Ngành sân khấu, truyền hình gặp khó trong đào tạo trực tuyến

26/01/2022 10:28
Vương Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bình thường sửa lỗi cho khoảng 20 sinh viên múa trên lớp rất nhanh nhưng khi học online giáo viên phải ghim màn hình, chỉnh sửa lần lượt rất mất thời gian.

Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến (học online) là lựa chọn tối ưu để học sinh, sinh viên cả nước dù tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học.

Tuy nhiên, với các ngành học cần thời gian thực hành nhiều như ngành múa, sân khấu, kỹ thuật truyền hình,... việc dạy và học bằng hình thức trực tuyến gặp nhiều khó khăn.

Giáo viên "khản giọng" để dạy múa cho sinh viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Kim Anh (Phó trưởng khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho biết:

“Do đặc thù dạy múa cho học sinh chưa biết gì, yêu cầu cô giáo thị phạm để học sinh nhìn thấy hình ảnh động tác múa đó ra sao.

Cô múa ở trên để học sinh bắt chước thực hiện lại, rồi ngay tại chỗ có thể chỉnh sửa đầu, tay, chân giúp học trò múa chính xác quy cách động tác, thể hiện rõ tính chất, phong cách múa từng dân tộc. Hay sức của bàn tay, cánh tay và độ linh hoạt của chân ra sao...

Việc này rất khó khi cô trò nhìn nhau qua màn hình. Vì thế, chúng tôi phải truyền đạt, dùng lời nói diễn tả rất nhiều”.

Thạc sĩ Hoàng Kim Anh - Phó trưởng khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thạc sĩ Hoàng Kim Anh - Phó trưởng khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Học qua màn hình thì cô trò sẽ nhìn nhau đối diện (tay trái tay phải sẽ ngược nhau) cho nên để sửa cho học trò thì rất khó. Giáo viên phải quay clip trước rồi múa trực tiếp trong giờ giảng để học sinh tập theo rồi cô sẽ sửa cho từng sinh viên.

Cô Kim Anh chia sẻ: "Bình thường sửa lỗi cho khoảng 20 sinh viên trên lớp rất nhanh nhưng khi học online mình phải ghim màn hình để nhìn rõ từng em, mỗi em thực hiện mình lại chỉnh sửa riêng, lần lượt từng người nên rất là mất thời gian".

Về cơ sở vật chất, không phải nhà bạn nào cũng có điều kiện để trang bị sàn tập múa, gương và gióng để vịn tay như ở trường, các bạn sinh viên người thì học trong phòng khách, người thì ở bếp, người ở ngoài sân... nhưng tất cả đều phải khắc phục để hoàn thành bài học.

Đặc biệt, các bạn ở các địa phương, vùng miền khác nhau nên học online gặp vấn đề về tương tác khi đường truyền mạng bị chậm.

Về chuyên ngành Biên đạo múa đại chúng, cô Kim Anh cho biết bình thường giảng dạy tại trường là 60 tiết/học phần nhưng khi học online cô và trò phải tăng tiết lên gấp đôi để đạt hiệu quả mong muốn. Ngoài thời gian học đúng như quy định, cô trò còn dạy thêm những tiết học buổi tối hoặc cuối tuần.

Vất vả, khó khăn là thế nhưng sau một thời gian tìm ra cách khắc phục, cô Kim Anh cho biết cả thầy và trò đều nhận ra có những điểm tích cực khi tính đến thời điểm này hiệu quả đào tạo có những kết quả nhất định.

Cô Kim Anh cho rằng: "Vì tăng thời gian dạy học, học sinh được xem trước các clip giáo viên chuẩn bị, rồi tập đi tập lại để cô giáo sửa cho nên học sinh nắm rất vững kiến thức và thực hành nhuần nhuyễn.

Các em chủ động trong việc học, tìm hiểu và rèn luyện bởi vì các em phải tự làm hoàn toàn. Ở trên lớp các em còn có thể dựa vào các bạn, nhìn các bạn tập để tập theo nhưng khi ở nhà, các em phải tự mình tập luyện để có sản phẩm chất lượng nộp cho cô".

"Sinh viên cảm nhạc tốt hơn khi kết hợp động tác múa với âm nhạc vì phải tập đi tập lại các động tác. Tuy nhiên, điều này chỉ mới giúp phát triển sinh viên tập bài ở mức độ cá nhân.

Các bài múa đông người thường cần phối hợp tập thể giúp cho các em có kỹ năng làm việc nhóm, phối hợp với nhau, phản ứng linh hoạt khi chuyển tuyến, đội hình múa trong không gian sân khấu thì thực sự khó khăn và thiệt thòi cho sinh viên khi không được học trực tiếp", Phó trưởng khoa Múa, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh bày tỏ tâm tư.

Băn khoăn đánh giá kết quả sao cho công bằng

Xác định phải vượt qua khó khăn, đồng hành cùng sinh viên trong việc dạy học mùa Covid, Thạc sĩ Đậu Nhật Minh (Phó trưởng khoa Truyền hình, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho biết:

"Năm vừa rồi, riêng khoa Truyền hình của chúng tôi có đến 1/3 sinh viên chưa thể tốt nghiệp bởi những khó khăn trong việc thực hiện tác phẩm, bài tập tốt nghiệp do dịch Covid-19.

Đặc thù giảng dạy và học tập của các chuyên ngành trong lĩnh vực Truyền hình như Biên tập, đạo diễn, quay phim là khi làm bài tập thực hành cần phải có mặt khảo sát hiện trường, tương tác với các nhân vật, thực hiện ghi hình, phỏng vấn, giao tiếp trước ống kính. Đó không phải là công việc mà thông qua phần mềm học trực tuyến có thể làm được".

Nếu như các khóa năm nhất, năm hai, năm ba việc học hoặc thực hành có thể bổ sung vào những kỳ học sau, khi tình hình dịch bệnh không còn phức tạp, thì khóa năm thứ tư cần làm bài tốt nghiệp lại là một vấn đề khiến những người giảng dạy trực tiếp như thầy Nhật Minh rất trăn trở.

Theo thầy Minh, thời hạn của khóa học cần kết thúc theo đúng quy định nhưng điều kiện để thực hành và làm bài tốt nghiệp của các em lại hết sức khó khăn.

Thạc sĩ Đậu Nhật Minh - Phó trưởng khoa Truyền hình, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (thứ tư từ trái qua). (Ảnh: skda.edu.vn)

Thạc sĩ Đậu Nhật Minh - Phó trưởng khoa Truyền hình, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (thứ tư từ trái qua). (Ảnh: skda.edu.vn)

Thông cảm với tình hình khó khăn chung, khoa Truyền hình, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã có những điều chỉnh tạo điều kiện cho sinh viên mà vẫn đảm bảo đánh giá được quá trình học tập.

"Chúng tôi cũng đã cân nhắc về hình thức tốt nghiệp cho phù hợp với tình hình dịch bệnh và tạo điều kiện tốt nhất cho các em làm bài. Nhưng về cơ bản sinh viên Quay phim, Đạo diễn hay Biên tập Truyền hình để tốt nghiệp ngoài nộp bài dưới hình thức tác phẩm truyền hình thì không thể nộp bài dưới hình thức bài viết được", thầy Minh chia sẻ.

Khi dịch bệnh diễn ra, việc dạy và học được triển khai theo hình thức học trực tuyến, mỗi sinh viên sẽ trở về các địa phương của mình cũng như việc di chuyển giữa các địa phương không còn thuận lợi như trước.

Điều này dẫn đến việc điều kiện thực hiện sản xuất các bài tập chuyên ngành về các chương trình, phim truyện ngắn, phim tài liệu để tốt nghiệp của các sinh viên ở các địa phương sẽ có sự khác nhau lớn.

Nếu như địa phương nào tình hình dịch bệnh không diễn biến phức tạp thì sinh viên có thể thực hiện bài tốt nghiệp một cách thuận lợi, còn ở những địa phương có mức độ dịch cao hơn thì không chỉ gây khó khăn về mặt thực hiện bài tập tốt nghiệp cho sinh viên mà còn dẫn đến không thể sản xuất chương trình.

Thầy Minh chia sẻ: "Rất nhiều sinh viên đã gửi đơn nêu các lý do không thể kịp thời hạn nộp bài tốt nghiệp vì dịch bệnh và xin lùi thời hạn tốt nghiệp, trong đó có các lý do như địa phương bị giãn cách xã hội hay tâm lý chống dịch khiến các nhân vật mà các em lựa chọn cho bài tốt nghiệp của mình hạn chế hoặc từ chối tiếp xúc với êkip, hoặc quá trình sản xuất chính trong ekip của các em xuất hiện F0, F1, F2 dẫn đến buộc phải ngừng sản xuất và cách ly theo quy định.

Khoa chúng tôi cũng rất đau lòng khi có 01 sinh viên đã mất vì Covid-19 khi chưa kịp hoàn thành bài tốt nghiệp, bài tập cuối cùng của đời sinh viên trong năm 2021 vừa qua".

"Số lượng sinh viên nộp được bài giảm mạnh so với năm trước là một chuyện, việc đánh giá kết quả tốt nghiệp cho các em sao cho công bằng và hợp lý cũng là một trong những trăn trở của chúng tôi.

Nếu theo đúng các tiêu chí được quy định mà đưa ra đánh giá có thể đúng về lý nhưng lại chưa thấu về tình.

Bởi khi thấu hiểu về tình hình thực tế các em đã khó khăn và cố gắng thế nào để tiếp cận nguồn tin, tiếp cận nhân vật, khảo sát hiện trường… mà đánh giá vẫn theo như điều kiện trước khi có dịch bệnh sẽ thiệt thòi cho các em.

Nhưng nếu đánh giá với sự cảm thông thì khi so sánh hai tác phẩm bằng điểm nhau của năm trước và năm sau khi đặt cạnh nhau hẳn lại cũng là một vấn đề giữa tình và lý đối với hội đồng chấm thi", thầy Minh bày tỏ.

Theo thầy Minh, Khoa Truyền hình - Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã phải đưa ra những tiêu chí mới dựa vào ý kiến đánh giá của các thầy cô về sinh viên trong 4 năm học, dựa vào báo cáo tốt nghiệp của sinh viên về thuận lợi, khó khăn khi thực hiện bài tập tốt nghiệp trao đổi và thảo luận rất nhiều để đưa ra đánh giá mà các giảng viên cho rằng công tâm nhất trong điều kiện hiện tại.

"Việc học tập những chuyên ngành như khoa Truyền hình nói riêng hay những chuyên ngành cần những kỹ năng đòi hỏi thực hành nhiều khác nói chung nếu chỉ dạy và học trực tuyến về lâu về dài sẽ là một thiệt thòi lớn cho sinh viên và để lại những lỗ hổng đáng tiếc về kiến thức mà cần nhiều thời gian mới có thể bù đắp lại", thầy Minh nhận định.

Vương Thủy