Sau dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán 2022, số lượng ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố Hải Phòng liên tục tăng mạnh.
Trong đó, số ca mắc là nhân viên, giáo viên và học sinh của các cơ sở giáo dục chiếm tỉ lệ cao. Ngay cả khi tình hình dịch bệnh hạ “nhiệt”, nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý e ngại và lựa chọn cho con ở nhà học trực tuyến.
Nhiều cơ sở giáo dục rơi vào tình trạng trường, lớp đã sẵn sàng nhưng có lớp chỉ lác đác vài học sinh.
Ghi nhận của phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam tại huyện Thuỷ Nguyên (thành phố Hải Phòng), do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng học sinh học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện sau kỳ nghỉ Tết cũng rất thấp.
Tuy nhiên, ngành giáo dục huyện Thuỷ Nguyên đã đưa ra nhiều phương án khuyến khích các trường tuyên truyền, tạo sự tin tưởng cho phụ huynh. Từ đó, số lượng học sinh đến trường tăng từng ngày.
Ngành giáo dục huyện Thuỷ Nguyên tăng cường tuyên truyền tạo sự tin tưởng cho phụ huynh, tăng số lượng học sinh học trực tiếp và ăn bán trú (Ảnh: Phạm Linh) |
Theo bà Trần Thị Mai Phương – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuỷ Nguyên: “Theo tinh thần chỉ đạo của thành phố, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền trong các nhà trường.
Tiêu chí được đặt ra là số học sinh đi học ngày hôm sau phải tăng hơn ngày hôm trước!
Tuy những tuần đầu sau Tết số lượng học sinh tăng rất ít nhưng đến thời điểm này tôi rất vui khi phụ huynh tin tưởng vì các nhà trường đã chuẩn bị rất kĩ các điều kiện liên quan đến công tác phòng, chống dịch.
Từ việc chia giờ đến trường, tan học; tổ chức giờ ra chơi đến công tác tổ chức ăn bán trú. Nhiều trường từ trước đây đến nay chưa tổ chức bán trú nhưng hiện phụ huynh đang kiến nghị tổ chức cho học sinh.
Tinh thần của lãnh đạo huyện cũng như phòng giáo dục là tuyên truyền đến các nhà trường làm như thế nào tốt nhất cho phụ huynh, tạo điều kiện cho phụ huynh được yên tâm công tác”.
Theo số liệu tổng hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuỷ Nguyên, số học sinh học trực tiếp tính đến sáng ngày 16/3 là 31.874 trên tổng số 33.941 học sinh và có 1.809 học sinh ăn bán trú tại trường.
Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Linh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Sơn (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) cho biết, hiện nhà trường có 19 lớp với 540 trẻ. Sáng ngày 16/3, trường có 336 trẻ đến trường (đạt tỷ lệ 62%).
Trường Mầm non Kỳ Sơn (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) đạt tỷ lệ 62% trẻ đến trường (Ảnh: Phạm Linh) |
Mặc dù có mức thu ăn bán trú thấp nhưng nhà trường luôn cố gắng cân đối đảm bảo bữa ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng giúp trẻ có sức khoẻ và đề kháng tốt (Ảnh: Phạm Linh) |
“Để đảm bảo các điều kiện tổ chức ăn bán trú cho học sinh, nhà trường chú trọng các công tác phòng, chống dịch như đầu tư 100% trang thiết bị đo thân nhiệt, sát khuẩn cho các lớp.
Nhà trường cũng sát sao việc theo dõi sức khoẻ trẻ hằng ngày, đo thân nhiệt 2, 3 lần/ngày.
Buổi sáng, các cô sẽ xác nhận tình trạng sức khoẻ của trẻ, nếu các con có biểu hiện như sốt thì khuyến khích phụ huynh cho con theo dõi ở nhà.
Về công tác tổ chức ăn bán trú, nhà trường đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình bếp ăn một chiều, toàn bộ đồ dùng cho trẻ đều được sát khuẩn.
Mặc dù do đặc thù của địa phương, mức thu bữa ăn thấp nhưng nhà trường cố gắng cân đối thực phẩm, đảm bảo thức đơn đầy đủ dưỡng chất cho mỗi bữa ăn” cô Nguyễn Thị Linh cho biết thêm.
Trường Mầm non Kỳ Sơn đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình "Bếp ăn một chiều" (Ảnh: Phạm Linh) |
Ghi nhận thêm tại Trường Tiểu học Quang Thanh (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), số lượng học sinh học trực tiếp của trường tính đến sáng ngày 16/3 là 94% (51 học sinh thuộc diện cách ly học trực tuyến).
Số lượng học sinh học trực tiếp của Trường Tiểu học Quang Thanh tính đến sáng ngày 16/3 là 94% (Ảnh: Phạm Linh) |
Số lượng học sinh ăn bán trú của nhà trường cũng tăng cao theo từng ngày (Ảnh: Phạm Linh) |
Cô Nguyễn Thị Kim Ngân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Thanh chia sẻ: “Nhà trường triển khai cho học sinh học 2 buổi/ ngày từ đầu tuần (ngày 14/3) và tổ chức ăn bán trú từ ngày 15/3.
Ngay ngày đầu tiên tổ chức ăn bán trú đã có 80 học sinh ở lại trường bán trú. Trước dịch có khoảng 160 học sinh đăng ký ăn bán trú.
Bên cạnh việc tuyên truyền hình ảnh học sinh ăn bán trú đảm bảo dinh dưỡng, khoảng cách an toàn để phòng chống dịch, nhà trường cũng vận động giáo viên tự nguyện ở lại trông học sinh buổi trưa.
Theo đó, học sinh bày tỏ sự tin tưởng và số lượng học sinh ăn bán trú cũng tăng thêm 10 cháu vào ngày 16/3.
Trước đây, nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con ăn bán trú để đảm bảo sức khoẻ, có thời gian ăn, nghỉ ngơi khi học 2 buổi/ngày”.
Còn tại Trường Tiểu học Đông Sơn (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng), số lượng học sinh đến trường đến thời điểm hiện tại đạt 91%.
Có 237 học sinh ăn bán trú ngay trong ngày đầu tiên Trường Tiểu học Đông Sơn triển khai (Ảnh: Phạm Linh) |
Theo cô Nguyễn Thị Niên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Sơn: “Trước khi tổ chức ăn bán trú, nhà trường tổ chức họp giáo viên sau đó giáo viên từng lớp sẽ tham khảo ý kiến, chốt số lượng phụ huynh đăng ký.
Giáo viên và phụ huynh nhà trường luôn có sự kết hợp chặt chẽ, sát sao trong việc theo dõi sức khoẻ học sinh.
Do trước đây học sinh phải học trực tuyến nên nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chú ý kiểm tra sức khoẻ mắt cho học sinh khi đến trường và thông báo kịp thời để phụ huynh cho con đi khám”.
Cô Nguyễn Thị Niên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Sơn cho biết: "Giáo viên và phụ huynh nhà trường luôn có sự kết hợp chặt chẽ, sát sao trong việc theo dõi sức khoẻ học sinh" (Ảnh: Phạm Linh) |
Sát sao trong theo dõi sức khoẻ, đảm bảo các điều kiện dạy và học trực tiếp và công tác phòng, chống dịch, Trường Tiểu học Đông Sơn có 237 học sinh ở lại trường ngay trong ngày đầu tiên tổ chức ăn bán trú.