Ngành giáo dục Quảng Ninh chủ động khắc phục khó khăn về đội ngũ GV

05/09/2022 06:20
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các địa phương ở Quảng Ninh chủ động cân đối, bố trí giáo viên đồng thời đề nghị UBND tỉnh giao thêm biên chế, đảm bảo công tác triển khai năm học mới.

Nhiều trường thiếu giáo viên, thiết bị dạy học

Năm học mới bắt đầu, việc sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên đứng lớp đáp ứng yêu cầu dạy học đang là bài toán nan giải đối với các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh.

Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có hơn 21.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Còn thiếu hơn 1.600 giáo viên so với quy định.

Ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), số biên chế ngành giáo dục do thành phố quản lý hiện có 1.309 người (mầm non: 365, tiểu học: 546, trung học cơ sở: 398).

Theo đó, ngành giáo dục thành phố Uông Bí còn thiếu so với biên chế được giao là 20 người (tiểu học thiếu 11 người, trung học cơ sở thiếu 9 người).

Số biên chế công chức làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng hạn chế khi chỉ có 4 công chức, còn lại 10 viên chức biệt phái, trưng dụng.

Theo đó, quy mô, cơ cấu, chất lượng nhà giáo, cán bộ quản lý chưa phù hợp, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên các môn học và tại một số đơn vị trường học.

Việc tuyển dụng, hợp đồng lao động đối với giáo viên, nhân viên bổ sung cho các cơ sở giáo dục chưa kịp thời trong khi quy mô trường, lớp tăng hằng năm.

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, ngành giáo dục Uông Bí còn khó khăn khi chưa được cấp phát trang cấp thiết bị đồ dùng dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 21.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Còn thiếu hơn 1.600 giáo viên so với quy định (Ảnh: Phạm Linh)

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 21.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Còn thiếu hơn 1.600 giáo viên so với quy định (Ảnh: Phạm Linh)

Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên tại một số trường tại thành phố Uông Bí, khó khăn trước thềm năm học mới phải kể đến việc thiếu nhân viên, giáo viên một số bộ môn như Tin học, Thể dục, Khoa học tự nhiên.

Bên cạnh đó, nhiều trường chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị giáo dục để đáp ứng việc dạy học theo chương trình mới. Đặc biệt, nhiều trường thiếu máy tính phục vụ giảng dạy môn Tin học.

Tại Trường Tiểu học Phương Đông B (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), đến thời điểm hiện tại nhà trường vẫn chưa có giáo viên môn Tin, trang thiết bị phòng Tin học (được xã hội hoá theo Đề án ngoài giờ chính khoá) không đáp ứng được việc giảng dạy đối với khối lớp 3.

Về trang thiết bị giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường mới được cấp phát cho lớp 1 còn lớp 2 và lớp 3 hiện chưa có.

Trường Tiểu học Yên Thanh (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) thuận lợi hơn khi đã có 1 giáo viên Tin học, tuy nhiên máy tính nhà trường được trang bị trước đó hiện đã cũ, chỉ còn 8 máy còn hoạt động được.

Tương tự tại Trường Trung học cơ sở Phương Đông và Trưng Vương cũng đang thiếu giáo viên môn Thể dục, Tin học.

Còn tại Trường Trung học cơ sở Yên Thanh (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), năm học 2022 – 2023, trường có 604 học sinh (14 lớp) và có 14 phòng học.

Theo đó, nhà trường hiện chỉ đáp ứng đủ phòng học cho học sinh, còn thiếu toàn bộ phòng bộ môn. Về đội ngũ giáo viên, trường còn thiếu giáo viên môn Khoa học tự nhiên và thiếu nhân viên thiết bị, thư viện, công nghệ thông tin và y tế.

Trước thềm năm học mới, nhiều trường trên địa bàn huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) cũng còn thiếu biên chế giáo viên môn Tin học và tiếng Anh trong khi từ năm học 2022-2023, tiếng Anh và Tin học chính thức trở thành môn học bắt buộc với học sinh lớp 3.

Toàn huyện Ba Chẽ đang thiếu 44 giáo viên so với quy định. Trong đó, tất cả các trường có cấp tiểu học trên địa bàn đều thiếu giáo viên Tin học. Ngoài ra còn có nhiều trường thiếu giáo viên tiếng Anh, giáo viên văn hóa.

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, các trường cũng chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phạm Linh)

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, các trường cũng chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị giáo dục để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Phạm Linh)

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) đang có 3 điểm trường (1 điểm chính và 2 điểm lẻ) và các điểm cách nhau khoảng 7 – 8km.

Hiện, nhà trường chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh cấp trung học cơ sở nên việc di chuyển của giáo viên bộ môn tới các điểm trường khá khó khăn.

Đối với giáo viên Tin học, nhà trường vẫn thiếu giáo viên môn này khối tiểu học còn cấp trung học cơ sở đã được phòng Giáo dục và Đào tạo bố trí 1 giáo viên dạy kết hợp ở trường với 1 trường lân cận.

Chủ động khắc phục khó khăn

Trong điều kiện khó khăn chung của ngành và trên cơ sở biên chế hiện có, ngành giáo dục các địa phương ở Quảng Ninh đang chủ động cân đối, điều tiết, bố trí giáo viên, khẩn trương tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch.

Tại các huyện miền núi, phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với khu vực thành phố cử giáo viên cốt cán, có nhiều thành tích trong công tác ôn thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Để đảm bảo đội ngũ cho năm học mới, phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Uông Bí cũng đã đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao thêm biên chế cho ngành giáo dục thành phố.

Sớm triển khai thi tuyển bổ sung giáo viên, nhân viên năm 2022, đặc biệt là tuyển bổ sung giáo viên Tiếng Anh, Tin học và nhân viên y tế.

Đồng thời, đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh và các Sở, ngành sớm triển khai mua sắm tập trung, có hướng dẫn về việc xác định giá trang thiết bị giáo dục để kịp thời mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đặc biệt, đầu tư bổ sung phòng máy tính cho các trường học để triển khai dạy Tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng chia sẻ và giải quyết khó khăn chung của toàn ngành, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động có phương án sắp xếp đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học để sẵn sàng đón năm học mới.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động có phương án sắp xếp đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học để sẵn sàng đón năm học mới (Ảnh: Phạm Linh)

Các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động có phương án sắp xếp đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học để sẵn sàng đón năm học mới (Ảnh: Phạm Linh)

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) đã đề xuất với phòng Giáo dục và Đào tạo cử 3 giáo viên học thêm trình độ tin học và công nghệ ở Trường Đại học Hạ Long, thời gian học khoảng 2 tháng, dự kiến học vào đầu tháng 9.

Còn tại Trường Tiểu học Yên Thanh (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), nhà trường khắc phục bằng cách ưu tiên những máy chiếu sẵn có để lắp đặt, phục vụ cho học sinh khối lớp 3.

Trong hè, nhà trường đã tổ chức 2 buổi sinh hoạt chuyên môn với mục đích để giáo viên tự thảo luận để tìm, sử dụng những đồ dùng, thiết bị sẵn có và phân chia nhau theo từng môn để tự làm một số trang thiết bị dạy học.

Để khắc phục việc thiếu máy tính, trường tận dụng 5 máy tính xách tay được Sở Giáo dục và Đào tạo đầu tư cho "phòng học thông minh" để đảm bảo học sinh được thực hành Tin học.

Từ đó, nhà trường đảm bảo 100% học sinh khối lớp 3 được học Tin học ngay từ tuần đầu tiên của chương trình mới.

Theo thầy Nguyễn Ngọc Thanh – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phương Đông (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), xác định việc thiếu giáo viên, trang thiết bị giáo dục là khó khăn chung của toàn ngành nên nhà trường chủ động phương án để đảm bảo sẵn sàng cho năm học mới.

Nhà trường đã có kế hoạch tận dụng phòng Tin học được đầu tư theo Đề án ngoài giờ chính khoá với 20 máy tính để đảm bảo việc dạy môn Tin học trong năm học mới.

Cô Lê Thị Thuý – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cũng cho biết, năm học 2022 – 2023, trường có 687 học sinh (15 lớp). Số phòng học hiện tại của trường là 15 phòng học và có 6 phòng bộ môn.

Tuy trường đáp ứng đủ số phòng bộ môn nhưng trang thiết bị còn thiếu nhiều. Điển hình như phòng Tin học hiện vẫn chưa được trang bị máy tính.

Nhà trường hiện chỉ khắc phục được việc thiếu giáo viên môn Tin học bằng cách trưng dụng giáo viên Toán – Tin.

Phạm Linh