Lai Châu kiến nghị quan tâm đến lương và chế độ cho giáo viên
Trước thực trạng thiếu giáo viên trong năm học 2022-2023, nhiều địa phương gặp cảnh thiếu càng thêm thiếu, do giáo viên xin nghỉ việc hoặc xin chuyển vùng nhiều khiến việc thu hút giáo viên thêm khó khăn, đặc biệt ở vùng khó.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: “Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới, giao thông đi lại, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội còn nhiều khó khăn.
Đa số đội ngũ giáo viên của tỉnh là người từ miền xuôi lên công tác, vì vậy, rất nhiều giáo viên sau một thời gian công tác có nguyện vọng được chuyển công tác về vùng thuận lợi, hợp lý hóa gia đình; cũng như thay đổi công việc sang lĩnh vực khác; sức khỏe yếu, một số bị tai nạn giao thông mất hoặc không đủ sức khỏe…
Ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu. (Ảnh: laichau.edu.vn). |
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có 176 giáo viên xin nghỉ thôi việc theo nguyện vọng. Hằng năm, có khoảng 170 giáo viên chuyển công tác theo nguyện vọng.
Thực hiện Nghị quyết số 39 ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình đã đề ra. Từ năm 2019 đến nay, toàn ngành có 174 giáo viên được cho nghỉ theo diện tinh giản biên chế”.
Trăn trở trước bài toán thiếu giáo viên trên địa bàn, nhất là khi số lượng giáo viên xin chuyển nghề, chuyển ngành vẫn tăng cao, ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) chia sẻ: “Trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2022, số lượng giáo viên xin thôi việc không nhiều, chỉ có khoảng 5 trường hợp, xin nghỉ để chuyển sang lĩnh vực khác, chủ yếu là kinh doanh.
Tuy nhiên, số lượng giáo viên chuyển vùng lại tương đối lớn. Riêng trong năm nay, chưa tổng hợp chính xác tuyệt đối, nhưng cũng đã có khoảng trên dưới 40 trường hợp giáo viên chuyển vùng về các địa phương khác.
Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên). (Ảnh: NVCC). |
Mường Nhé là một huyện đặc biệt nghèo, mà đã là huyện nghèo nhất tỉnh mà lại có 5 xã khó khăn bậc nhất, trong đó, 2 xã Pá Mỳ, Huổi Lếch là xa trung tâm nhất. Hiện nay, mặc dù đã có đường thông với trung tâm xã, nhưng rất khó đi, đặc biệt, vào mùa mưa gần như giao thông bị “chia cắt” hoàn toàn.
Khó khăn là vậy, nhưng giáo viên ở đây lại không được hưởng đầy đủ các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, do vẫn thuộc xã “nội địa” nên không được hưởng “phần trăm biên giới” - chế độ phụ cấp đặc biệt cho giáo viên làm việc tại khu biên giới.
Vì vậy, đời sống giáo viên không được đảm bảo, dẫn đến, số giáo viên đã phấn đấu lâu năm, có nguyện vọng chuyển vùng, thường chiếm số lượng rất lớn”.
Tìm giải pháp “giữ chân” nhà giáo
Để khắc phục thực trạng thiếu giáo viên trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu có kiến nghị, đề xuất như sau: “Thứ nhất, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống; giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp”.
Về phía phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên), ông Phạm Thiết Chùy cũng đề cập đến một số kiến nghị: “Chúng tôi đề nghị, Chính phủ quan tâm hơn về các chế độ, chính sách hỗ trợ, nhất là với những xã đặc biệt khó khăn, xa trung tâm huyện, xa trung tâm tỉnh như thế này.
Điểm trường Pa Tết (xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, Điện Biên) với “5 không” - không điện, không nước, không đường, không sóng điện thoại và không phòng học. (Ảnh: Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé). |
Nên có chính sách đặc thù tính theo khoảng cách từ nơi công tác đến trung tâm huyện, trung tâm tỉnh, tương tự như chế độ đối với học sinh bán trú. Chẳng hạn, xa trung tâm hơn 200km, cũng nên có một chế độ đãi ngộ nhất định. Bên cạnh đó, cũng nên dựa trên đánh giá tổng thể, về mức độ nghèo của xã đó, ví dụ như hai xã Pá Mỳ và Huổi Lếch là tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 70-80%, đời sống nhân dân trên địa bàn đã khó, đã khổ, thì đời sống giáo viên lại càng khó khăn hơn”.
“Một vấn đề nữa, đối với việc thăng hạng giáo viên, hiện nay, Điện Biên đã triển khai thăng hạng từ hạng IV lên hạng III; còn thăng hạng từ hạng III lên hạng II và hạng II lên hạng I, đối với huyện Mường Nhé, với tỉnh Điện Biên, trong năm qua hầu như chưa thực hiện được.
Điểm bản thuộc một xã vùng khó tại Mường Nhé (Điện Biên) chỉ vỏn vẹn 4-5 học sinh. (Ảnh: Mộc Trà). |
Tuy nhiên, kể cả với các giáo viên đã thăng hạng từ hạng IV lên hạng III, cũng chưa hưởng chế độ tương xứng, do chưa được quan tâm phân bổ ngân sách.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ, Nhà nước, các Bộ ngành quan tâm đầu tư thêm cơ sở hạ tầng tại các địa phương, chẳng hạn như với các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mường Nhé, rất cần được đầu tư làm đường nhựa để việc đi lại của bà con nhân dân cũng như của thầy cô giáo để đỡ vất vả.
Cải thiện điều kiện sinh hoạt, công tác cũng là một trong những cách “giữ chân” nhà giáo” - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé nhấn mạnh.