Giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Điện Biên triển khai chế độ cử tuyển

11/07/2022 06:52
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa đầy 2 tháng nữa, năm học mới 2022 - 2023 sẽ bắt đầu. Không còn nhiều thời gian nhưng việc thiếu giáo viên tại địa bàn Điện Biên đang là bài toán khó khăn.

Việc thiếu giáo viên một số môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn còn là bài toán khó đối với Điện Biên.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cho biết:

“Nhiều giải pháp đã được ngành giáo dục và đào tạo xác định và bắt tay vào thực hiện, nhưng trước mắt, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, các trường phải sẵn sàng kịch bản ứng phó, “lấp đầy” các vị trí”.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Đối với lớp 3, đây cũng là lần đầu Tiếng Anh và Tin học trở thành môn học bắt buộc.

Đối với cấp trung học phổ thông có môn học mới hoàn toàn là Nghệ thuật (gồm 2 phân môn Âm nhạc và Mỹ thuật) được đưa vào môn học lựa chọn.

Trước những thay đổi đó, giáo dục Điện Biên vốn đã thiếu giáo viên lại càng thêm khó khăn. Toàn ngành hiện còn thiếu 203 giáo viên các môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Cụ thể thiếu 125 giáo viên Tiếng Anh (tiểu học: 72; trung học cơ sở: 38; trung học phổ thông: 15); 34 giáo viên Tin học (tiểu học: 24; trung học cơ sở: 7; trung học phổ thông: 3); 25 giáo viên Âm nhạc (tiểu học: 9; trung học cơ sở: 6; trung học phổ thông: 10); 19 giáo viên Mỹ thuật (tiểu học: 9, trung học phổ thông:10).

Ảnh minh họa: Lớp học tại trường tiểu học Nacosa

Ảnh minh họa: Lớp học tại trường tiểu học Nacosa

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt: “Dù đã giảm số trường, tăng số lớp/trường, số học sinh/lớp nhưng tỉnh vẫn thiếu nhiều giáo viên.

Không chỉ thiếu giáo viên mà còn thiếu nguồn tuyển, dù có chỉ tiêu cũng không tuyển dụng được. Bởi vậy ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn, dài hạn để đáp ứng cho năm học tới”.

Lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng đào tạo giáo viên các môn thiếu để bổ sung đã được triển khai.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên cũng khuyến khích, động viên đội ngũ giáo viên hiện tại đi học văn bằng 2 theo nguyện vọng, phù hợp với các môn học đang thiếu.

Ngoài ra từ tháng 3/2022, Sở đã yêu cầu các huyện báo cáo chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, ưu tiên các môn chuyên biệt.

Trên cơ sở đó tổng hợp làm văn bản gửi các trường đại học có đào tạo chuyên ngành sư phạm các môn trên, đề nghị giới thiệu tới sinh viên đã tốt nghiệp và chuẩn bị tốt nghiệp của trường để các em nghiên cứu, xem xét, liên hệ, tham gia tuyển dụng”.

“Thông qua các buổi họp trong ngành, gặp gỡ báo chí, chúng tôi cũng thông tin tình trạng thiếu giáo viên này. Mong muốn các cán bộ trong ngành, các cơ quan báo chí có thể thông tin rộng rãi cho nhiều người biết, giới thiệu con em, bạn bè học đúng ngành ra trường có thể ứng tuyển, cống hiến cho giáo dục Điện Biên” - ông Nguyễn Văn Đoạt nói thêm.

Cùng với đó, ngành thực hiện khảo sát đối tượng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm, có nhu cầu nguyện vọng làm việc trong môi trường giáo dục để xem xét, tổng hợp.

Nếu các em có nguyện vọng và đáp ứng được điều kiện có thể phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo nâng cao, liên thông, văn bằng 2 để bổ sung nhanh đội ngũ đang thiếu.

Giải pháp lâu dài để “lấp khoảng trống” lớn của tình trạng thiếu giáo viên và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, năng lực giảng dạy mà tỉnh ta xác định là triển khai chế độ cử tuyển.

Năm 2021, căn cứ đăng ký nhu cầu đào tạo trình độ đại học theo chế độ cử tuyển của các huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cử 23 học sinh đi học đại học theo chế độ cử tuyển ngành sư phạm Tiếng Anh.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn thiếu 102 giáo viên tiếng Anh. Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chỉ tiêu cử tuyển năm 2022.

Theo đó, có 68 chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học theo chế độ cử tuyển, trong đó sư phạm tiếng Anh 38 chỉ tiêu; sư phạm Tin học 10 chỉ tiêu; sư phạm Âm nhạc 10 chỉ tiêu; sư phạm Mỹ thuật: 10 chỉ tiêu.

Đồng thời, đề nghị các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng cao, gồm: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (20 chỉ tiêu sư phạm Mỹ thuật, Âm nhạc), Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội 38 chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Anh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 10 chỉ tiêu ngành sư phạm Tin học.

“Đó là những giải pháp về lâu dài, còn trước mắt phòng giáo dục và đào tạo các huyện, các trường cần chủ động phương án, kế hoạch cụ thể, kịch bản sẵn sàng dựa trên tình hình thực tế, số giáo viên hiện có để giải quyết vấn đề cho năm học tới, nếu việc tuyển dụng chưa có kết quả” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Đoạt cho biết.

Trong khi đó, ông Ngô Xuân Chiến – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, Điện Biên cho biết, xác định rõ khó khăn về số lượng giáo viên nên Phòng đề ra phương án, trước khi vào năm học mới chỉ đạo các trường rà soát, sắp xếp lại mỗi trường có ít nhất 1 giáo viên dạy học môn Tiếng Anh; thực hiện giao nhiệm vụ giáo viên tiếng Anh cấp trung học cơ sở dạy học liên cấp trên cùng địa bàn xã, thị trấn; xây dựng phương án học trực tiếp kết hợp với học trực tuyến (lớp học ảo, một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp học ở những vị trí khác nhau)...

Ảnh minh họa: LC

Ảnh minh họa: LC

Đó là cũng giải pháp chung mà các huyện đang triển khai trước thềm năm học mới.

Để làm được điều đó, các phòng giáo dục và đào tạo phải tập huấn, hướng dẫn giáo viên thực hiện phương án dạy học linh hoạt; sắp xếp thời khóa biểu khoa học, phù hợp để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường; xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến khi đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền và có giáo viên trợ giảng, phụ trách các điểm cầu...

Việc tìm ngay được những giáo viên chuyên biệt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là bài toán khó không chỉ của Điện Biên mà còn nhiều địa phương khác.

Do vậy, trong khi chờ đợi những giải pháp lâu dài, các huyện, các trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang linh hoạt, chủ động, bố trí hợp lý để 100% học sinh được dạy môn tiếng Anh, Tin học, học sinh trung học phổ thông lựa chọn môn nghệ thuật cũng có thể được đáp ứng, cùng sẵn sàng bước vào năm học mới.

Trần Phương