Cần nhìn nhận lại vai trò của trường chuyên, lớp chuyên

03/04/2022 06:36
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- PGS Trần Ngọc Giao: "Nhân tài không chỉ nhìn ở chức danh và học vị, cách thức phát hiện, bồi dưỡng, thu hút nhân tài cũng cần được suy xét, nghiên cứu cẩn trọng".

Tại Việt Nam, hệ thống trường trung học phổ thông chuyên có nhiệm vụ “phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”. Bài toán đầu tư, phát triển trường chuyên luôn là vấn đề được xã hội quan tâm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, nhân tài thực sự là nguồn lực vô giá, nhân tài không chỉ nhìn ở chức danh và học vị, cách thức đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn thu hút nhân tài cũng cần được suy xét nghiên cứu cẩn trọng.

Nhìn nhận lại vai trò của trường chuyên, lớp chuyên

Bàn về vai trò của trường chuyên, thầy Giao cho rằng, trước hết cần quan tâm khái quát đến lịch sử hình thành, phát triển của các lớp chuyên, trường chuyên.

Giữa những năm sáu mươi của thế kỉ XX, khi đất nước còn chiến tranh, lớp chuyên Toán ở nước ta ra đời, lúc đầu có tên gọi Lớp Toán đặc biệt, sau đó gọi là Lớp Năng khiếu Toán, tiếp tục mở rộng ra có các môn Văn, Vật lý, Ngoại ngữ …và nay gọi là lớp Chuyên, trường Chuyên.

Khởi nguồn, Giáo sư Tạ Quang Bửu được sự ủng hộ nhiệt thành của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tập hợp một số chuyên gia nghiên cứu, khảo sát việc đào tạo bồi dưỡng học sinh có năng khiếu Toán học và các môn khoa học tự nhiên ở Liên Xô, một số quốc gia và quyết định mở lớp Toán đặc biệt ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và sau đó ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Vinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục. (Ảnh: NVCC)

Việc hình thành các lớp Đặc biệt (lớp chuyên sau này) là để thực hiện nhiệm vụ phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng phát triển năng khiếu (môn Toán và và các môn Khoa học) cho học sinh sau trung học cơ sở, chuẩn bị nguồn cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học và hy vọng một bộ phận nhỏ có triển vọng trở thành nhân tài ở các bậc cao hơn. Như vậy giáo dục ở các lớp chuyên hiện nay nằm trong xu thế giáo dục năng khiếu mà hầu hết các quốc gia đã và đang quan tâm.

Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao cho rằng cần đánh giá vai trò của lớp chuyên, trường chuyên dựa trên hai khía cạnh.

Thứ nhất là vai trò giáo dục phát triển năng khiếu. Ở những nước phát triển, giáo dục năng khiếu (kể cả mĩ thuật, âm nhạc, Thể thao) được nhà nước, gia đình, xã hội quan tâm đầu tư, theo nhiều phương thức tổ chức đa dạng, hướng đến sự phát triển tiềm năng cá nhân học sinh trong môi trường giáo dục lành mạnh, cởi mở. Với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn như nước ta, để thực hiện phát hiện và giáo dục phát triển năng khiếu (toán học và các bộ môn khoa học) các bậc tiền bối đã lựa chọn cách tổ chức thành các lớp đặc biệt (sau này là lớp chuyên).

Sau gần 60 năm hình thành và phát triển, dư luận còn có những ý kiến khác nhau về lớp chuyên, trường chuyên, trong đó có những ý kiến rất đáng quan tâm cần tham khảo, nghiên cứu để có thể điều chỉnh.

Tuy nhiên, các đợt tổng kết hoạt động giáo dục phổ thông chuyên, các lớp chuyên, trường chuyên cũng đã có được những thành tựu quan trọng, đã tạo nguồn để đào tạo được khá nhiều người làm khoa học (có nhiều người nổi tiếng), làm nòng cốt tiếp nhận và phát triển công nghệ, nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiều lĩnh vực, và đông đảo đội ngũ nhà giáo có chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục phổ thông (trong đó có đội ngũ nòng cốt cho các cơ sở giáo dục phổ thông chuyên).

Về giáo dục con người, học sinh tốt nghiệp các trường chuyên có những năng lực cơ bản (Năng lực tư duy; Năng lực quan hệ với tự nhiên; Năng lực quan hệ xã hội; Năng lực tự hoàn thiện nhân cách), nổi trội hơn giáo dục đại trà. Rất hiếm học sinh chuyên giỏi chỉ cam tâm làm “gà chọi”.

Thứ hai là vai trò của trường chuyên đối với hệ thống giáo dục trung học phổ thông. Khi lớp chuyên, trường chuyên được mở rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước, với chất lượng giáo dục của mình, các trường chuyên đã có tác động không nhỏ đến hệ thống giáo dục phổ thông ở các địa phương.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án phát triển trường chuyên theo QĐ 959/QĐ-TTg (21/1/2022) cũng khẳng định: “Có thể nói chất lượng giáo dục của các trường chuyên đã phần nào trở thành những điển hình về đổi mới giáo dục, có vai trò tiên phong cho các trường trung học phổ thông khác học tập”.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại như: chất lượng tuyển sinh một số lớp chuyên ở một số địa phương cũng như sự bảo đảm tuyệt đối bình đẳng về cơ hội cho học sinh có năng khiếu; việc chú trọng thái quá đối với các kì thi học sinh giỏi; về chương trình giáo dục phổ thông chuyên và vai trò của một số môn chuyên; quy mô của một trường chuyên cấp tỉnh,...;

Bên cạnh đó, việc kết nối giáo dục phổ thông chuyên với các cơ sở đào tạo chất lượng cao ở bậc đại học; vấn đề ngoại ngữ và giảng dạy song ngữ đối với môn Toán và các môn khoa học, hợp tác và giao lưu quốc tế; vấn đề thực hiện chuyển đổi số và tiếp cận tài nguyên giáo dục mở; một số vấn đề về quản lý và chính sách cho giáo dục phổ thông chuyên cần được nghiên cứu điều chỉnh.

“Thực tế, một số quốc gia không có hệ thống lớp chuyên, trường chuyên nhưng chất lượng giáo dục vẫn tốt, ví dụ như Nhật Bản.

Song, quan tâm đến giáo dục phát triển năng khiếu đã, đang và sẽ tiếp tục hiện hữu ở các quốc gia. Những nước phát triển họ có nhiều cách thức và mô hình khác nhau, với sự quan tâm đầu tư của gia đình, chính phủ và xã hội.

Ở nước ta, dù nay điều kiện kinh tế đã khá hơn trước, bước đầu xuất hiện các phương thức mới, tuy nhiên nước ta vẫn là nước thu nhập trung bình thấp, đến nay sự lựa chọn mô hình lớp chuyên, trường chuyên (từ các bậc tiền bối) vẫn là cách thức khả dĩ. Hi vọng rằng, đất nước phát triển đi lên sẽ có những phương thức tốt hơn và mô hình sẽ đa dạng, phù hợp hơn”, Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao chia sẻ.

Đa dạng hóa cách thức bồi dưỡng đào tạo năng khiếu

Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao khẳng định, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài luôn được các quốc gia quan tâm, đầu tư.

Ở Việt Nam, nói về chiến lược phát triển trường chuyên, Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao cho biết, mỗi địa phương cần căn cứ thế mạnh, đặc điểm kinh tế xã hội để xác định quy mô, lựa chọn loại hình phù hợp cho phát triển trường chuyên. Cần có sự liên kết hợp tác giữa các tỉnh trong vùng để tập trung nguồn lực cho công tác phát triển.

Bên cạnh tổ chức trường chuyên các tỉnh cần quan tâm đến phát triển các loại hình năng khiếu khác (mĩ thuật, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, lãnh đạo quản lý,..). Cần thực hiện đa dạng hóa cách thức phát hiện hỗ trợ, bồi dưỡng đào tạo năng khiếu, chẳng hạn thông qua các dự án giáo dục (STEM, khoa học công nghệ, môi trường, bảo tồn văn hóa,…)

Thầy Giao cũng nêu ra 6 đề xuất đối với chiến lược phát triển đào tạo trường chuyên.

Thứ nhất, phát hiện, tuyển chọn đúng đối tượng, đúng học sinh vào các trường trung học phổ thông chuyên. Các bậc phụ huynh- những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục nên vì chất lượng giáo dục năng khiếu, biết vượt qua bản thân để công tác phát hiện tuyển chọn học sinh chuyên đúng yêu cầu, thực chất. Việc mở các lớp chuyên phải có tiêu chí chất lượng để có thể sàng lọc, lưu chuyển phát triển chất lượng giáo dục chuyên.

Thứ hai, về xây dựng đội ngũ giáo viên chuyên, độ tuổi thích hợp đối với đội ngũ giáo viên chuyên Toán và các môn khoa học tốt nhất từ dưới 30 đến khoảng 45 tuổi.

“Không phải chú trọng học hàm, học vị của đội ngũ giáo viên mà các trường chuyên nên có những liên kết, tìm kiếm nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học sư phạm, các trường đại học khoa học, cùng với một số chính sách thích hợp, bồi dưỡng và giao nhiệm vụ cho họ. Sau một số năm họ sẽ là những giáo viên giỏi.

Về mặt chính sách, bên cạnh khuyến khích vật chất ở mức độ hợp lý, cũng cần quan tâm đến phát triển động lực, khen thưởng tuyên dương công trạng, sự phát triển tương lai của họ bằng các cách khác nhau, như đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển vị trí…

Cũng cần có các hội thảo, đợt tập huấn, giao lưu giữa các cơ sở giáo dục phổ thông để trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong đổi mới giáo dục đào tạo. Cần tìm phương thức bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên chuyên trong sự khác biệt cần thiết so với bồi dưỡng thường xuyên giáo viên phổ thông nói chung.

Thứ ba, về phương thức và chương trình giáo dục cho các lớp chuyên, trường chuyên. Trước hết, phải bảo đảm nền tảng cơ bản của giáo dục phổ thông và quan tâm đến giáo dục định hướng nghề nghiệp. Cần có những tổng kết rút bài học từ lịch sử gần 60 năm qua và tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Thứ tư, về chuyển đổi số, khai thác tài nguyên giáo dục mở, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể toàn diện đối với từng cá nhân, tổ chức, nhà trường và xã hội về cách sống, cách làm việc và phương thức hoạt động nghề nghiệp dựa trên công nghệ số. Cần chú ý đúng mức đến phát triển năng lực chuyển đổi số để khai thác tài Nguyên giáo dục mở phục vụ giáo dục và giáo dục chuyên.

Thứ năm, về giao lưu quốc tế, Các trường chuyên cần mạnh dạn liên kết để hoạt động giao lưu quốc tế theo các nhóm giáo viên và học sinh có điều kiện với phương thức trực tuyến, và khi có điều kiện thì giao lưu trực tiếp. Từ đó phát triển năng lực ngoại ngữ, văn hóa và sự tự tin cho học sinh chuyên trong bối cảnh hiện nay. Các trường chuyên cũng cần cố gắng thực hiện việc giảng dạy và học song ngữ đối với môn toán và các môn khoa học theo Đề án Phát triển hệ thống trường chuyên.

Thứ sáu, về quản lý, việc giao quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình nhiều hơn cho nhà trường là yêu cầu quan trọng trong đổi mới quản lý giáo dục. Riêng đối với hệ thống trường chuyên cần được quan tâm đúng mức để các trường chuyên chủ động xây dựng, chiến lược, chính sách và giải pháp hoạt động và phát triển phù hợp với điều kiện và tiềm lực của mình.

Bên cạnh đó, trong việc đào tạo nhân tài, ngoài việc đầu tư phát triển trường chuyên, Việt Nam có thể học tập cách làm của một số quốc gia khác.

Như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia này đều chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước ngay từ khi còn là học sinh, họ phát hiện tuyển chọn và tiếp tục đào tạo ở những trường đại học danh tiếng.

Linh Trang