Bình chọn sách giáo khoa hiện nay rất hình thức và tốn kém

08/04/2022 08:32
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bình chọn sách giáo khoa một cách đại trà, tràn lan ít hiệu quả lại gây tốn kém, chỉ nên yêu cầu những giáo viên vừa tập huấn tham gia bình chọn là đủ.

Năm học 2022-2023, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 bắt đầu được học chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thế nên, ngay từ thời điểm đầu tháng 4, các cấp học bắt đầu triển khai việc học tập huấn và bình chọn sách giáo khoa.

Tuy thế, câu chuyện bình chọn sách giáo khoa ở dưới cơ sở hiện đang bộc lộ khá nhiều bất cập, mang nặng tính hình thức và gây lãng phí công sức, tiền bạc khá nhiều.

Chỉ những giáo viên đang và sẽ dạy lớp 3, lớp 7 mới đi tập huấn công tác thay sách giáo khoa, nhưng khi bình chọn sách lại yêu cầu tất cả giáo viên trong nhà trường phải tham gia chọn sách, thậm chí những giáo viên không có chuyên môn về môn học ấy cũng phải bình chọn về bộ sách ấy.

Người ta phát phiếu bình chọn sách giáo khoa tới từng giáo viên. Mỗi tờ phiếu in tên cả 3 bộ sách giáo khoa theo môn học. Có 3 mức đánh giá là Đạt; Khá; Tốt. Giáo viên đồng ý chọn bộ sách nào thì đánh giá bộ sách ấy ở mức Tốt, rồi ký tên, ghi họ tên và nộp lại.

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Tuyengiao.vn)

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Tuyengiao.vn)

Mỗi thầy cô giáo với gần 50 tờ phiếu như thế chỉ để đánh dấu, ghi lời nhận xét ưu khuyết điểm vào bộ sách mình đồng ý chọn.

Tổ trưởng chuyên môn sẽ tổng hợp phiếu đánh giá của cả tổ và thống kê kết quả cuối cùng bộ sách được chọn nhiều nhất, ghi biên bản và nộp lên nhà trường.

Tiếp đó, nhà trường sẽ họp các tổ trưởng chuyên môn và thực hiện việc bình chọn cuối cùng trước khi gửi kết quả về cấp trên.

Nhìn quy trình làm việc tưởng như mọi khâu đều rất chỉn chu và dân chủ. Vì thế, ai cũng nghĩ, bộ sách được chọn chắc chắn sẽ là bộ sách tốt nhất.

Tuy nhiên, chỉ người trong cuộc mới biết với kiểu cách bình chọn sách giáo khoa như thế này đang gây áp lực, mệt mỏi cho giáo viên, nó mang nặng tính hình thức và đang bộc lộ khá nhiều bất cập cần được công tâm nhìn nhận để tránh lặp lại cho những năm học về sau.

Chỉ tiền giấy photo phiếu bình chọn đã lãng phí quá nhiều

Mỗi giáo viên phải ghi vào 50 tờ phiếu, một trường học khoảng 40 giáo viên sẽ có 2 ngàn tờ phiếu phát ra. Tính tiền photo cho 2 ngàn tờ giấy (in 2 mặt) là 500 đồng/tờ thì sẽ mất khoảng 1 triệu đồng.

Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông số lượng giáo viên có trường lên đến cả trăm người thì số tiền bỏ ra để in phiếu bình chọn mất khoảng vài triệu đồng.

Nếu tính cả một huyện, thị với khoảng 50 hoặc 60 trường thì số tiền phải bỏ ra cho việc photo phiếu bình chọn là con số không hề nhỏ.

Muốn tìm hiểu về sách giáo khoa, giáo viên sẽ vào email của nhà trường để mở ra đọc. Tuy thế, thầy cô sẽ đọc vào lúc nào khi cả ngày dạy học trên trường, tối về còn biết bao nhiêu công việc không tên?

Nào hỗ trợ học sinh không đi học trực tiếp, hoàn thành hồ sơ sổ sách, chấm bài kiểm tra (giáo viên trung học), viết sáng kiến, giải pháp dự thi giáo viên giỏi, chuẩn bị bài dạy cho hội thi…

Thế là, cách nhanh nhất thầy cô nhắm một bộ sách giáo khoa nào đó (chủ yếu dựa vào việc lớp 2 học bộ sách gì thì lớp 3 cũng sẽ chọn bộ sách ấy).

Mỗi tờ phiếu đều có 3 cột ghi 3 mức độ đánh giá. Giáo viên chỉ cần tích vào một trong 3 bộ là xong.

Thường không có sự đánh giá chênh lệch, một giáo viên chọn bộ sách A hoặc B thì giáo viên kia cũng gần như chọn như thế.

Vậy nên, đôi khi chưa cần tổng hợp cũng đã biết ngay kết quả. Vì thế, việc in và phát cho mỗi giáo viên gần 50 tờ phiếu bình chọn quả thật vô cùng lãng phí.

Cách nào giảm áp lực khi bình chọn sách giáo khoa cho giáo viên?

Trước khi tổ chức bình chọn sách giáo khoa đại trà, địa phương đã mở lớp học thay sách cho các thầy cô giáo năm học sau sẽ dạy những khối lớp ấy, dạy bộ môn ấy như giáo viên Anh văn, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Lịch sử và Địa lý...

Các thầy cô giáo này đã trực tiếp được nghe các chủ biên, đại diện nhà xuất bản giới thiệu về bộ sách giáo khoa của mình sẽ dạy. Vì thế, lấy ý kiến của chính các thầy cô đi học thay sách, cũng như ý kiến của chính các thầy cô giáo dạy bộ môn ấy sẽ sát thực tế nhất.

Sau khi có kết quả bình chọn của các giáo viên học thay sách, nhà trường sẽ thành lập Hội đồng bình chọn sách và tiến hành bình chọn lần cuối cùng để thống nhất kết quả gửi lên cấp trên.

Còn kiểu tổ chức bình chọn sách giáo khoa một cách đại trà, tràn lan như một số địa phương đang tiến hành hiện nay sẽ mang nặng tính hình thức, tốn kém thời gian, tiền bạc mà lại ít hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương