Chờ quy chế tuyển sinh, nhiều trường ĐH rơi vào bị động

07/05/2022 06:59
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đầu năm 2022, nhiều trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả Trung học phổ thông, nhưng bất đắc dĩ phải kéo dài thời gian để chờ quy chế.

Chờ quy chế ban hành, mới thông tin chính thức cho thí sinh

Trong các kỳ tuyển sinh trước, việc lọc ảo chỉ thực hiện với phương thức xét tuyển bằng điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Chính vì vậy, việc thực hiện lọc ảo theo dự thảo quy chế tuyển sinh mới đang nhận được không ít quan tâm của dư luận.

Việc tuyển sinh đối với thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển học bạ năm nay sẽ có sự thay đổi. (Ảnh minh họa: UEF).

Việc tuyển sinh đối với thí sinh đăng ký theo phương thức xét tuyển học bạ năm nay sẽ có sự thay đổi. (Ảnh minh họa: UEF).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng (Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Như mọi năm, nhà trường dành khoảng 50% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển học bạ và 50% là dựa trên kết quả của kỳ thi Trung học phổ thông. Tuy nhiên, năm nay, có một điểm khác biệt, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu thí sinh chủ động đăng ký nguyện vọng trúng tuyển lên phần mềm của Bộ.

Tức là, như các năm trước, khi thí sinh thông qua phương thức xét tuyển học bạ trúng tuyển, nhà trường mới cung cấp dữ liệu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn năm nay, các thí sinh chủ động lựa chọn nguyện vọng trên hệ thống để Bộ tiến hành lọc ảo chung”.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, năm nay, các thí sinh sẽ chủ động lựa chọn nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ. (Ảnh: NVCC).

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Thưởng, năm nay, các thí sinh sẽ chủ động lựa chọn nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ. (Ảnh: NVCC).

Theo vị Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022 theo các phương thức: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thẳng; xét tuyển bằng học bạ Trung học phổ thông; xét điểm thi Trung học phổ thông 2022 và theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, trường nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 1/3 đến hết ngày 6/6. Dự kiến sẽ công bố kết quả thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển ngày 30/6.

Về nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) cũng phân tích: “Năm nay, do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo một quy chế tuyển sinh mới, có những điều chỉnh và thay đổi, nên hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đều đang đợi quy chế chính thức.

Vì chắc chắn quy chế tuyển sinh mới sẽ có nhiều thay đổi, mà cũng không biết sẽ thay đổi như thế nào, nên trong bối cảnh chưa có quy chế chính thức, phương thức xét học bạ hiện tại chỉ là hình thức các trường tiếp nhận thông tin của thí sinh. Nhà trường cũng sẽ thông báo đủ điều kiện trúng tuyển và hướng dẫn những thí sinh này đăng ký nguyện vọng 1 sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông để chính thức trúng tuyển. Thời điểm này trường nào công bố trúng tuyển, cho thí sinh xác nhận nhập học là sai quy định.

Việc tiếp nhận thông tin xét tuyển của thí sinh giúp các trường phần nào nắm được nhu cầu người học. Tuy nhiên, những quy định mới năm nay sẽ khiến việc chủ động tuyển sinh của các trường bị ảnh hưởng. Đến khi nào quy chế mới được ban hành, thì mới có thể có thông tin chính thức cho các thí sinh”.

Các trường phải dời lịch, kéo dài thời gian thu hồ sơ

Ngay từ đầu năm 2022, một số trường đại học đã “rục rịch” nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả học bạ Trung học phổ thông (đợt 1), trong khi đó, đến giữa tháng 4, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới công bố dự thảo quy chế tuyển sinh, khiến các trường đành “nín thở” theo dõi, thậm chí phải dời lịch tuyển sinh.

Chẳng hạn, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội xét tuyển thẳng thí sinh có điểm học tập lớp 11, hoặc kỳ II lớp 11 và kỳ I lớp 12, hoặc cả lớp 12 đạt loại giỏi. Ngoài ra, trường cũng xét theo học bạ Trung học phổ thông, dựa vào kết quả học tập lớp 11 và kỳ I lớp 12 hoặc học bạ lớp 12 theo tổ hợp các môn đăng ký.

Theo đó, trường nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1 trước ngày 31/3. Thí sinh nộp hồ sơ đợt này sẽ được giảm 10% học phí kỳ I năm thứ nhất. Học sinh lớp 12 chưa tốt nghiệp Trung học phổ thông có thể bổ sung hồ sơ khi có chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.

Tuy nhiên, hiện tại, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố quy chế tuyển sinh, nhà trường cũng chưa thể thực hiện xét tuyển đối với các thí sinh.

Chia sẻ về công tác tuyển sinh theo phương thức xét tuyển học bạ, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp (Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội) thông tin: “Vì đã thông báo từ đầu năm nên nhà trường đã tiến hành thu hồ sơ của các thí sinh từ đầu tháng 3, đáng lẽ đến hết tháng 3 là kết thúc đợt 1. Tuy nhiên, chưa thể xét tuyển, vì Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành quy chế tuyển sinh. Chính vì vậy, nhà trường đã phải ra thông báo để kéo dài thời gian và hiện tại vẫn đang tiến hành thu hồ sơ của các thí sinh, cho đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ, sẽ tổ chức xét tuyển, theo đúng quy định của Bộ.

Việc xét tuyển còn phụ thuộc vào quy chế của Bộ sau khi ban hành, các nhà trường sẽ có hướng dẫn để các thí sinh đã nộp hồ sơ vào trường có thể đăng ký trực tuyến trên mạng”.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phân tích về khó khăn trong việc tuyển sinh qua phương thứuc xét học bạ trong năm nay. (Ảnh: HICT).

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội phân tích về khó khăn trong việc tuyển sinh qua phương thứuc xét học bạ trong năm nay. (Ảnh: HICT).

“Như vậy, so với mọi năm, phương thức xét tuyển này đang bị kéo dài khá lâu, bởi đợt 1 là tuyển các em đã tốt nghiệp Trung học phổ thông từ các năm trước. Cụ thể, đối với những năm trước, vào khoảng tháng 3 đến tháng 4, nhà trường có thể đã có đủ dữ liệu để xét tuyển các thí sinh. Ngay sau khi đã thu học bạ của các thí sinh một thời gian là đã có thể “gọi tên” các thí sinh trúng tuyển được ngay.

Còn năm nay, mặc dù đã thu học bạ của thí sinh nhưng vẫn chưa “gọi” được ngay, vì phải chờ thí sinh đăng ký, nhập dữ liệu lên hệ thống của Bộ, tức là phải chờ lịch của Bộ thì mới xét tuyển được. Bộ phận tuyển sinh của nhà trường cũng đang phải chờ quy chế của Bộ nên ngay cả lịch “chốt” hồ sơ cũng chỉ đang là dự kiến” - Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp lý giải.

Tương tự, nhiều trường đại học khác cũng buộc phải dời lịch xét tuyển đợt 1 do phải chờ quy chế.

Trong đó, có thể kể đến, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngay từ đầu năm 2022 đã công bố tuyển sinh bằng 3 phương thức gồm xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả học tập Trung học phổ thông (học bạ) và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Với phương thức xét học bạ, trường dự kiến nhận hồ sơ đợt 1 từ ngày 1/3 đến hết ngày 29/4, thông báo kết quả vào ngày 4/5. Tuy nhiên, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy chế tuyển sinh, nên trường chưa thể tiến hành xét và công bố điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển như các năm trước.

Thời gian xét tuyển theo phương thức học bạ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo đề án tuyển sinh ban đầu. (Ảnh chụp màn hình).

Thời gian xét tuyển theo phương thức học bạ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo đề án tuyển sinh ban đầu. (Ảnh chụp màn hình).

Một ví dụ khác, theo đề án tuyển sinh ban đầu, Trường Đại học Văn Lang cũng dự kiến kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 vào ngày 30/4. Song, tính đến thời điểm hiện tại, hạn “chốt” phương thức tuyển sinh này vẫn đang bị lùi lại.

Về phía Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cũng cho hay: “Hằng năm, nhà trường vẫn dành khoảng 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Trước đây, nhà trường có thể chủ động công bố kết quả, đối với học sinh đã tốt nghiệp từ các năm trước.

Tuy nhiên, do cũng đang chờ quy chế, nên giai đoạn này, nhà trường chỉ mới tiếp nhận hồ sơ của các em và tư vấn thêm về chọn ngành, chọn nghề cho các em, chứ cũng chưa thống kê số liệu chính thức. Bởi vì, còn phải phụ thuộc vào dữ liệu trên hệ thống thông tin chung của Bộ, chứ không thể dựa trên số lượng thí sinh chỉ tương tác với nhà trường”.

“Các phương thức mới nào cũng vậy, cần phải có một quá trình thích nghi và điều chỉnh cho phù hợp. Tôi cho rằng, những cải tiến mới thì chắc chắn cũng sẽ hướng tới mang lại thuận lợi cho thí sinh, còn về phía các nhà trường thì hiện tại chưa thực hiện nên cũng chưa thể đánh giá, phải thông qua thực hiện thực tế mới có thể kết luận là khó khăn hay thuận lợi” - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh đề cập.

Ngân Chi