Bỏ hội thi giáo viên giỏi, giảm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

23/03/2022 06:33
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một hội thi gây áp lực cho giáo viên, không mang lại hiệu quả cho quá trình dạy và học thì liệu có nên tiếp tục tồn tại?

Hiện nay, việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi các cấp vẫn tiếp tục là đề tài gây nhiều tranh cãi, đã có nhiều ý kiến đề xuất dừng hội thi giáo viên giỏi (giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi) các cấp trường, huyện, tỉnh do những áp lực, bất cập của nó trong thời gian qua.

Tôi thấy hội thi giáo viên giỏi không đạt mục tiêu

Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non; giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cơ sở giáo dục phổ thông có hiệu lực từ ngày 12/02/2020 thì đến nay đã trải qua 2 lần tổ chức thi các cấp nhưng thực sự kết quả mang lại vẫn là một dấu hỏi lớn.

Về mục đích của hội thi tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 22 nêu rõ: “1. Mục đích Hội thi:

a) Phát hiện, công nhận, tôn vinh giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần thu hút sự quan tâm của các lực lượng xã hội tham gia giáo dục trẻ em, học sinh, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn Ngành;

b) Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nghề nghiệp;

c) Góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn và đẩy mạnh các phong trào thi đua dạy và học trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện, tự học, sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em đối với giáo viên mầm non; công tác giảng dạy và công tác chủ nhiệm lớp đối với giáo viên phổ thông.”

Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn

Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn

Về chu kỳ hội thi có thi cấp trường, cấp huyện (2 năm một lần), cấp tỉnh (4 năm một lần) gồm thi giáo viên dạy giỏi văn hóa, giáo viên chủ nhiệm giỏi.

Về nội dung thi gồm: hiểu đơn giản gồm thực hành giảng dạy 1 tiết dạy văn hóa (hoặc tiết sinh hoạt chủ nhiệm, trải nghiệm) và trình bày một giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giảng dạy, giáo dục,….

Có thể thấy, quy định mới thì hội thi giáo viên giỏi mới khá đơn giản về thủ tục, giảm áp lực phần nào cho giáo viên so với trước đây.

Tuy nhiên, mục đích là phát hiện tôn vinh giáo viên giỏi, biểu dương gương điển hình tiên tiến, tạo động lực cho giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục,… thì gần như không đạt được.

Thực tế, nguyên tắc của hội thi là dựa trên sự tự nguyện của giáo viên, tuy nhiên các địa phương vẫn quy định việc dự thi là bắt buộc, có chỉ tiêu cho các trường, các tổ nên giáo viên dự thi trên tinh thần bị “ép” là chính.

Giáo viên dự thi chỉ giảng dạy 1 tiết tại lớp đang giảng dạy thực chất chỉ là “diễn” một tiết nếu “diễn” 1 tiết đạt cộng với trình bày giải pháp đạt thì công nhận giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, tỉnh là không phù hợp.

1 tiết dạy không thể hiện quá trình phấn đấu, sự nỗ lực của giáo viên trong quá trình giảng dạy, không tạo động lực cho giáo viên phấn đấu.

Nội dung thứ hai là trình bày giải pháp cũng không không thực chất, không thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu trong giảng dạy, giáo dục.

Quan trọng là sau khi dự thi giáo viên giỏi các cấp xong, giáo viên cũng không hề có chuyển biến hay nâng chất dạy của mình. Hay nói đúng hơn là mục tiêu của hội thi đã không đạt.

Một hội thi gây áp lực cho giáo viên, không mang lại hiệu quả cho quá trình dạy và học thì liệu có nên tiếp tục tồn tại?

Bỏ hội thi giáo viên giỏi, giảm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Có thể nói, từ khi Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi xuất hiện thì, tần suất thi giáo viên giỏi có giảm so với trước đây những cũng diễn ra dày đặc.

Tôi ví dụ năm 2020 thi giáo viên giỏi văn hóa cấp trường, cấp huyện; năm 2021 sẽ thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện; năm 2022 quay trở lại thi giáo viên giỏi văn hóa cấp trường, cấp huyện; năm 2023 thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện;

Năm 2024 sẽ thi giáo viên giỏi văn hóa cấp tỉnh và vừa quay trở lại thi giáo viên giỏi văn hóa cấp trường, cấp huyện;…

Cứ như thế thì năm nào cũng có thi giáo viên giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm giỏi, có năm giáo viên vừa thi giáo viên cấp tỉnh, vừa thi cấp trường, cấp huyện gây nhiều bức xúc cho giáo viên, ảnh hưởng đến hoạt động của trường.

Có thể nói là chỉ riêng 2 hội thi trên thì lịch thi đã dày đặc, vẫn còn áp lực rất lớn lên giáo viên.

Như đã trình bày ở trên, mục đích của hội thi thì rất mơ hồ, chưa rõ ràng, áp lực vẫn còn. Nhưng vấn đề đáng bàn nhất là kinh phí tổ chức mỗi hội thi là con số không hề nhỏ.

Khi tổ chức hội thi cấp trường thì phải chi kinh phí cho ban tổ chức, ban giám khảo, chi khen thưởng, chi cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị phục vụ hội thi,…

Kinh phí tổ chức hội thi cấp trường mỗi hội thi trên dưới hàng chục triệu đồng một hội thi.

Người viết giả sử mỗi hội thi kinh phí là 20 triệu đồng, với số lượng các trường mầm non, phổ thông cả nước là khoảng 40.000 trường thì kinh phí chi cho hội thi cấp trường đã là 800 tỷ đồng mỗi năm.

Cũng trong năm đó sẽ tổ chức thi giáo viên giỏi cấp huyện, kinh phí tổ chức cấp huyện có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Với khoảng 700 đơn vị hành chính cấp huyện thì kinh phí chi cho hội thi giáo viên giỏi cấp huyện cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Như vậy, hàng năm chỉ riêng việc tổ chức thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp trường đã lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, đây là một con số không hề nhỏ trong giai đoạn kinh tế khó khăn, vật giá leo thang hiện nay.

Trong khi các cấp các ngành có nhiều giải pháp quyết liệt trong việc tiết kiệm ngân sách, thắt chặt chi tiêu thì việc bỏ ra hàng trăm tỷ mỗi năm để chi tổ chức một hội thi mà cả giáo viên, học sinh hầu như không được lợi thì có cần thiết?

Mỗi giáo viên nếu dạy giỏi, dạy tốt không nên được đánh giá bằng việc “diễn” một tiết dạy, bằng một tờ giấy khen hoặc chứng nhận giáo viên giỏi mà nên là cả quá trình, được cả xã hội ghi nhận. Giáo viên giỏi trong lòng học sinh đáng quý hơn ngàn lần so với những danh hiệu.

Nên người viết tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, đánh giá lại việc tổ chức hội thi giáo viên giỏi theo Thông tư 22 trong thời gian qua và có phương án phù hợp trong thời gian tới.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, dừng các hội thi, phong trào hình thức, tốn kém là cách để giảm bệnh hình thức, giảm kinh phí ngân sách và nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục thực chất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên