Còn nhiều ngổn ngang khi kết nối giữa trường đào tạo sức khỏe và cơ sở thực hành

18/10/2022 06:45
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 111/2017 đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn trong đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe.

Nghị định 111 năm 2017 “Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe” ra đời đã tạo ra nhiều kỳ vọng về việc phối hợp chặt chẽ, mạch lạc hơn giữa các cơ sở đào tạo y khoa và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, một số cơ sở đào tạo cho rằng, Nghị định này vẫn còn một số vướng mắc trong đào tạo thực hành ở các trường y dược.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Bình, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Thái Bình cho biết, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của tất cả các cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành về những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Nghị định 111. Mỗi đơn vị đều có trách nhiệm báo cáo, giải trình theo biểu mẫu của Bộ Y tế gửi về.

Đây là điều kiện thuận lợi để Bộ nắm bắt thông tin đa chiều từ các địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Bình, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Thái Bình. Ảnh: Trường Đại học Y dược Thái Bình

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bái - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Thái Bình, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Thái Bình. Ảnh: Trường Đại học Y dược Thái Bình

Nghị định 111 là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phối hợp về đào tạo thực hành giữa các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe với các cơ sở khám bệnh chữa bệnh, cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo.

Song khi đi vào thực tiễn, vẫn còn một số vướng mắc trong việc kết nối giữa cơ sở đào tạo với bệnh viện, đặc biệt trường hợp bệnh viện không thuộc trường mà là bệnh viện độc lập trên địa bàn.

Với ngành y, giảng dạy thực hành rất quan trọng và giảng dạy thực hành phải gắn liền với việc khám, chữa bệnh, điều trị trên người bệnh tại bệnh viện.

Vậy khi giảng viên từ trường sang triển khai công tác đào tạo giảng dạy tại bệnh viện, nếu không có sự gắn kết chặt chẽ, không nhận được sự đồng thuận của cơ sở thực hành thì việc tổ chức giảng dạy thực hành cho sinh viên sẽ gặp khó khăn.

Rõ ràng, đào tạo ngành y phải có thực hành, nếu giảng viên chỉ giảng lý thuyết thì không đạt được hiệu quả đào tạo. Nhưng để một giảng viên gắn kết thực sự được như một bác sĩ ở bệnh viện là điều không dễ.

Trong giai đoạn hiện nay, việc phối hợp giữa cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành còn liên quan đến việc thanh toán, quyết toán bảo hiểm, liên quan tới trách nhiệm của bác sĩ, đến vấn đề đăng ký khám chữa bệnh cũng như các vấn đề liên quan đến cơ chế thị trường.

Thầy Bái cho rằng, vướng mắc nhất là vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế khi người thầy thuốc lúc ở bên trường, lúc ở bệnh viện. Dù khi ký hồ sơ bệnh án tại bệnh viện, nhưng sau đó lại công tác ở trường nên còn khó khăn ở khâu quyết toán bảo hiểm.

Hiện nay, các bệnh viện đều bước vào cơ chế tự chủ nên gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, song, nhiều đơn vị đã cố gắng, tạo điều kiện, môi trường tốt nhất cho người học được đào tạo thực hành.

Cũng chính vì khó khăn trong bối cảnh tự chủ, một số bệnh viện phải tập trung cao độ, ưu tiên sắp xếp giường bệnh nên việc sắp xếp không gian, hội trường để tổ chức giảng dạy thực hành tại bệnh viện sẽ gặp khó khăn.

Theo chia sẻ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bái, vấn đề nhân lực cũng là điều phải lưu tâm. Theo quy định của Nghị định 111, đối với cơ sở giáo dục có ngành, chuyên ngành đào tạo về khám bệnh, chữa bệnh có 1 cơ sở thực hành là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì “tổng thời lượng tham gia giảng dạy thực hành của tất cả người giảng dạy thực hành thuộc cơ sở thực hành tối thiểu là 50%, tối đa là 80% tổng thời lượng chương trình thực hành được thực hiện tại cơ sở thực hành”.

Yêu cầu thầy thuốc của bệnh viện tham gia đào tạo tối thiểu 50% khung thời gian đào tạo thực hành là một điều khó, bởi lẽ, các bác sĩ trong bệnh viện cũng rất bận rộn với công việc chính nên để họ đảm đương khối lượng công việc lớn là điều không dễ dàng.

Thầy Bái kiến nghị cần phải xem xét trách nhiệm giữa cơ sở thực hành và cơ sở đào tạo, để thực sự tạo điều kiện tốt nhất cho các giảng viên, bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh và đào tạo.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên) cho biết, đào tạo thực hành trong y khoa đóng vai trò hết sức quan trọng và là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo của khối ngành sức khỏe.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y – Dược (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Nghị định 111 "Quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe" do Chính phủ ban hành năm 2017 là cơ sở pháp lý cho sự phối hợp về đào tạo thực hành giữa các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đi vào nền nếp, có hiệu quả, trong đó quy định rõ quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên trong quá trình hợp tác.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng có nội dung của Nghị định còn bất cập, cần được rà soát, xem xét sửa đổi.

Cụ thể Mục b, Điều 10 về “Yêu cầu đối với cơ sở giáo dục” của Nghị định 111 có quy định: "Có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở thực hành bố trí làm công tác khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với năng lực, kinh nghiệm và phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề".

Theo thầy Trung, quy định này cần xem xét, sửa đổi vì với các bệnh viện đa khoa/chuyên ngành tuyến tỉnh nằm ngoài tỉnh/thành phố mà sơ sở giáo dục đang đóng thì việc có cán bộ cơ hữu của cơ sở giáo dục đăng ký hành nghề tại các bệnh viện này trên thực tế khó thực hiện.

Còn nếu chỉ ký hợp đồng với một vài bệnh viện trong địa bàn tỉnh/thành phố mà cơ sở giáo dục đóng thì với số lượng sinh viên nhiều, các cơ sở này không thể đáp ứng theo quy định.

Bên cạnh đó, các giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục khó có thể đăng ký hành nghề tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh cùng một lúc nhất là tại các cơ sở của các tỉnh/thành phố khác nhau.

Số lượng giảng viên cơ hữu tại mỗi chuyên ngành có hạn nên không thể cử giảng viên đó đăng ký khám chữa bệnh tại các bệnh viện thực hành ngoài tỉnh/thành phố cơ sở giáo dục đó đóng để vừa hành nghề khám chữa bệnh vừa thực hiện giảng dạy thực hành cho sinh viên tại các cơ sở khám chữa bệnh này.

Phạm Minh