Nếu Lịch sử thành môn bắt buộc, các trường phải chọn lại tổ hợp, rất khó khăn

02/06/2022 06:38
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ Giáo dục cần đưa ra văn bản quyết định sớm về vị trí của môn Lịch sử. Có như vậy, các trường phổ thông mới xây dựng được kế hoạch cụ thể để triển khai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Sáng Sơn (Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Lịch sử nên là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Tôi là giáo viên dạy Sử 10 năm nay nên tôi hiểu được nếu để lựa chọn thì rất ít học sinh sẽ chọn học.

Vì lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp tương lai mà môn Sử là một môn trong nhóm các môn xã hội - nhóm môn có xu hướng tìm kiếm việc làm khó khăn hơn nhóm môn tự nhiên. Từ việc không học Sử ở phổ thông sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy khác”.

Theo cô Nhàn, việc thay đổi môn Lịch sử từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” sẽ kéo theo nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bản thân cô tin rằng giáo viên vẫn có thể sắp xếp, điều chỉnh phương pháp dạy một cách ổn thỏa, phù hợp.

Cô Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Sáng Sơn (Vĩnh Phúc).(Ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên môn Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Sáng Sơn (Vĩnh Phúc).(Ảnh: NVCC)

“Trước đây, chương trình Lịch sử thiết kế theo kiểu đồng tâm, nghĩa là cấp trung học cơ sở được học những kiến thức mang tính khái quát và sơ lược, lên cấp trung học phổ thông sẽ học kỹ hơn theo từng giai đoạn. Còn trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình cấp trung học cơ sở là chương trình thông sử, lên cấp trung học phổ thông học theo chuyên đề vì vậy bản chất cấp trung học phổ thông sẽ cụ thể, chuyên sâu hơn.

Ví dụ như chuyên đề này dạy về văn minh một số quốc gia, chuyên đề tiếp dạy về giải phóng dân tộc hoặc đấu tranh dựng nước và giữ nước ở Việt Nam...

Chương trình được thiết kế phù hợp với một bộ phận học sinh định hướng học chuyên sâu môn Lịch sử. Chính vì vậy, nếu thay đổi môn Sử thành môn bắt buộc, dạy đại trà với tất cả học sinh thì phải thay đổi cấu trúc chương trình.

Hiện tại, kiến thức đang ở tính chất chuyên đề, chuyên sâu thì có thể dạy nông hơn một chút, rút ngắn phần chuyên sâu lại, mang tính đại cương hơn, có thể điều chỉnh hệ thống liên thông khái quát giai đoạn nhiều hơn.

Cái cốt yếu là học sinh vẫn hiểu được lịch sử của dân tộc Việt Nam trước guồng quay của lịch sử thế giới. Điều này vừa đảm bảo được việc học sinh vẫn nắm được chương trình vừa phù hợp với đại trà học sinh”, cô Nhàn đề xuất.

Theo cô Nhàn, nếu thay đổi thì các nhà làm sách phải cơ cấu lại để cho Lịch sử cấp 2 và cấp 3 có sự liên thông với nhau, cập nhật được trình độ và khả năng nhận thức của học sinh.

Cấp 1, cấp 2 phải dạy làm sao cho học sinh yêu thích môn Lịch sử trước. Vì vậy có thể cho học sinh tìm hiểu về các nhân vật lịch sử nhiều hơn, khi học sinh đã yêu thích thì lên cấp 3 mới giáo dục ý thức, thái độ với lịch sử.

Theo quan điểm của cô Nhàn, nếu thấy chưa phù hợp thì nên điều chỉnh, không thay đổi kịp thời thì về lâu về dài sẽ để lại hậu quả nặng nề.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành hướng dẫn cụ thể

Những ngày này, khi chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy và học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng đối với lớp 10 từ năm học tới, cô Nguyễn Thị Nhàn vẫn vừa tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn vừa theo dõi các phương tiện truyền thông đại chúng với hy vọng sớm nhận được hướng dẫn cụ thể.

“Dù chỉ còn 3 tháng nữa là bước vào năm học 2022 - 2023, tuy nhiên nếu có thay đổi, đội ngũ giáo viên trẻ và năng động vẫn có thể thích ứng được. Bản thân tôi là một giáo viên sẽ đứng lớp ở chương trình mới nên tôi mong sớm có quyết định về việc Lịch sử là môn lựa chọn hay bắt buộc.

Khi đã đưa ra quyết định chính thức rồi thì cần có biện pháp cụ thể để đồng bộ cơ sở vật chất và đảm bảo mỗi giáo viên có điều kiện chuẩn bị chu đáo cho năm học mới với nhiều thay đổi”, cô Nhàn nói.

Cùng quan điểm với cô Nhàn, thầy Nguyễn Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Tây Ninh) cho rằng, dù chỉ còn 3 tháng nữa là vào năm học nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức về vị trí của môn Lịch sử sẽ gây khó khăn cho các trường.

“Khó khăn cho nhà trường trong vấn đề chọn môn cho năm học tới vì hiện tại về cơ bản trường đã tiến hành chọn xong tổ hợp môn. Nếu Lịch sử thành bắt buộc thì tăng số môn bắt buộc và giảm số môn lựa chọn nên chắc chắn trường sẽ phải tiến hành chọn lại.

Bộ Giáo dục cần đưa ra văn bản quyết định sớm. Trường hợp, quyết định môn Sử là môn bắt buộc thì cần có định hướng cụ thể về chương trình và số tiết dạy. Có như vậy, nhà trường mới xây dựng được kế hoạch cụ thể để triển khai.

Bên cạnh đó, Bộ và các Sở Giáo dục và Đào tạo cần phải có chủ trương tập huấn cụ thể để giáo viên Lịch sử thống nhất được cách dạy và cách triển khai chương trình, kiến thức tới học sinh được hiệu quả nhất”, thầy Sơn nói.

Trần Lý