Ở các thành phố lớn hiện nay, có lớp học bậc tiểu học sĩ số đến trên 50 học sinh. Còn trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, sĩ số lớp học có nơi cũng vượt quá 45 học sinh/lớp khiến việc dạy và học gặp rất nhiều khó khăn.
Quy định về sĩ số lớp học bậc phổ thông thế nào?
Điều 16 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 ban hành Điều lệ Trường tiểu học quy định lớp học, tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường như sau:
"Học sinh được tổ chức theo lớp học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Mỗi lớp học hoà nhập có không quá 02 học sinh khuyết tật, trường hợp đặc biệt, hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện thực tế để sắp xếp, bố trí thêm học sinh khuyết tật trong một lớp học để đảm bảo cho những học sinh khuyết tật có nhu cầu và có khả năng học tập đều được đi học". [1]
Ảnh minh họa: P.L/giaoduc.net.vn |
Cùng với đó, Điều 15 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về sĩ số học sinh như sau:
Mỗi lớp ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông có không quá 45 học sinh; Số học sinh trong mỗi lớp của trường chuyên biệt được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên biệt. [2]
Thế nhưng, hiện tại ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trên cả nước có số lượng học sinh tăng dẫn đến trường lớp quá tải, còn giáo viên phải căng mình giảng dạy với sĩ số lớp học vượt quy định.
Báo Tuổi trẻ ngày 22/8/2022 cho biết, theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện tượng sĩ số học sinh/lớp tại địa phương này vẫn cao hơn quy định, chủ yếu ở bậc tiểu học.
Cụ thể, sĩ số khoảng 42 học sinh/lớp, có nơi thấp hơn khoảng 38 - 39 học sinh/lớp nhưng vẫn có những trường sĩ số vọt lên 50 - 55 học sinh/lớp.
Còn theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022 - 2023, Thành phố tăng khoảng 21.825 học sinh, và tập trung nhiều ở bậc tiểu học. [3]
Một số kiến nghị, đề xuất
Theo Điều 6 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định chế độ làm việc giáo viên phổ thông ban hành (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT), định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong 01 tuần, cụ thể như sau:
"1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.
3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. [4]
Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT bổ sung khoản 2a, Điều 6 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT như sau: “2a. Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết”.[5]
Cá nhân người viết cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu giảm định mức tiết dạy cho giáo viên nếu sĩ số lớp học vượt quy định. Chẳng hạn, nếu cấp tiểu học trên 40 học sinh/lớp; cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông trên 50 học sinh/lớp thì giáo viên được giảm 2 tiết/tuần.
Điều băn khoăn, hiện nay nhiều địa phương đang thiếu trầm trọng giáo viên ở cấp tiểu học, nếu giảm định mức tiết dạy thì trường học sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, ngành giáo dục có thể hợp đồng thêm nhân sự hoặc tăng phụ cấp cho thầy cô cũng là giải pháp khả thi.
Việc làm này là hợp tình, hợp lí và tạo sự công bằng cho giáo viên trong công việc. Hơn nữa, việc giảm định mức tiết dạy giúp cho giáo viên cho thêm thời gian để quản lí, giáo dục học sinh và hoàn thành các loại hồ sơ theo quy định.
Hiện, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở cả 3 cấp học, giáo viên phải dành rất nhiều thời gian cho việc soạn bài mới, thay đổi phương pháp giảng dạy và các hoạt động có liên quan.
Nếu thầy cô phải dạy học với sĩ số lớp vượt quá quy định nhưng không được giảm định mức tiết dạy, không được nhận thêm phụ cấp là sự thiệt thòi với giáo viên. Điều này cũng ít nhiều sẽ khiến thầy cô tâm tư.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-28-2020-TT-BGDDT-ve-Dieu-le-Truong-tieu-hoc-282401.aspx
[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-12-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-pho-thong-va-truong-120867.aspx
[3] https://tuoitre.vn/hoc-sinh-tang-manh-truong-lop-qua-tai-nhieu-noi-thieu-giao-vien-20220822081020267.htm
[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-28-2009-TT-BGDDT-quy-dinh-che-do-lam-viec-giao-vien-pho-thong-96487.aspx
[5] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-15-2017-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-115041-d1.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.