Từ khi có NĐ 140, Sơn La không có trường hợp nào đủ tiêu chuẩn xét tuyển GV

26/08/2022 06:32
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với các địa phương miền núi, việc thu hút nhân lực chất lượng cao hiện chưa đạt hiệu quả, các tiêu chuẩn "người tài" theo quy định đang quá cao. 

Song song với bài toán thiếu giáo viên, vấn đề thu hút nhân tài để đào tạo nguồn cán bộ xuất sắc cũng là mối quan tâm của nhiều địa phương. Tuy nhiên, những quy định về tiêu chuẩn tuyển dụng đang khiến các địa phương gặp khó trong chính sách thu hút nhân tài ví như yêu cầu sinh viên "rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học"...

Với những quy định như vậy, nhiều địa phương lo ngại khó có thể thu hút được nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là với ngành giáo dục.

Điều kiện kinh tế đi lại khó khăn khiến địa phương khó thu hút nhân lực. Ảnh minh họa: Các giáo viên ở điểm trường Hô Củng (Chà Tở, Nậm Pồ, Điện Biên)

Điều kiện kinh tế đi lại khó khăn khiến địa phương khó thu hút nhân lực. Ảnh minh họa: Các giáo viên ở điểm trường Hô Củng (Chà Tở, Nậm Pồ, Điện Biên)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đoạt – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết:

“Để tiếp tục thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ, những năm qua Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp bao gồm:

Tạo điều kiện nhà ở công vụ; cử tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn theo Quyết định số 3163/QĐ-UBND ngày 3/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện chi trả kịp thời chế độ đối với giáo viên được phân công công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ như:

Phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng; phụ cấp công tác lâu năm được chi trả theo các mức 0,5, 0,7, 1,0; trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác, trong trường hợp có gia đình cùng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình và trợ cấp cho hộ gia đình; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép theo quy định.

Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hỗ trợ tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập; phụ cấp ưu đãi theo nghề bằng 70% mức lương hiện hưởng.

Ngoài ra còn có các loại trợ cấp: Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số; vùng biên giới được hưởng phụ cấp đặc biệt từ 30% đến 100% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)…”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Đoạt: “Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ quy định chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ là một chính sách rất tốt nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ vào làm việc trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nên chưa tạo được sức hút đối với nguồn nhân lực có trình độ đăng ký tuyển dụng theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP tại tỉnh Điện Biên.

Đồng thời với những yêu cầu quá cao với đối tượng tuyển dụng theo Nghị định, chúng tôi e rằng quy định này sẽ hạn chế nguồn nhân lực có trình độ cao đăng ký tuyển dụng, nhất là với tỉnh miền núi như Điện Biên”.

Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các quy định của Nghị định 140/2017/NĐ-CP trong thu hút nhân tài, ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng:

“Với tiêu chuẩn tại Khoản 1 Điều 2; Khoản 1 Điều 11 của Nghị định 140/2017/NĐ-CP, theo quan điểm cá nhân tôi thì rất ít sinh viên có thể hội tụ đủ các điều kiện theo quy định để được hưởng chính sách theo Nghị định này.

Nếu có, thì các sinh viên này có thể tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở vùng thuận lợi.

Với chính sách thu hút này thì việc tuyển dụng giáo viên đối một sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi đã khó chứ không nói đến sinh viên đạt tiêu chuẩn của Nghị định này - tốt nghiệp loại xuất sắc.

Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các sinh viên xuất sắc liệu có chọn lên vùng cao công tác? Ảnh: LC

Điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, các sinh viên xuất sắc liệu có chọn lên vùng cao công tác? Ảnh: LC

Thực tế là từ khi Nghị định 140 có hiệu lực, trên địa bàn tỉnh Sơn La không có trường hợp nào đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Nghị định nộp hồ sơ xét tuyển để công tác tại tỉnh. Nghị định quy định tiêu chuẩn, điều kiện quá cao và không phù hợp với thực tiễn tại địa phương”.

Nói về việc thu hút giáo viên giỏi về vùng cao công tác, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng:

“Theo tôi, để có thể thu hút được giáo viên giỏi về công tác tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, nhất là đối với các tỉnh miền núi khó khăn cần thực hiện các việc như:

Một là, hạ tiêu chuẩn hưởng chính sách xuống mức phù hợp với tình hình thực tế để có nhiều hơn số lượng sinh viên thỏa mãn điều kiện.

Hai là, có chính sách cụ thể phù hợp với từng ngành, từng vùng và phải đủ hấp dẫn, khả thi để thu hút những sinh viên ưu tú này.

Đồng thời để chính sách được thực thi hiệu quả trong thực tiễn, chúng tôi kiến nghị một vài điểm của Nghị định cần được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, lưu tâm đến việc để địa phương chủ động chọn lọc tiêu chí phù hợp với thực tiễn trong việc thu hút nhân sự chất lượng cao, tất nhiên những quy định này phải phù hợp với khuôn khổ quy định chung của Chính phủ”.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ quy định về tiêu chuẩn áp dụng chính sách đó là: “Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật có kết quả học tập và rèn luyện xuất sắc các năm học của bậc đại học, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật thanh niên tính đến thời điểm nộp hồ sơ dự tuyển và đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học) và khoa học xã hội (ngữ văn, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông;

b) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia hoặc quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông hoặc bậc đại học;

c) Đạt giải ba cá nhân trở lên tại cuộc thi Ô-lim-pic thuộc một trong các môn toán, vật lý, hóa học, cơ học, tin học hoặc các chuyên ngành khác trong thời gian học ở bậc đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.”

Tại Khoản 1, Điều 11 quy định: "Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 1, hệ số lương 2,34; cán bộ khoa học trẻ có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ nội trú, dược sĩ chuyên khoa cấp I được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 2, hệ số lương 2,67; cán bộ khoa học trẻ có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II được bổ nhiệm ngạch chuyên viên và tương đương, xếp bậc 3, hệ số lương 3,00.

Đồng thời, được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng. Phụ cấp tăng thêm không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (đối với viên chức). Thời gian hưởng phụ cấp tăng thêm không quá 05 năm kể từ ngày có quyết định tuyển dụng".

Trần Phương