Tình trạng “lạm thu” được phụ huynh quan tâm nhiều hơn cả việc miễn học phí

11/07/2022 06:56
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Điều phụ huynh lo lắng là tình trạng “lạm thu” xảy ra ở một số nhà trường, vì vậy cần có giải pháp răn đe, quán triệt.

Đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở trên cả nước từ năm học 2022-2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phần lớn người dân.

Theo nhiều đại biểu quốc hội đánh giá, đây là chủ trương nhân văn, làm giảm tình trạng học sinh nghỉ và bỏ học tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận và xem xét nhiều khía cạnh của đề xuất nếu áp dụng.

Đề xuất kịp thời, hợp lý trong thời điểm hiện tại

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, đây là đề xuất kịp thời, hợp lý trong thời điểm hiện tại, cụ thể:

Thứ nhất, nước ta đang hướng đến phổ cập giáo dục, nghĩa là tất cả học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường, việc miễn học phí là khâu quan trọng, quyết định đến sự thành công trong phổ cập. Chúng ta đã miễn học phí được cho cấp tiểu học nên tiến tới miễn học phí bậc trung học cơ sở là chuyện sớm muộn.

Thứ hai, trong thời điểm hiện tại, người dân chịu ảnh hưởng do đại dịch để lại, suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nguyên vật liệu tăng khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

“Đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở thời điểm này nhận được sự đồng thuận rất cao của dư luận xã hội. Mặc dù, mức học phí ở bậc học này không nhiều nhưng nếu được triển khai sẽ bớt được một phần gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình thuộc vùng nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa. Tôi cho rằng đây là động thái tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, bà Nga khẳng định.

Cũng đánh giá cao tính nhân văn của đề xuất, ông Thái Trường Giang (Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau khóa XIV) cho hay:

“Cà Mau có nhiều xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Đề xuất miễn học phí thời điểm này sẽ bớt được một khoản chi phí đầu năm học mới, giảm gánh nặng cho phụ huynh và học sinh. Nước ta đang hướng tới giáo dục phổ cập và đã miễn học phí với cấp tiểu học, vì vậy đề xuất này phù hợp với quy định, xu hướng nước ta đang tiến tới.

Thời điểm trước, dư luận xôn xao rất nhiều về vấn đề tăng học phí ở nhiều cấp học, kể cả đại học. Tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quan tâm sát sao và cần phải có ý kiến, vì tăng học phí sẽ tăng gánh nặng cho xã hội. Chúng ta phải xác định rõ ràng giáo dục không phải là một ngành kinh tế”.

Ông Thái Trường Giang (Đại biểu Quốc hội khóa XIV). Ảnh: quochoi.vn

Ông Thái Trường Giang (Đại biểu Quốc hội khóa XIV). Ảnh: quochoi.vn

Xem xét nhiều khía cạnh, tránh tình trạng “lạm thu” ở các nhà trường

Tuy nhiên, ông Thái Trường Giang cho rằng bên cạnh mặt lợi, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau.

“Thứ nhất, miễn học phí cấp trung học cơ sở được đề xuất rất nhiều lần nhưng chưa lần nào thực hiện được. Tôi nghĩ rằng, rào cản lớn nhất là ngân sách nhà nước còn hạn chế. Khi chúng ta miễn học phí cho một bậc học đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước phải bù vào khoản đấy. Cuộc sống người dân đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh thì ngân sách nhà nước cũng rất khó khăn.

Thứ hai, nguồn đầu tư cho giáo dục rất được chú trọng, ngân sách hàng năm cấp cho giáo dục có tỷ trọng lớn nhưng chúng ta phải đặt ra vấn đề xem nguồn đầu tư đó tất cả đã đúng "chỗ" hay chưa?

Thứ ba, miễn học phí có thể dẫn tới tác dụng ngược. Tôi lấy ví dụ, đối với những gia đình khó khăn nhưng con muốn đến trường, miễn học phí tạo điều kiện cơ hội cho họ, tuy nhiên mặt khác khi không đóng tiền học có thể làm cho chất lượng học tập, động lực đến trường giảm xuống .

Thứ tư, nếu miễn học phí thì ngân sách phải cân đối, tránh xảy ra tình trạng công lập miễn nhưng ngoài công lập thì lại thu. Điều đó sẽ vô hình chung tạo ra sự không đồng bộ, khó khăn với các trường ngoài công lập”, ông Thái Trường Giang nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, điều phụ huynh quan tâm nhiều hơn cả miễn học phí đó là tình trạng “lạm thu” xảy ra ở một số địa phương, nhà trường. Đây không phải vấn đề của một năm học mà là tình trạng xảy ra suốt nhiều năm nay.

“Tôi lấy ví dụ, cấp tiểu học đã được miễn học phí nhưng những khoản thu đầu năm rất nhiều, có những khoản nhà trường trực tiếp thu và cũng có những khoản ban đại diện phụ huynh học sinh thu.

Qua công tác tiếp xúc cử tri, nhiều phụ huynh phản ánh thắc mắc, một chiếc điều hòa lắp ở lớp học thì phải dùng được nhiều năm vậy tại sao khi con vào lớp 1 phải đóng tiền điều hòa nhưng lên lớp 2 rồi lớp 3 vẫn phải đóng khoản thu đấy. Họ cảm thấy khoản thu này không thỏa đáng”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương). Ảnh: NVCC

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương). Ảnh: NVCC

Đại biểu Quốc hội đoàn Hải Dương cho rằng, ngành giáo dục đưa ra nhiều biện pháp xử lý, thông báo đến các trường nhưng tình trạng này không quán triệt được. Vì vậy, bà Nga đề xuất:

“Nên có một đường dây nóng để phụ huynh phản ánh. Nhiều khi phụ huynh học sinh rất ngại ý kiến thẳng với cô giáo chủ nhiệm hoặc với nhà trường. Có những khoản phụ phí không đóng cũng không được mà đóng rồi thì không thoải mái. Nếu có đường dây nóng thì tôi nghĩ rằng sẽ nhận được rất nhiều phản hồi từ phía phụ huynh và các cấp chính quyền cũng sẽ nắm bắt được thông tin tốt hơn.

Chúng ta đã có quy định thì chúng ta phải có chế tài, ví dụ như phát hiện trường hợp trường học hay lớp học 'lạm thu" thì bắt buộc phải có hình thức xử lý để răn đe”.

Bên cạnh đó, một thực tế chúng ta dễ nhìn thấy đó là, mặc dù giáo dục ngoài công lập đã chứng tỏ được vai trò của mình, chia sẻ rất lớn với ngân sách nhà nước nhưng vẫn chưa được nhà nước quan tâm đầu tư.

Chính vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất với Chính phủ phối hợp với các ban ngành liên quan đưa ra nhiều biện pháp tích cực hơn nữa để thu hút sự đầu tư của các tổ chức cá nhân vào khu vực giáo dục ngoài công lập.

Trần Lý