vì canh tân công nghệ cho phép “cung cấp nhiều bài giảng và tổ chức nhiều lớp học hơn ngoài khuôn viên trường qua vệ tinh hoặc video hai chiều”.
Dưới góc độ khác, nếu năm 2008 được coi là thời điểm xuất hiện đầu tiên của Khóa học trực tuyến đại chúng mở (Massive open online course – MOOC) với tư cách là con đẻ của Internet, và năm 2012 được tờ The New York đặt tên là "năm của MOOC" do những kỳ vọng đối với nó, thì năm 2013 được nhiều ý kiến cho rằng là "năm phản đối MOOC " do sự thất vọng vì những kỳ vọng đã không đạt được.
Với sự phát triển vũ bão của thời đại Chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như sự xuất hiện của khái niệm Vũ trụ ảo (Metaverse), trong thời gian tới, chắc sẽ còn có nhiều dự báo tương tự sẽ được đưa ra.
Tuy vậy, bản chất xã hội và trải nghiệm của dạy học là một thách thức lớn nhất để “trực tuyến hóa” hoàn toàn trường học. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thường đưa ra các dự báo về các ngành nghề có thể mất đi trong tương lai, ví dụ như nghề kế toán, nghề luật sư…, song không bao giờ nêu tên nghề giáo.
Vũ trụ ảo (Metaverse) tạo nên những tầm nhìn hấp dẫn về một xã hội ảo trong tương lai song vẫn dựa trên nền tảng Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR) thì quả là còn rất nhiều thách thức phía trước.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!