Thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi hiện nay có còn “diễn” không?

22/11/2022 06:46
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các hoạt động dạy và học được phân công cho học sinh cụ thể nên ngày dạy thực hành, cơ bản là mọi thứ rất trơn tru theo một lập trình đã được định sẵn.

Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông với rất nhiều thay đổi so với trước đây.

Lúc đó, nhiều người cho rằng việc ra đời của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT sẽ giảm được áp lực cho giáo viên khi tham gia Hội thi và điều đặc biệt là những người dự thi không còn “diễn” nữa.

Thế nhưng, sau mấy năm thực hiện, qua trải nghiệm và ghi nhận của người viết thì tình trạng “diễn” vẫn xảy ra như thường bởi cho dù cấp nào tổ chức thì giáo viên vẫn có thể nháp đi, nháp lại nhiều lần. Ngày thi thực hành, những giám khảo ngồi dưới không khó nhận ra những hoạt động dạy học trên lớp của thầy và trò đang được thực hiện khá trơn tru, hoàn hảo.

Chính vì thầy giảng hay, trò học tốt nên về cơ bản là giáo viên nào thi cũng sẽ đậu và đạt giáo viên dạy giỏi; hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, rất hiếm hoi có giáo viên thi rớt vì ngoài sự chuẩn bị chu đáo của giáo viên ra thì việc giám khảo đến trường chấm thực hành cũng còn rất nhiều vấn đề tế nhị khác nữa.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT đã giảm rất nhiều áp lực cho giáo viên

Mục đích Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi mà Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT hướng tới việc phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.

Đồng thời, từ hội thi này tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp.

Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên phổ thông.

Nội dung Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT cũng được đề cập khá cụ thể như sau: “Thực hành một hoạt động giáo dục cụ thể theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra Hội thi. Hoạt động giáo dục tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng trẻ em của nhóm, lớp đó.

Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) hoạt động giáo dục tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi;

Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.

Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó”.

Như vậy, nếu so với Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi trước đây thì việc tổ chức hội thi theo Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT đã đơn giản hóa đi rất nhiều đầu việc.

Ngày trước, thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì người dự thi phải có 1 sáng kiến kinh nghiệm, phải tham gia thi lý thuyết và thực hành 2 tiết dạy tại đơn vị bạn.

Bây giờ, chỉ còn dạy 1 tiết thực hành và báo cáo 1 biện pháp cải tiến và người dự thi được thi tại đơn vị mình đang công tác, được dạy lớp mình đang dạy.

Cũng chính vì thế, về cơ bản giáo viên dự thi chuẩn bị rất kĩ lưỡng và có sự hỗ trợ rất nhiều từ tổ chuyên môn, nhà trường và những em học sinh trong lớp của mình đang giảng dạy. Đồng thời, giáo viên nắm rất chắc những em nào học tốt nhất để đặt các em vào những câu hỏi cụ thể.

Giáo viên dự thi vẫn “diễn” trong tiết dạy giỏi như thường

Cho dù Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT đã hướng dẫn: “giáo viên không được dạy trước (dạy thử) hoạt động giáo dục tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi” nhưng việc dạy ở các lớp khác, cùng khối giúp cho giáo viên chọn điểm rơi chính xác đối với từng hoạt động cụ thể.

Đối với hướng dẫn: “Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi” tưởng chừng sẽ hạn chế được “tính kịch” trong những tiết thực hành nhưng thực tế quy định này còn nhẹ nhàng hơn trước đây.

Bởi, Hội thi giáo viên dạy giỏi thì việc báo trước 2 ngày tưởng chừng rất ít, cập rập cho người dự thi nhưng thực ra không có gì khó khăn vì hiện nay chỉ có môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ là mỗi tuần có từ 3-4 tiết/ lớp, các môn còn lại chỉ có 1-2 tiết/ lớp/tuần.

Vì thế, trong tuần dự thi thì mỗi lớp chỉ có từ 1- 3 bài học (tùy từng môn) mà giáo viên thì họ được phân công dạy nhiều lớp khác nhau trong cùng một khối. Ban giám khảo “chấm” lớp này thì họ dạy thử ở lớp khác, nếu ngày dự thi là đầu tuần thì họ dạy thử ở cuối tuần trước, hoặc đổi tiết cho giáo viên môn khác để dạy cho nhuần nhuyễn tiết dự thi.

Vì thế, cho dù họ không “dạy thử” ở lớp họ dạy nhưng những giáo viên dự thi sẽ lên “kịch bản” khá chi tiết đến từng câu hỏi, thậm chí có đáp án cụ thể và gửi vào zalo của của nhóm lớp và yêu cầu các em thực hiện trước. Phần nào câu hỏi nào, những em nào chuẩn bị câu hỏi đó, hoạt động đó đã được giáo viên phân công rất chi tiết.

Các hoạt động dạy và học được phân công cho học sinh cụ thể nên ngày dạy thực hành, cơ bản là mọi thứ rất trơn tru theo một lập trình đã được định sẵn.

Giám khảo ngồi chấm thi thì đánh giá vào tiết dạy chứ làm sao đánh giá được việc dạy thử trước đó của giáo viên hay những câu hỏi, câu trả lời đã được giáo viên sắp đặt từ trước.

Đối với thi giáo viên chủ nhiệm giỏi còn đơn giản hơn nhiều vì mỗi lớp, mỗi tuần chỉ có 1 tiết chủ nhiệm ở cuối tuần nên việc báo trước 2 ngày hay 20 phút trước khi thi thì cũng chỉ có bài đó thôi. Nên không có yếu tố gây bất ngờ cho người dự thi.

Vì thế, cho dù Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT có nhiều thay đổi trong cách thức tổ chức, cách thức thực hiện Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi thì giáo viên dự thi vẫn “diễn” như thường.

Hơn nữa, cấp nào tổ chức thì cũng đều nhắn gửi đến giám khảo và Ban giám hiệu nhà trường là các thầy cô chấm nhẹ nhàng và tạo điều kiện tối đa cho người dự thi để họ còn có động lực dự thi lần sau.

Đặc biệt, khi giám khảo đến trường thì việc đầu tiên là phải gặp Ban giám hiệu hoặc Ban giám hiệu sẽ chủ động mời giám khảo vào phòng hoặc xuống căn tin nhà trường uống nước và tất nhiên ai mà chẳng gửi gắm vài điều về giáo viên của mình hôm đó dự thi.

Vì thế, việc đến trường người dự thi để chấm, một phần vì nhiều mối quan hệ với Ban giám hiệu, phần người dự thi cũng là chỗ quen biết, vì đa số giáo viên làm giám khảo là các tổ trưởng chuyên môn ở các đơn vị bạn, hoặc một số thành viên ở Ban giám hiệu trường bạn nên người dự thi đạt danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” hay “giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi” là điều tất yếu.

Nếu giáo viên dự thi thực hiện tốt thì giải A, nếu giáo viên dự thi còn những hạn chế trong tiết thực hành, trong báo cáo biện pháp cải tiến thì giải B, giải C chứ mấy giám khảo lại để người dự thi rớt.

Thành ra, hội thi nào cũng rất dễ lách luật và cũng được “tạo điều kiện” tối đa để có được thành tích tốt nhất cho ngành. Chính vì vậy, người dự thi vẫn “diễn” bình thường, cộng với nhiều yếu tố khác nữa nên Hội thi nào cũng thành công tốt đẹp- miễn là giáo viên dám dự thi là dĩ nhiên sẽ có giải.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2019-tt-bgddt-quy-dinh-ve-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-179675-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG