Học trực tuyến dài nên kết quả thi thấp?
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố điểm thi của 79.372 thí sinh trong cả nước tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do đại học này tổ chức.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: “Phân bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm nay hơi lệch về bên trái, thể hiện kết quả thi hơi thấp hơn so với năm trước. Độ lệch không nhiều nhưng trải rộng ở tất cả các mức điểm”.
Các phân tích cụ thể cho thấy, so với kết quả năm ngoái, phổ điểm thi đợt 1 năm nay thấp hơn ở tất cả các mốc điểm. Trong đó, điểm trung bình của thí sinh đợt 1 năm nay là 646,1 điểm trong khi điểm trung bình năm 2021 là 688 (trên tổng số 1.200 điểm). Số bài thi đạt trên 1.000 điểm cũng giảm hơn khi năm nay là 117 bài còn năm ngoái là 196 bài.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm nay (ảnh:P.L) |
So với năm 2021, tổng số thi sinh dự thi đợt 1 năm nay cao hơn trên 10.000 người nhưng số bài thi đạt từ 601 điểm trở lên có hơn 49.800 bài trên tổng số 79.372, chỉ chiếm tỷ lệ 62,7% (năm ngoái chiếm 75,4%). Như vậy, tỷ lệ thí sinh có điểm bài thi từ trung bình trở lên của năm nay thấp hơn năm ngoái. Tương tự trong khi năm ngoái có hơn 2.700 thí sinh có điểm bài thi từ 901 điểm trở lên thì năm nay số bài thi đạt từ mức này trở lên chỉ có 1.629.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính lý giải rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau tác động đến kết quả thi năm nay có phần thấp hơn. Tuy nhiên, một phần nguyên nhân có khả năng xuất phát từ năng lực của thí sinh dự thi.
Ông Chính nhận định rằng nhóm thí sinh năm nay bị ảnh hưởng bởi tiến độ học tập chậm hơn các năm trước và quá trình học trực tuyến kéo dài gần 2 năm do dịch Covid-19.
Tiến sĩ Chính cũng khẳng định sự ổn định của các câu hỏi trong ngân hàng đề thi là yếu tố được đặt ra từ đầu khi tổ chức kỳ thi này. Do đó, không có sự khác biệt về cấu trúc, ma trận và mức độ khó dễ giữa đề thi năm nay so với các năm trước đó.
Đầu vào tuyển sinh bị ảnh hưởng
Trước kết quả thi đánh giá năng lực thấp hơn dẫn đến lo ngại điểm chuẩn vào đại học sẽ giảm, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng sẽ không có sự xê dịch lớn.
“Điểm chuẩn chịu sự tác động của nhiều yếu tố gồm chỉ tiêu cụ thể từng ngành, số lượng thí sinh đăng ký và chất lượng điểm thi. Do vậy, dù phổ điểm thi thấp hơn nhưng điểm chuẩn sẽ tùy thuộc từng ngành căn cứ vào thực tế chỉ tiêu và số thí sinh đăng ký”, ông Chính nói.
Còn theo Thạc sĩ Phùng Quán- Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích: “Kết quả thống kê điểm của 79.372 bài thi cho thấy điểm trung bình dự thi là 646 điểm, điểm trung vị là 640 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.087 điểm và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 210 điểm. Vì thế dự kiến, các trường đại học sẽ lấy ngưỡng điểm xét tuyển khoảng từ 640 điểm trở lên.
Cũng theo ông Quán, năm 2021, do số lượng trường dùng kết quả đánh giá thi năng lực tăng lên đến hơn 82 trường Đại học, Cao đẳng và dựa trên biểu đồ điểm năm nay, điểm thi thí sinh thấp hơn nhiều so với năm 2021 nên theo nhận định chủ quan điểm chuẩn các ngành sẽ giảm từ 30 -50 điểm cho các ngành “hot”. Bao gồm các ngành của nhóm ngành Công nghệ thông tin, Logistics và Quản lý chuỗi Cung ứng, Kinh tế quốc tế, Kinh doanh Quốc tế, Quản trị kinh doanh, Báo chí, Truyền thông, Tâm lý học, các ngành nhóm Ngôn ngữ như Ngôn ngữ Anh, Trung Quốc … Nhóm ngành này sẽ tuyển các thí sinh có điểm khoảng từ 851 – 1200 điểm (khoảng 4033 thí sinh)
Bên cạnh đó, điểm thi từ 801 điểm đến 850 điểm có 6880 thí sinh, giảm nhiều hơn hơn so với năm ngoái, cho nên đây là mức điểm chuẩn cho các ngành năm trước có điểm chuẩn khoảng trên 850 điểm. Điểm thi từ 651 điểm điểm đến 800 điểm có 28.589 thí sinh, đây là nhóm điểm các ngành không “hot” tuyển và thí sinh dễ dàng trúng tuyển ở những ngành này.
Trong vấn đề dự báo về điểm chuẩn đại học, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ- Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: “Mức độ cạnh tranh sẽ tùy thuộc từng ngành vì thực tế có những ngành số thí sinh quan tâm đăng ký nhiều, nhưng ngược lại nhiều ngành ít thí sinh đăng ký. Những thí sinh có điểm thi trong khoảng 800 vẫn có khả năng trúng tuyển vào các ngành mong muốn”.
Ông Hạ cũng cho rằng các ngành “hot” nhiều khả năng điểm chuẩn vẫn sẽ không xê dịch nhiều so với năm ngoái, nếu giảm cũng rất ít. Ngược lại, những ngành năm ngoái có điểm chuẩn thấp năm nay cũng có thể ở mức tương đương như vậy.