“Kỷ lục gia” truyền cảm hứng cho học trò yêu Sử
Nhiều năm qua, thầy giáo Lê Văn Cường (sinh năm 1984), giáo viên dạy Lịch sử (trường Trung học phổ thông Cảm Ân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) được biết đến là “thầy giáo kỷ lục gia”, khi đã 3 lần được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về viết câu chuyện lịch sử bằng thơ lục bát.
Chia sẻ về đam mê của mình, thầy Cường cho biết: “Theo tôi, môn Lịch sử khô khan và khó học có nhiều nguyên nhân, trong đó, lỗi một phần lớn đến từ phương pháp giảng dạy của người thầy, đa phần thường áp đặt ý chí của mình cho các em. Trong khi đó, học sinh chỉ học tốt Lịch sử khi các em yêu thích và hứng thú. Các con số, sự kiện dài dằng dặc mà bắt các em phải ghi nhớ là nỗi ám ảnh và ác mộng đối với đa số học sinh khi học môn này.
Do vậy, nếu giáo viên biết cách làm cho kiến thức, sự kiện, biến cố lịch sử từ chỗ khô cứng trở nên mượt mà hơn, hấp dẫn hơn thông qua các câu chuyện lịch sử, hay các vần thơ mềm mại chẳng hạn, sẽ tạo nên xúc cảm và hứng thú mới đối với học trò. Từ đó, giúp cho các em thấy được rằng, học Lịch sử cũng hay, cũng hấp dẫn chứ không phải chỉ là học thuộc lòng các con số...”.
Thầy Lê Văn Cường được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về viết câu chuyện lịch sử bằng thơ lục bát. (Ảnh: NVCC). |
Xuất phát từ mong muốn truyền tải những câu chuyện lịch sử hấp dẫn và mềm mại, thầy giáo Lịch sử đã dành trọn tâm huyết để "hô biến" những kiến thức vốn khô khan trong mắt học trò thành những vần thơ uyển chuyển, dễ nghe, dễ thấm.
Tuy nhiên, chặng đường nào cũng vậy, ngay trong bước khởi đầu đã phải vượt qua nhiều thử thách. Và với thầy giáo Cường cũng vậy, nhất là khi, ở thời điểm thầy quyết định “phổ thơ” cho câu chuyện lịch sử, chưa từng có tác phẩm nào tương tự. Vượt qua bao ngày đêm trăn trở, cuối cùng, những dòng thơ lịch sử của thầy giáo trẻ cũng được giới thiệu trọn vẹn đến học trò.
“Học trò của tôi đã đón nhận những tác phẩm ấy một cách rất hào hứng. Và có lẽ, các em yêu quý thầy không phải chỉ bởi những kỷ lục độc đáo, đặc biệt khi thầy viết Lịch sử bằng thơ, mà các em còn thích thú với tính hài hước, dí dỏm của thầy trong các giờ học.
Ở mỗi tiết dạy của mình, tôi luôn tìm cách “pha trò” cho các em cảm thấy vui vẻ, thoải mái và thông qua đó, sẽ cảm thấy yêu thích Lịch sử hơn, bằng các câu chuyện lịch sử lôi cuốn nằm ngoài sách giáo khoa hay các câu nói ấn tượng...
Học trò hào hứng với tác phẩm của thầy Cường. (ẢNh: NVCC). |
Không chỉ có những học sinh trong Trường Trung học phổ thông Cảm Ân, mà rất nhiều học sinh cũng như nhiều bạn bè trên khắp cả nước đều tỏ ra rất yêu thích với những tác phẩm thơ lục bát lịch sử của tôi. Có lẽ vì thế, tôi cũng cảm thấy rất vui và tự hào khi đóng góp của mình đã phần nào “thổi một luồng gió mới” vào bộ môn Lịch sử, làm gia tăng tình yêu quê hương, đất nước trong tâm thức và lương tri mỗi con người Việt Nam” - nam giáo viên tâm sự.
“Chiêu” giúp học trò lựa chọn và chinh phục môn Lịch sử
Thời gian qua, khi môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn ở cấp Trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị áp dụng đối với lớp 10 từ năm học 2022-2023, đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Là một giáo viên tâm huyết với môn học này, thầy giáo Lê Văn Cường cũng thẳng thắn chia sẻ góc nhìn: “Theo tôi, môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, từ cấp Tiểu học đến lớp 9 (hết Trung học cơ sở), các em học sinh đã được trang bị những kiến thức cơ bản nhất. Lên cấp Trung học phổ thông, môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn, tức là, với những học sinh không lựa chọn học môn học này, các em vẫn đảm bảo được kiến thức tối thiểu đã được trang bị ở các lớp dưới rồi; còn với những em lựa chọn để học thì sẽ được học Lịch sử ở mức độ nâng cao, chuyên sâu hơn.
Tuy nhiên, khi môn Lịch sử trở thành môn lựa chọn, gây ra tranh cãi ở chỗ: Môn Lịch sử là môn rất có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, dân tộc cho học sinh và nhân dân.
Mà phải ở lứa tuổi cấp Trung học phổ thông thì các em mới có đủ năng lực tư duy và trình độ để hiểu thấu đáo những nội dung, bản chất sâu xa của các vấn đề lịch sử. Hiểu được, hiểu đúng thì mới gia tăng lòng yêu nước, yêu đồng bào, dân tộc được. Điều này ở lứa tuổi dưới là rất khó cảm thụ, hiểu thấu đáo được”.
Theo thầy Cường, khi môn Lịch sử trở thành tự chọn, sức hấp dẫn của môn học sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp dạy học của giáo viên. (Ảnh: NVCC). |
Đặc biệt, thầy giáo Yên Bái còn bật mí “chiêu” giúp học trò dễ dàng chinh phục môn Lịch sử: “Để đạt điểm cao trong các kỳ thi, trước hết, các em phải tìm thấy niềm yêu thích với bộ môn này và tự hào về lịch sử dân tộc mình, điều đó sẽ thôi thúc các e học tập để tìm hiểu về lịch sử.
Trong quá trình học, các em cũng nên tăng cường việc làm bài tập và thử vận dụng nhiều phương pháp học khác nhau như: học Lịch sử bằng thơ, lập bảng biểu thống kê, lập bảng so sánh, sơ đồ hoá, hệ thống hoá kiến thức kết hợp với vẽ sơ đồ tư duy lịch sử một cách thường xuyên... Chắc chắn, việc ghi nhớ và hiểu đúng bản chất vấn đề lịch sử của các em sẽ được nâng cao, kết quả các kỳ thi sẽ khả quan”.
“Thực tế, có nhiều học sinh và nhiều người mặc dù thích Lịch sử nhưng lại không chọn môn này để học. Bởi lẽ, yêu cầu của Lịch sử trong dạy và thi hiện nay có lẽ còn hơi cao so với nhận thức thực tế của trình độ các em, dẫn tới bài thi Lịch sử thường không đạt điểm cao hơn các môn khác, cho dù học sinh rất nỗ lực.
Điều này được kỳ vọng sẽ cải thiện khi triển khai sách giáo khoa và chương trình Lịch sử mới mà năm học 2022-2023 sẽ bắt đầu áp dụng.
Bên cạnh đó, một trong những điều cần cải thiện nếu muốn học sinh đạt điểm thi Lịch sử cao hơn hiện nay, ngoài đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thay đổi cách đánh giá, thi cử môn Lịch sử. Chẳng hạn như không ra đề khó quá, không yêu cầu cao quá với kiến thức Lịch sử chỉ để lấy điểm đỗ tốt nghiệp. Yêu cầu cao hãy dành cho trình độ đại học và sau đại học” - thầy Cường nhấn mạnh.