Sáng ngày 30/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023 của ngành giáo dục mầm non thành phố.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hoài Nam đã đến dự và có phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối năm học vừa rồi, toàn thành phố có 465 trường mầm non công lập, 844 trường dân lập hay tư thục, 1.582 nhóm trẻ độc lập.
Do là bậc học chịu ảnh hưởng đặc biệt nhất vì dịch Covid-19, so với năm học trước nữa, số trẻ, trường và nhóm lớp đều giảm mạnh. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, không có khả năng hỗ trợ cho người lao động khi dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non triển khai nhiệm vụ năm học mới (ảnh: P.L) |
Thế nhưng, công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cũng vẫn vượt chỉ tiêu đề ra so với kế hoạch dự trù, tăng 27 trường thay vì 15 trường như dự định ban đầu.
Nhiều chế độ hỗ trợ, chính sách phát triển giáo dục mầm non đã được thành phố ban hành, công tác chuyển đổi số được phát huy mạnh mẽ trong tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục và quản lý điều hành, hoàn thiện cơ sở dữ liệu của ngành, đẩy mạnh việc cập nhật mã định danh cho trẻ.
Trong năm học mới sắp đến, theo bà Lương Thị Hồng Điệp – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngành giáo dục mầm non sẽ tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh – an toàn – thân thiện trong các cơ sở giáo dục mầm non”, tăng cường công tác quản lý nhà nước, triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Giáo dục mầm non của thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng chống dịch bệnh, nhất là Covid-19, bảo vệ sức khỏe và an toàn tuyệt đối cho trẻ, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi.
Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, triển khai kế hoạch “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm trong giai đoạn 2021 – 2025, đẩy mạnh công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, tăng cường chuyển đổi số trong quản lý giáo dục.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam trao giấy khen cho các trường có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua (ảnh: P.L) |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong năm học vừa qua, ngành giáo dục mầm non chịu tổn thương nhiều nhất, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thế nhưng, trong khó khăn và áp lực như vậy, giáo dục mầm non của thành phố đã khắc phục, vượt qua khó khăn. Dù nhập học trễ hơn, kết thúc năm học muộn hơn nhưng ngành vẫn hoàn thành chương trình đề ra.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án phổ cập mầm non 3 và 4 tuổi, nên giáo dục mầm non của thành phố cũng cần quan tâm, để hướng dẫn các quận huyện và thành phố Thủ Đức trong tâm thế sẵn sàng để thực hiện.
Ngành giáo dục mầm non cũng cần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng được theo chuẩn mới, thậm chí là trên chuẩn.
Ngoài ra, cũng cần đầu tư, xây dựng trường lớp, đảm bảo tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng các trường chất lượng cao, tiếp tục làm tốt công tác chính sách, đảm bảo hoạt động của các nhà trường một cách tốt nhất, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục mầm non.