Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020", Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất về phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo trong đó có nội dung "xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh”.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - Nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: T.D. |
Trước vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội). Thầy Cường cho biết: “Thực tế cho thấy, trường chuyên đào tạo có tỷ lệ thành công cao hơn hẳn so với các trường học khác.
Trường chuyên là nơi tuyển chọn và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không phải chỉ riêng nước ta mà nhiều nước tiến tiến trên thế giới cũng có hệ thống trường chuyên. Thực tế, mô hình trường chuyên tồn tại trên khắp thế giới, có thể nó đang hoạt động dưới một cái tên khác, một cách thức khác mà thôi.
Hiện nay các trường trong cả nước, và đặc biệt là với Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội) của tôi khi tuyển giáo viên thì tiêu chí luôn cũng ưu tiên các học sinh trường chuyên, vậy phải có thế nào thì mọi người mới "mê" trường chuyên như vậy?. Học trường chuyên ra kiến thức của họ rất chắc, vào lớp cử nhân tài năng được kèm 1 đến 2 năm thì đứng lớp rất vững, nếu không nói là giỏi.
Trường bình thường nhà nước đầu tư một phần, nhưng với trường chuyên được nhà nước đầu tư rất nhiều từ cơ sở vật chất đến con người, đội ngũ giáo viên. Giáo viên trường chuyên ngoài lương ra thì giáo viên trường chuyên còn được thêm 70% phụ cấp đứng lớp, mức này còn cao hơn cả miền núi.
Trong khi cơ sở vật chất tốt như vậy, học sinh lại thông minh như thế thì giáo viên dạy nhàn, sướng hơn các trường không chuyên rất nhiều. Hiện nay trường chuyên tất cả là trường công, nhiều tỉnh có 2 đến 3 trường và rõ ràng đầu tư của nhà nước vào đó là rất lớn.
Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào có tổng kết trường chuyên, và tổng kết cả những trường không chuyên để có so sánh về mọi mặt. Việc tổng kết này rất cần thiết, phải có đánh giá như vậy thì mới biết được giáo dục của chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa?
Có tổng kết như vậy thì việc cải cách giáo dục mới hiệu quả, còn không sẽ dẫn đến tình trạng cái cần thì không cải cách mà toàn đi cải cách những cái đâu đâu. Việc gì cũng cần phải có một cơ sở khoa học rõ ràng, phải đối chiếu giữa học bình thường công lập với mức đầu tư của nhà nước thế này, với học ở trường trường tư thục, trường chuyên và mức đầu tư cao hơn. Sau khi có được những con số cụ thể thì chúng ta mới nhìn nhận vấn đề trên cơ sở thực tế”.
Cần cải tổ trường chuyên
Thầy Cường chia sẻ: “Tôi cho rằng phải cải tổ mạnh hơn nữa thống trường chuyên. Trường chuyên không nên chỉ luyện để đi thi lấy huy chương, mà phải đào tạo ra những con người có năng lực cho đặc biệt đất nước, chuyên và rất giỏi về một lĩnh vực nào đó có ích cho sự phát triển của xã hội.
Ngay khâu tuyển sinh, liệu có chắc chắn hàng nghìn học sinh trúng tuyển hàng năm vào các trường chuyên trên cả nước thực sự có năng khiếu về môn chuyên đó? Làm sao để các trường khi tuyển sinh phát hiện năng khiếu thực sự của từng học sinh để rồi phân môn học, đó mới là cốt lõi, không thể trường chuyên nhưng lại đào tạo cào bằng như nhau.
Nếu đã gọi là vào trường chuyên thì phải học đúng cái chuyên đó và phải giỏi thực sự, không thể thi chuyên một môn nhưng khi vào lại học chuyên môn khác thì cũng hỏng. Các phụ huynh cũng phải thay đổi nhận thức, rất nhiều phụ huynh muốn con mình vào môi trường chuyên để học tập tốt hơn, hi vọng rất nhiều nhưng rồi một thời gian lại không theo được vì lực học rất đuối.
Nhưng điều quan trọng nhất mà họ quên mất là con mình có tố chất và giỏi môn chuyên đó thực sự hay không? Hơn nữa đã học trường chuyên thì làm sao mà đòi hỏi giỏi tất cả các môn như nhau được, muốn giỏi đều thì ra trường không chuyên mà học”.
Ảnh minh họa: T.D. |
Thầy Cường nêu quan điểm: “Tôi thấy hệ thống trường chuyên hiện nay rất cần điều chỉnh, ví dụ: Chỉ học các môn chuyên là chưa ổn, mà phải thêm nhiều kĩ năng mềm nữa để phục vụ cuộc sống hiện đại, cuộc sống cần nhiều kĩ năng sống nữa chứ không phải có mỗi kiến thức.
Tôi đã từng là hiệu trưởng trường chuyên Trung ương nên nắm khá rõ, việc học lệch là hiển nhiên của học sinh chuyên, và vì chương trình học rất nặng nên nếu không học “lệch” như vậy thì các em không thể theo được. Ví dụ: Một tuần có 8 tiết ngoại ngữ, hoặc 8 tiết Toán,…chứ đâu phải chỉ vài ba tiết như học sinh không chuyên.
Để có được một học sinh giỏi Toán, giỏi Ngoại ngữ,… ngoài ra còn thực hành, dẫn tới việc chương trình học môn chuyên dày đặc, phần vì chương trình không chuyên không đáp ứng được nên các em phải học tăng lên, và tăng thời gian môn chuyên lên thì các môn khác phải ít đi, đó là một thực tế. Nhưng mặc dù đào tạo như vậy cũng chưa chắc đã có được nhân tài bởi đã là nhân tài thì đâu có nhiều.
Tôi nhớ hồi đó trường tôi có một học sinh rất giỏi tiếng Nga, em này học luyện ngày đêm và giành được nhiều giải thưởng, nhưng ngoài môn tiếng Nga ra thì em đó không giỏi môn nào nữa, các môn học khác ở mức trung bình”.
Nên cho khối tư thục mở trường chuyên
Theo thầy Cường: “Tôi thấy, mô hình trường chuyên công lập nếu vẫn giữ như hiện nay gây nên sự bất bình đẳng bởi các trường chuyên thường được nhà nước đầu tư ở mức độ nhiều hơn hẳn so với trường học công lập không chuyên, trong khi các trường bình thường này còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất mà rõ ràng mọi công dân đều phải bình đẳng về cơ hội thụ hưởng các nguồn lực công.
Ngân sách nhà nước đầu tư rất nhiều cho các trường chuyên nhưng lại chưa thống kê được sau khi được thụ hưởng sự ưu ái đặc biệt từ nguồn lực đầu tư công, học sinh trường chuyên quay lại làm việc cho khu vực công là bao nhiêu, đó là còn chưa nói đến các em đi du học rồi không trở về mà làm việc tại nước ngoài.
Chính vì vậy, nếu cho phép khối trường tư thục mở trường chuyên sẽ rất có lợi về mặt kinh tế cho ngân sách quốc gia, nhà nước không phải đầu tư về hạ tầng, cũng như trả lương đội ngũ giáo viên, giáo dục có thêm được nguồn đầu tư về cơ sở vật chất, về con người và còn nhiều hoạt động khác mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng đủ.
Nếu bây giờ có quy định cho khối tư thục mở trường chuyên thì tôi cũng sẽ mở bởi đó là thị hiếu, và cũng chỉ nên chuyên 1 đến 2 môn chứ không nhất thiết phải chuyên tất các môn. Bản thân các em học cũng chỉ chuyên được 1 môn chứ lấy đâu ra sức lực để học chuyên nhiều môn cùng một lúc.
Nhưng nếu mở trường chuyên thì khó khăn đầu tiên sẽ là nguồn nhân lực, việc tuyển chọn giáo viên dạy chuyên không phải việc dễ dàng. Ngoài kiến thức được đào tạo, giáo viên dạy chuyên phải có sự hiểu biết rất sâu về môn học, biết khơi dậy niềm đam mê của học sinh, tìm và ứng dụng nhiều phương pháp dạy học tiên tiến, cũng như xây dựng được nguồn bài tập đa dạng để luyện học sinh.
Điều thứ hai là sẽ phải cạnh tranh tuyển sinh với các trường chuyên công lập, vào công lập các em không mất tiền học, nếu giỏi còn học bổng, trong khi học trường chuyên tư thục học sinh phải trả học phí cao”.
Tuy nhiên, theo thầy Cường, trong bối cảnh hiện nay, mỗi tỉnh thành chỉ nên có một trường chuyên trong hệ thống công lập để định hướng, cũng như tham gia vào các chính sách phát triển giáo dục của tỉnh đó, nhưng các địa phương không nên quá đầu tư cho hệ thống trường chuyên mà quên hệ thống trường khác. Cần có sự đầu tư, phát triển một cách hài hòa, bảo đảm công bằng trong giáo dục, nguồn ngân sách cho giáo dục cần chia đều các trường công lập khác còn đang khó khăn để học sinh có quyền thụ hưởng như nhau.