Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh bồi dưỡng miễn phí cho học sinh vùng cao

11/11/2022 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để học sinh theo được chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh đã ôn luyện miễn phí cho các em.

Tỉnh Tuyên Quang là địa phương vùng núi còn có nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội. Trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các giáo viên nơi đây đang phải cố gắng vượt qua những thách thức để dạy và học đạt chất lượng.

Đối với giáo viên tiểu học nơi đây, việc giảng dạy để các em biết đọc, biết viết càng khó hơn khi thiếu sự kèm cặp của phụ huynh do bố mẹ đi làm xa nhà. Bởi vậy, sự dạy dỗ, chỉ bảo, thậm chí là bồi dưỡng miễn phí của giáo viên chủ nhiệm là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dạy và học, đặt nền móng tương lai cho các em.

Thành công nhờ sự nỗ lực vươn lên

Sinh ra tại vùng quê nghèo ở tỉnh Thái Nguyên, cô Ma Thị Nguyệt (sinh năm 1988) từng ấp ủ ước mơ làm giáo viên dạy Mỹ thuật nhưng không đỗ đại học.

Lúc đó, cô gái dân tộc Tày quyết định ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng, rồi sau này lập gia đình như bao bạn bè cùng trang lứa. Nhận thấy tuổi thanh xuân của Nguyệt đang trôi đi lãng phí, một người thân đã khuyên cô: “Cháu ở nhà làm ruộng mấy năm trời, rồi sau này lập gia đình mà không có cái nghề trong tay thì vất vả lắm!”.

Trước lời khuyên đó, Nguyệt suy nghĩ và quyết định quay trở lại với ước mơ làm giáo viên. Cô chọn chuyên ngành sư phạm tiểu học tại một trường cao đẳng sư phạm. Với sự cố gắng, Nguyệt tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Đến nay, trải qua mười năm đứng lớp, cô Nguyệt đang là giáo viên Trường Tiểu học Tân Trào, đạt được nhiều danh hiệu như giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện, cấp tỉnh…

Cô Nguyệt trong giờ giảng dạy học sinh trên lớp học. (Ảnh: NVCC)

Cô Nguyệt trong giờ giảng dạy học sinh trên lớp học. (Ảnh: NVCC)

Là người dân tộc Tày, nên thuở mới vào nghề, cô Nguyệt thuận lợi trong việc nắm bắt, hiểu phong tục tập quán, nếp sống của bà con địa phương. Những năm gần đây, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, bản thân cô Nguyệt ở vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cũng được đi tập huấn và tự học hỏi, tìm hiểu thêm.

“Tôi phải tìm hiểu về nội dung chương trình, phương pháp tổ chức đối với bộ sách được nhà trường triển khai dạy”, cô Nguyệt chia sẻ.

Nữ giáo viên cho hay, sau khi tập huấn xong, cô nhận thấy sự kết hợp giữa phụ huynh và giáo viên rất quan trọng để con theo được chương trình mới.

Có những trường hợp rất đặc biệt, như em M.L ở với bà tuổi đã cao, thỉnh thoảng cuối tuần mẹ mới về.

“Bà nội cháu chia sẻ là mắt bà cũng đã kém và giờ phương pháp học cũng khác xưa, nên bà không biết dạy cháu học như nào. Với trường hợp đặc biệt như này, tôi trao đổi với nhà trường và gia đình để kèm cặp em thêm. Hôm nào em học chậm so với các bạn, tôi sẽ hướng dẫn thêm con 30 phút vào mỗi buổi chiều”, cô Nguyệt cho hay.

Có những lúc bà nội không giảng được cho M.L hiểu, cô lại đến tận nhà để dạy cho em. Bên cạnh đó, cô nhận thấy sự kèm cặp của phụ huynh rất quan trọng, nên đã có những lời khuyên, động viên mẹ em rằng: “Cần có nền móng vững chắc ngay từ lớp 1, thì con mới nắm chắc được kiến thức sau này…”.

Sau lời khuyên của cô chủ nhiệm, phụ huynh đã thường xuyên về nhà để quan tâm tới con trong việc học hành hơn. Cuối năm trước, có vị phụ huynh cũng xin nghỉ làm ở công ty xa để về làm gần nhà, tiện kèm cặp thêm con.

Do nhà trường không tổ chức học phụ đạo cũng như bồi dưỡng vào nghỉ hè, nhu cầu kèm cặp đối với các con là rất lớn. Nhiều phụ huynh đã chủ động đưa con đến nhà cô Nguyệt nhờ cô hỗ trợ, hoặc chính cô đến tận nhà chỉ bảo các em. Nhưng những buổi kèm thêm đó cô không lấy tiền, cô chỉ muốn giúp đỡ phụ huynh và học sinh mà thôi. Việc này đến nay cô Nguyệt đã làm được khoảng 4 năm.

Ngoài giờ học trên lớp, cô Nguyệt còn kèm cặp miễn phí cho học sinh tại nhà (Ảnh: NVCC)

Ngoài giờ học trên lớp, cô Nguyệt còn kèm cặp miễn phí cho học sinh tại nhà (Ảnh: NVCC)

Trong những buổi học miễn phí, cô luôn cố gắng tạo cho học sinh tâm lí thoải mái, vừa học vừa chơi. Ví như cô hỏi các học sinh có muốn bẻ ngô với cô hay không, hoạt động này được các em thích thú ủng hộ.

Trong những thành tích bản thân cô Nguyệt đạt được, cô vẫn nhớ nhất là khi tham gia cuộc thi mô hình thư viện trường học. Đây là cuộc thi do một đơn vị quốc tế tổ chức cho giáo viên tại ba tỉnh tham gia.

Tại cuộc thi này, cô Nguyệt là một trong những giáo viên trẻ nhưng đã vinh dự giành giải Nhất.

Nữ giáo viên Trường Tiểu học Tân Trào cho hay, những năm trước và bây giờ, công nghệ thông tin đang phát triển nhưng cô luôn khuyến khích học sinh đọc sách, điều này sẽ giúp các con nhớ và cảm thụ lâu hơn. Nếu học sinh đọc sách trên mạng dễ bị sa đà vào những kênh mạng xã hội.

Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh giảng dạy tại vùng 135

Cũng là giáo viên dạy chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh, nhưng cô Lệ Hằng (giáo viên Trường Tiểu học Lương Thiện, Sơn Dương, Tuyên Quang) công tác tại vùng 135, vùng đặc biệt khó khăn với nhiều bà con là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh sống còn nhiều vất vả.

Trước đây, điểm trường nơi cô Hằng dạy cách trường trung tâm khoảng sáu, bảy cây số. Đường đi đến trường toàn là đường đất, những ngày mưa gió trở nên lầy lội, ngập úng, quãng đường càng trở nên xa xôi dưới mỗi bước chân của cô và trò.

Đối với học sinh lớp 1 ở vùng sâu, vùng xa, yêu cầu là các em phải thuộc bảng chữ cái, trong khi các em tiếp thu chậm. Vì vậy, cô Hằng phải quan tâm, uốn nắn nhiều hơn. Ngoài giờ dạy chính, cô còn kèm cặp thêm miễn phí cho các em về âm, vần để nhanh biết đọc.

Cô Hằng cùng các học sinh chụp ảnh lưu niệm khi kết thúc năm học. (Ảnh: NVCC)

Cô Hằng cùng các học sinh chụp ảnh lưu niệm khi kết thúc năm học. (Ảnh: NVCC)

Cuộc sống ở nơi đây còn nhiều khó khăn, nên phụ huynh thường đi làm xa nhà, con cái được gửi ông bà chăm nom nên sự kèm cặp cũng buông lỏng. Đồng thời, ông bà khi kèm các cháu học có những chỗ không dạy được do chương trình giáo dục đổi mới khác trước đây.

"Để khắc phục những tồn tại trên, tôi lập nhóm trên mạng xã hội và có những bài khó đọc thì tôi mẫu gửi video cho ông bà để dạy thêm cho cháu", cô Hằng chia sẻ.

Gắn bó với nghề đến nay cũng đã hai mươi năm, trải qua nhiều lớp thế hệ học trò, cô Hằng vẫn không thể quên được trường hợp đặc biệt khi cô còn chủ nhiệm lớp 5.

Đó là trường hợp về em T.A ở với người mẹ khuyết tật bẩm sinh, bố đã mất nên em trở thành trụ cột của gia đình. Quãng thời gian đầu của năm học mới, em T.A thường xuyên đến học muộn.

Qua tìm hiểu từ đồng nghiệp và hàng xóm, cô mới biết T.A thường xuyên đi học muộn không phải lười học mà do hoàn cảnh khó khăn.

"Khi tôi và mọi người đến nhà em, trong căn nhà lụp xụp không có đồ vật gì giá trị. Mẹ em bị khuyết tật bẩm sinh, việc vận động và nói rất khó khăn. Thương mẹ, em phải làm lụng giúp đỡ mẹ các công việc như đi lấy củi, nấu cơm... nên thường đến lớp muộn. Chúng tôi phải động viên em ấy rất nhiều", cô Hằng chia sẻ.

Nữ giáo viên cũng cho biết, để em T.A theo được chương trình, cô Hằng linh hoạt thời gian bài học, và có phương pháp điều chỉnh nội dung phù hợp để em được học đầy đủ bài. Hoàn cảnh đặc biệt của em T.A cũng cũng được cô Hằng ghi lại qua video để làm đề tài thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh.

Mạnh Đoàn