Nhìn thấy những khó khăn, vất vả của các em nhỏ nơi vùng cao, thầy giáo trẻ Trần Mạnh Hùng như nhìn thấy chính mình thuở nhỏ, và anh quyết tâm bám trường, bám bản để gieo con chữ cho mảnh đất nghèo, cho niềm tin: sự sống tươi đẹp sẽ nảy nở vào ngày mai.
Viết tiếp nhật kí tuổi trẻ nơi miền biên cương đất cằn sỏi đá
Thầy Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1992, giáo viên Ngữ văn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) là người con của mảnh đất Minh Hóa, một huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc, Quảng Bình. Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, 4 tuổi đã không may mất đi tình cảm của bố. Những khó khăn của nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đã không ít lần khiến anh muốn từ bỏ ước mơ học hành vì gia đình không đủ tiền mua sách vở.
Nhưng với sự hiếu học, cùng niềm tin chỉ có con chữ mới thay đổi được số phận, anh đã miệt mài ngày đêm đèn sách. Vượt qua mọi khó khăn, anh đã xuất sắc 12 năm liền đạt học sinh giỏi, và kết thúc 4 năm đại học với danh hiệu Thủ khoa, chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn.
Thầy giáo Trần Mạnh Hùng (đeo kính) chụp ảnh cùng các em nhỏ trong vùng. Ảnh: NVCC |
Tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hùng xúc động: "Thành tích học tập ấy là món quà nhỏ bé mà tôi gửi tặng cho mẹ sau những tháng năm vất vả ngược xuôi lo cho cuộc sống gia đình, lo cho cuộc hành trình tìm kiếm con chữ của tôi”.
Những ngày đầu trở về quê hương, nhận quyết định phân công công tác tại ngôi trường biên giới của huyện nghèo Minh Hóa - nơi đa số học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số như Khùa, Mày..., thầy giáo trẻ đã thể hiện quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi miền sơn cước này.
“Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều gia đình cũng như nhiều học sinh, tôi nhìn họ và nhớ đến tuổi thơ đầy vất vả của mình. Từ những sự cảm động đó, tôi mong muốn được sẻ chia cùng học trò, cùng những gia đình còn khốn khó”, thầy giáo 9X kể.
Gắn bó với ngôi trường nơi miền biên giới đã gần một thập kỷ, nhớ về những ngày mới đến, thầy giáo Trần Mạnh Hùng không giấu khỏi niềm xúc động.
Đó là những ngày mới ra trường, trái tim thầy giáo trẻ tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão, nhưng về vùng dạy học mà đâu đâu cũng là núi rừng hoang sơ, đất đai cằn cỗi, thầy giáo trẻ không thể quên được cảm giác lúc ấy:
“Khi bắt đầu giảng dạy ở nơi đây, tôi thật sự bỡ ngỡ, mọi thứ đều mới lạ. Tôi gặp không ít khó khăn, không chỉ là sự thiếu thốn cơ sở vật chất mà ở cả phong tục tập quán, sự bất đồng ngôn ngữ.
Nhìn khắp bốn bề toàn rừng, mây, núi, những con đường dốc đá, những ngôi nhà sàn đơn sơ, nhìn những học sinh thân hình nhỏ bé, làn da đen sạm, mái tóc vàng khè vì cháy nắng, đôi lúc, tôi cũng có chút nản lòng...”
Tuy nhiên, với sự cố gắng của bản thân cùng sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp trong trường, thầy giáo trẻ dần bắt nhịp được với công việc giảng dạy. Thầy Hùng kể rằng mỗi lần đứng trên bục giảng là mỗi lần thấy yêu công việc của mình nhiều hơn; được giảng những bài văn hay, những bài giáo dục đạo đức ý nghĩa cho học trò miền biên giới cũng chính là niềm vui, niềm tự hào của anh.
Thầy giáo Trần Mạnh Hùng trong một tiết dạy học ở trường. Ảnh: NVCC |
Trong đôi mắt của người thầy giáo trẻ, có nhiều những hoài bão, những niềm trăn trở còn chưa nguôi và cả niềm thương yêu trẻ nhỏ vô bờ.
“Ở đây làm một thầy giáo dạy Văn, có những lúc, tôi thấy nhớ mẹ già, nhớ vợ và con thơ vô hạn - tôi đã lập gia đình sau một thời gian công tác, vợ con tôi ở cùng với mẹ - khi tôi đang công tác nơi xa. Tuy nhiên, mỗi ngày được gặp gỡ, dạy dỗ những học trò với gương mặt ngây thơ, ngắm nhìn những ánh mắt trong trẻo của các em, tôi thấy nỗi nhớ gia đình dịu dần, khó khăn chỉ như những nét chấm phá trong bức tranh muôn màu của cuộc sống mà thôi.
Mỗi người đều có lý do cho riêng khi lựa chọn nghề nghiệp. Tôi thì tâm niệm rằng, dù cho có làm nghề gì, công việc gì, chỉ cần tình yêu với nghề thì chúng ta sẽ làm được. Với nghề giáo, muốn gắn bó thì càng cần tình yêu thương với trẻ, sự gắn bó với nghề, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ”, thầy Trần Mạnh Hùng tâm sự.
Những năm gần đây, giáo dục nước nhà thực hiện đổi mới, giáo dục vùng cao lại thêm phần bộn bề. Tuy vậy, cả thầy và trò đều nỗ lực để chinh phục lấy con chữ. Thầy Hùng kể:
“Là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên thầy, trò trường tôi cũng có gặp một số khó khăn như chương trình mới, nội dung kiến thức mới, việc kiểm tra đánh giá cũng có phần thay đổi đòi hỏi giáo viên phải không ngừng học tập, tiếp cận, tập huấn và bồi dưỡng…
Tuy nhiên, dẫu vất vả, nhưng nhìn ánh mắt say sưa nghe giảng, những tiếng chào thầy và cả những nụ cười trên môi của học trò đồng bào dân tộc thiểu số, tôi lại tự nhắn nhủ bản thân, phải cố gắng nhiều hơn nữa để đem những bài giảng hay, truyền cảm hứng học tập thật tốt đến các em”.
Hành trình thiện nguyện tiếp thêm động lực cho những mảnh đời còn nhiều cơ cực
Gần 10 năm bám bản cũng là ngần ấy năm hành trình làm công tác thiện nguyện của thầy Hùng được thực hiện. Những ngày đầu làm thiện nguyện, thầy cùng nhóm bạn thân trích tiền lương mỗi tháng của mình để đến với hai ngôi trường trên địa bàn huyện Minh Hóa, trao những món quà cho học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
Sau này, thông qua mạng xã hội Facebook, thầy đã kết nối thêm với nhiều người có tấm lòng thiện nguyện ở những nơi khác như Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội… Nhờ vậy, giữa miền biên giới xa xôi cằn cỗi, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời còn cơ cực đã phần nào được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục vững tin vào cuộc sống.
Hoạt động cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ được thầy Hùng và các đồng nghiệp khởi xướng. Ảnh: NVCC |
Đến nay, đã có hàng trăm em học sinh được nhận những món quà qua hoạt động thiện nguyện của thầy Hùng trao tặng. Có hoàn cảnh nào đáng thương, đau ốm, bệnh tật hay rủi ro gì mà cần sự giúp đỡ, thầy Hùng lại tìm hiểu hoàn cảnh, trích một ít tiền lương, kết nối với các mạnh thường quân gần, xa giúp đỡ, để họ vượt qua khó khăn.
Và hành trình thiện nguyện ấy sẽ còn nối dài mãi: “Tôi mong muốn mình có thật nhiều sức khỏe, cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh cũng như thực hiện được nhiều hoạt động thiện nguyện; tôi muốn lan tỏa đến thế hệ trẻ thông điệp: cùng chung tay vì sự ấm no và hạnh phúc của cộng đồng”, thầy Hùng nói.
Với những nỗ lực, cố gắng, trong nhiều năm liền thầy Hùng đạt các danh hiệu như: Bảy năm liền có sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng Khoa học cấp huyện và tỉnh công nhận; giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2021, thầy là 1 trong 50 giáo viên tiêu biểu toàn quốc tham gia Chương trình chia sẻ cùng thầy cô năm 2021 do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Đặc biệt, mới đây, thầy giáo trẻ Trần Mạnh Hùng đã được vinh danh là 1 trong top 100 “Giáo viên trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2022.
Nơi những miền biên viễn mù sương, điều kiện sinh hoạt, kinh tế còn nhiều khó khăn, biết bao thầy cô giáo vẫn ngày đêm bám bản, bám làng, giống như thầy Hùng để thực hiện sứ mệnh gieo chữ cho bà con, cho những em thơ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi xa xôi.
Dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng họ nguyện gác lại những nỗi niềm riêng, vì các thầy cô hiểu, trẻ nhỏ ở đây cần mình hơn bao giờ hết:
“Công tác ở vùng biên giới mặc dù rất khó khăn nhưng tôi luôn nghĩ phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi cũng rất trăn trở rằng làm thế nào để các em đi học chuyên cần, đầy đủ; các em được ăn no hơn, mặc ấm hơn; các em học tập tốt hơn. Tôi cũng mong muốn xã hội quan tâm nhiều hơn đến công tác giáo dục vùng biên giới để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên an tâm công tác…”, thầy giáo Trần Mạnh Hùng gửi gắm tâm tư.