Hà Nội rà soát mạng lưới để giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp học

17/10/2022 06:40
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sở Tài chính tham mưu hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố về việc bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 3348/UBND-KGVX triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 31/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học các cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương; bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia và đề án, dự án đã được phê duyệt để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình quy định để duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và thực hiện các mục tiêu giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tham mưu, báo cáo ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp, phương án cụ thể giải quyết vấn đề thiếu trường, lớp học trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh, không để tình trạng gây bức xúc trong nhân dân; bảo đảm trẻ em mầm non, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày…

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, tham mưu ủy ban nhân dân thành phố tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non, phổ thông theo quy định, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, học sinh; thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề thiếu trường lớp ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất; rà soát, kiểm tra các dự án khu đô thị mới, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư dành quỹ đất và xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp, hướng dẫn Sở Giáo dục và Đào tạo, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tham mưu xây dựng kế hoạch và thực hiện tuyển dụng số biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng và số biên chế được giao bổ sung.

Ngoài ra, thực hiện linh hoạt, bố trí sắp xếp bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức cần có các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương.

Sở Tài chính tham mưu hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố về việc bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Anh Trang