Vừa qua, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2021. Tuy nhiên, nhiều ứng viên được giới khoa học cho là không xứng đáng, gây ra nhiều tranh cãi vì có hành vi đăng bài trên tạp chí giả mạo, kém chất lượng, tạp chí không thuộc danh mục ISI, Scopus.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư Dương Nghĩa Bang - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, trong quá trình xét công nhận tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước có nhận được một số phản ánh của xã hội thông qua bưu điện, email... về trường hợp một số ứng viên đăng bài trên trên các tạp chí kém chất lượng, uy tín thấp.
Những phản ánh của xã hội đóng vai trò rất quan trọng giúp Hội đồng Giáo sư các cấp thu thập thông tin đa chiều trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành Công văn số 09/HĐGSNN ngày 10/01/2022 gửi các Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành nhấn mạnh việc xem xét những phản ánh này.
Phó Giáo sư Dương Nghĩa Bang - Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Các Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành, trong đó có Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế, Hội đồng Giáo sư liên ngành Triết học - Xã hội học - Chính trị học đều thực hiện nghiêm túc theo những quy định hiện hành và đã có văn bản báo cáo Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước, thông qua Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước về việc xem xét, thẩm định, đánh giá từng trường hợp theo các ý kiến phản ánh.
"Những thông tin phản ánh đối với ứng viên trước và trong quá trình xét của các Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành đã được các Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành xem xét xử lý kịp thời ngay trong kỳ họp xét.
Một số thông tin phản ánh sau kỳ họp xét cũng được các Hội đồng phối hợp với những đơn vị có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, rà soát lại trường hợp của từng ứng viên đó", Phó Giáo sư Dương Nghĩa Bang nhấn mạnh.
Theo Phó Giáo sư Dương Nghĩa Bang, những năm trước, Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng nhận được một số phản ánh về các công bố quốc tế của ứng viên. Nhiều ý kiến cho rằng, để minh bạch, rõ ràng hơn trong quy trình xét duyệt, cần có danh sách cụ thể những tạp chí được công nhận để đối sánh một cách chính xác. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện vì danh sách những tạp chí được công nhận luôn thay đổi liên tục.
Để đáp ứng yêu cầu thực tế, hàng năm, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đều công bố Danh mục các tạp chí được tính điểm. Năm 2021, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ban hành Quyết định số 26/HĐGSNN ngày 08/11/2021 về Danh mục các Tạp chí được tính điểm năm 2021 làm cơ sở cho các ứng viên kê khai và làm cơ sở cho Hội đồng Giáo sư các cấp thực hiện việc chấm điểm.
Việc thẩm định chất lượng bài báo khoa học là chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành, bộ phận chuyên môn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
"Các công trình khoa học được tính điểm quy đổi dựa trên quy định tại Điều 7, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg; Phụ lục I, Quyết định 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và danh mục tạp chí được tính điểm do Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định được công bố hàng năm. Chúng tôi cho rằng, những quy định trong quá trình xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư khá chặt chẽ và phù hợp với thực tế hiện nay", Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho hay.
Cũng theo vị này, hiện tại, cùng với việc hoàn thiện hồ sơ cho tất cả các ứng viên, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước đang phối hợp với các Hội đồng Giáo sư ngành/ liên ngành đề xuất hướng xử lý đối với từng trường hợp có đơn thư phản ánh, báo cáo lên Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước và sẽ trình Hội đồng Giáo sư Nhà nước xem xét, quyết định.
Năm 2021, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên công tác xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư kéo dài sang quý I năm 2022. Hội đồng Giáo sư Nhà nước dự kiến tổ chức phiên họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2021 vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 năm 2022.