Hơn 16 nghìn giáo viên nghỉ việc là điều bất bình thường
Thực trạng giáo viên nghỉ việc khiến cho rất nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng: trong 2,5 năm qua, có hơn 14.000 giáo viên, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông rời khỏi khu vực công.
"Tôi cho rằng tình trạng giáo viên rời khỏi khu vực công chuyển sang khu vực tư là chuyện rất bình thường", Đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.
Tranh luận về ý kiến này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp không đồng tình.
Đại biểu Hoa khẳng định nguyên nhân của giáo viên nghỉ việc không chỉ do việc giáo viên chuyển dịch từ khối công lập sang khối tư thục. Trong tổng số 16.265 giáo viên nghỉ việc, số giáo viên công lập nghỉ việc là 11.407 người, ngoài công lập là 5.858 người (số liệu của Cục Nhà giáo cung cấp).
“Qua khảo sát, giám sát, cho đến thời điểm này, giáo viên trường công chuyển sang trường tư đang rất ít.
Theo tôi đánh giá, đây là một hiện tượng không bình thường".
Những nguyên nhân như: lương thấp, áp lực công việc, một bộ phận giáo viên không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018... được các Đại biểu chỉ ra để ngành giáo dục, Chính phủ và Quốc hội có những chính sách và biện pháp tháo gỡ thực trạng này.
Cử tri lo lắng "giá cả nhanh chân chạy trước tăng lương"
Thời điểm tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương cũng là vấn đề được nhiều Đại biểu nêu ý kiến. Đa phần các Đại biểu đề nghị có ngay Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công nhân, viên chức theo nguyên tắc tăng lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo một phần cho gia đình.
Nhiều ý kiến cho rằng, chờ đến 1/7/2023 mới tăng lương cơ sở là chậm. Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường.
Triệt tiêu tâm lý sợ sai
Câu chuyện một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm việc tiếp tục làm nóng nghị trường Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Đây là câu chuyện không mới và cũng không phổ biến, nhưng cách tư duy, hành động như vậy trong đội ngũ cán bộ, công chức, dù vì lý do gì thì sự xuất hiện của những nhân tố cực đoan ấy trong hệ thống chính trị các cấp chính quyền vẫn là tác nhân gây cản trở công việc chung.
Các Đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn nói về vấn đề này.
Hệ quả của tâm lý e dè, lo lắng, sợ trách nhiệm đã tạo sức ì rất lớn, sự trì trệ trong cơ quan công quyền. Và thực tế đã được các đại biểu chỉ ra, đến thời điểm hiện nay có những dự án trải qua hàng chục năm vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc; nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh cũng ì ạch trong triển khai…
Tìm ra nguyên nhân để có giải pháp triệt tiêu tâm lý “sợ sai”, đúng như quan điểm ấy, trên nghị trường, nhiều vấn đề đã được đề cập.
Khó khăn của ngành y làm "nóng" diễn biến phiên thảo luận
Trong 2 ngày thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội, nhiều Đại biểu đã chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế, đồng thời đề xuất những giải pháp khắc phục tình trạng nhân lực ngành y nghỉ việc, rời bỏ khu vực y tế công.
Đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, năm 2022 vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực y tế. Mục tiêu tăng nhân lực y tế trong năm tới là khó khăn, do thời gian để đào tạo được nhân lực y tế giỏi không phải chuyện một sớm một chiều.
Đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay, nhân lực y tế chưa có được chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, dẫn tới tình trạng ồ ạt rời khỏi khu vực công; công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh còn nhiều bất cập; việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều vướng mắc.