Phát triển trường trung học phổ thông chuyên là một trong những chính sách được các địa phương quan tâm và chú trọng đầu tư. Bởi lẽ, với các tỉnh/thành phố, đầu tư cho trường chuyên chính là nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của địa phương mình.
Tuy nhiên, việc đầu tư cho hệ thống trường trung học phổ thông chuyên như thế nào là hợp lý, để đảm bảo tính công bằng trong việc thụ hưởng giáo dục công cho người dân lại là vấn đề cần xem xét. Đặc biệt gần đây có một số địa phương xây dựng chính sách, chi tiền tỷ để mời giáo sư, phó giáo sư về công tác tại trường chuyên.
Bàn luận về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC) |
Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, để phát triển hệ thống trường chuyên nhiều địa phương đã và đang "mạnh tay" chi tiền tỷ để thu hút giáo sư, phó giáo sư về công tác. Ông có nhận xét gì về chính sách này?
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng: Tôi không hiểu lựa chọn các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học, Viện nghiên cứu về dạy các trường chuyên của tỉnh thì có thể nâng cao “thành tích” của trường chuyên lên đến mức nào, và học sinh sẽ được hưởng lợi kiến thức, năng lực từ những người có học hàm, học vị về trường chuyên được bao nhiêu? Cũng vì vậy mà tôi không dám có ý kiến là nên hay không nên mời những người có học hàm, học vị về dạy học tại trường chuyên.
Ngay cả chuyện trả lương thế nào cũng cần xem xét? Nêu ví dụ, một phó giáo sư tại một trường đại học được thực hiện tự chủ có mức thu nhập 45 triệu đồng/tháng, số tiền này đủ để trả cho khoảng 3-4 giáo viên đang dạy trường chuyên. Vậy người đó phải dạy như thế nào để tương ứng với kinh phí nhà trường chi trả. Chưa kể, gần như không có trường chuyên nào ở Việt Nam có hệ thống phòng thí nghiệm dành cho nghiên cứu - cái mà các vị có học hàm, học vị phải sử dụng hàng ngày nếu muốn mình tồn tại.
Tôi không thấy điểm đồng nhất nào khi muốn đưa các các giáo sư, tiến sĩ về trường chuyên ở thời điểm hiện tại.
Tôi biết nhiều trường chuyên ở Việt Nam có học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi olympic quốc tế về toán, vật lý, hoá học và sinh học mà thầy giáo dạy học chỉ có bằng cử nhân hoặc thạc sỹ. Bây giờ, nhiều trường phổ thông đã có các giáo sư, tiến sĩ tham gia giảng dạy nhưng chủ yếu là dạy thêm để thỏa mãn lòng yêu trẻ cũng có, mà dạy để có thu nhập thêm cũng có, chứ họ không phải là các giáo viên biên chế hoặc hợp đồng dài hạn ở trường phổ thông chuyên.
Từ trước đến nay, các địa phương đều chú trọng, đầu tư phát triển trường chuyên. Có ý kiến cho rằng, việc các tỉnh đầu tư “mạnh tay” cho hệ thống trường chuyên trong khi các trường đại trà, học sinh đại trà vẫn còn nhiều khó khăn sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa trường chuyên và trường thường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng: Đầu tư cho trường chuyên là chính sách bồi dưỡng phát triển nhân tài của đất nước và theo tôi là cần thiết. Không có số liệu về đầu tư cho trường chuyên nên tôi không dám khẳng định việc đầu tư cho trường chuyên tốn kém như thế nào và sự đầu tư như vậy có hiệu quả không?
Việc hiểu đầu tư lớn cho trường chuyên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa trường chuyên và trường thường khác cũng cần xem xét, nhất là khi có luồng ý kiến cho rằng, các em học trường chuyên phần lớn kiếm được học bổng và theo học các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, có những em không trở về đất nước làm việc với những lí do như môi trường làm việc không thuận lợi cho người tài và thu nhập tại Việt Nam thấp. Tôi cho rằng đó cũng là những điều chúng ta cần suy nghĩ.
Nếu hiểu, dù học và làm việc ở đâu họ cũng là người Việt thì cũng không cần quá lo về họ sẽ làm việc ở đâu. Còn nếu cần thì có thể có những “ràng buộc” với học sinh trường chuyên giống như khi nhận học bổng nghiên cứu sinh của Nhà nước, thì sau khi nhận bằng sẽ về Việt Nam làm việc bằng khoảng thời gian học tập.
Nhưng tôi nghĩ là không nên vì việc này trong thực tế cũng không đảm bảo cho người tài về nước bởi đa số họ tiền trả lại do Nhà nước cấp học bổng cũng chỉ bằng 2-3 năm làm việc sau tốt nghiệp.
Vấn đề là đừng tạo ra "cơn sốt" trường chuyên đến mức phải mở lò luyện thi, ôn thi ở một số thầy cô chuyên luyện thi mới vào được trường chuyên.
Theo quan điểm của ông, liệu rằng chúng ta có nên để mỗi tỉnh có một trường chuyên không? Khi ngân sách đầu tư cho trường chuyên rất tốn kém, liệu có nên để cho khối tư thục cùng tham gia phát triển hệ thống trường chuyên để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước?
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng: Về việc mỗi tỉnh có một trường chuyên theo tôi còn cần hơn việc tỉnh nào cũng có một trường đại học. Nhưng cũng đã đến lúc phải tính đến câu chuyện đầu tư. Xin đừng nghĩ đến việc đầu tư cho người tài thì không cần tính toán. Tỉnh có đủ điều kiện (số học sinh tài năng, thầy cô có năng lực dạy chuyên) thì mở, không thì chưa vội.
Tôi không rõ những qui định về điều kiện thành lập các trường chuyên có cho phép trường tư mở trường chuyên hay không? Vấn đề là nằm ở chỗ đầu tư cho trường chuyên thế nào? Nếu các nhà đầu tư xin mở trường chuyên thì có được Nhà nước ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất… hay không? Chi phí cho việc dạy và học ai sẽ chi trả… sẽ là sự quan tâm của người học, người dạy, nhà đầu tư và cả xã hội.
Cần tính toán thật kĩ trước khi cho phép. Tuy nhiên, các trường tư giờ cũng đã rất chú trọng chất lượng học sinh, nên dù có chuyên hay không chuyên họ cũng vẫn mong muốn có học trò giỏi.
Xin nói thật: học trò giỏi là một yếu tố quan trọng làm nên chất lượng của các cơ sở giáo dục. Hiện nay, ít phụ huynh có con em học giỏi quan tâm đến việc cho con em mình đến trường tư thục. Khi nào, các trường tư thục thu hút được các học sinh giỏi thì khả năng học sinh tư thục đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia sẽ nhiều hơn, lúc đó thì sẽ không còn ai đặt vấn đề trường chuyên tư thục ra sao nữa.
Tôi nghĩ, cũng chỉ một vài chục năm nữa thôi, các học sinh xuất sắc trong trường tư sẽ tăng lên một cách đáng kể.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về vai trò của hệ thống trường chuyên hiện nay? Ông có đề xuất gì trong việc phát triển chất lượng giáo dục của hệ thống trường chuyên?
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng: Nhiệm vụ của trường chuyên là đào tạo nhân tài. Nhiều trường chuyên ở nước ta đã làm tốt điều này như các trường chuyên thuộc các đại học; cụ thể như trường chuyên Amsterdam (Hà Nội); Quốc học Huế; Lê Hồng Phong (Nam Định và Thành phố Hồ Chí Minh); Lam Sơn (Thanh Hoá)… đã làm tốt công tác đào tạo tài năng.
Để các trường chuyên làm tốt công việc đào tạo tài năng cho đất nước thì ngoài sự đầu tư của Nhà nước, việc các trường lựa chọn học sinh được coi là nhân tài của đất nước là vô cùng quan trọng, chọn đúng thì được nhân tài bằng không thì…
Kế đến là việc thu hút người dạy. Người dạy phải là người giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đã đành, họ còn phải là người khơi nguồn năng lực thiên phú của học trò, khả năng sáng tạo, tình yêu thương con người, gia đình, tình yêu quê hương, đất nước…
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng!