Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030” đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng xây dựng.
Đề án hướng tới từng bước mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền. Đặc biệt là trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có kỹ năng, thể chất và trí tuệ sẵn sàng vào học tiểu học.
Giáo dục mầm non 5 tuổi cải thiện vượt bậc sau hơn 10 năm thực hiện phổ cập
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Bích Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chiềng Lề (tỉnh Sơn La) đã có những chia sẻ về thực trạng, kinh nghiệm triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đồng thời, đưa ra một số góp ý, đề xuất nhằm thực hiện thuận lợi Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030”.
Tiết học của học sinh Trường Mầm non Chiềng Lề. Ảnh: Facebook Nhà trường. |
“Trường Mầm non Chiềng Lề thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi theo đúng tinh thần chỉ đạo, định hướng chung của ngành giáo dục.
Thời điểm đầu tiên thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trường tiến hành giao nhiệm vụ cho giáo viên điều tra xã hội học về độ tuổi học sinh, vận động phụ huynh đưa trẻ nằm trong độ tuổi ra lớp. Nhờ đó, công tác điều tra dân số, nắm bắt độ tuổi của trẻ trên địa bàn được chặt chẽ và thường xuyên hơn.
Đối với lớp 5 tuổi, tất cả học sinh đều được hoạt động trong môi trường học đường đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, tiếp cận ban đầu với chương trình ngoại ngữ. Đáp ứng tối thiểu 2 giáo viên/lớp 5 tuổi”, cô Thảo chia sẻ.
Do tập trung thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi nên ở các lớp học dưới, có những thời điểm định mức giáo viên/lớp không đủ, nguyên nhân một phần do thiếu giáo viên.
Trẻ hăng say học âm nhạc. Ảnh: Facebook Nhà trường. |
"Công tác đào tạo giáo dục mầm non của trường nói riêng, của ngành giáo dục địa phương nói chung, trong thời gian qua đã nỗ lực vượt khó và đạt nhiều thành tích. Cụ thể, nhờ làm tốt công tác huy động học sinh đến tuổi đi học, trường đạt 100% trẻ 5 tuổi ra lớp. Theo tôi, đây là một tín hiệu đáng mừng.
Trường Mầm non Chiềng Lề là trường chuẩn quốc gia cấp độ 2. Qua thời gian dài được đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cho lớp 5 tuổi, đến nay đã khá đầy đủ các bộ thiết bị dạy học, phòng thể chất, phòng học âm nhạc, sân chơi…", cô Thảo chia sẻ thêm.
Từ khi triển khai thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chất lượng giáo dục và đào tạo bậc mầm non được nâng lên rõ rệt. Biểu hiện rõ nhất là phát triển cả về quy mô, mạng lưới trường lớp, chuẩn bị sẵn sàng hành trang cho trẻ chuyển lên lớp 1.
Đối với các trường vùng cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, khi thực hiện phổ cập, các em được trang bị tiếng Việt sớm, hỗ trợ bán trú, ăn trưa, tạo tính công bằng trong giáo dục đào tạo.
Chia sẻ rõ hơn về những chuyển biến tích cực kể từ khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, cô Thảo cho hay, thông qua tuyên truyền đã làm thay đổi đáng kể nhận thức của phụ huynh, cộng đồng về việc cho con đến tuổi ra lớp học tập, chăm sóc và nuôi dưỡng. Đồng thời, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được các cấp, ngành địa phương quan tâm đầu tư hơn. Đội ngũ giáo viên được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Công tác điều tra xã hội học về độ tuổi trẻ được làm bài bản, thường xuyên, đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi ra lớp.
Bộ đồ dùng dạy học hỗ trợ đắc lực cho giáo viên và trẻ trong quá trình học tập. Ảnh: Facebook Nhà trường. |
"Hàng năm, với nỗ lực trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, các giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi Trường Mầm non Chiềng Lề đều chuẩn bị tốt các điều kiện và tâm thế cho trẻ vào lớp 1. Đơn cử như trẻ tự tin thể hiện các kĩ năng, kiến thức theo các tiêu chí được nhà trường đánh giá dựa trên bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi vào cuối năm học.
Năm học trước, kết quả 129/129 trẻ đủ điều kiện hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi và các em tiếp tục tuyển sinh đầu lớp 1 vào Trường Tiểu học Chiềng Lề.
Song, để giữ vững thành quả đạt được, cần thiết phải chuẩn bị toàn diện, đồng bộ các điều kiện đảm bảo cho thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ 3-4 tuổi, từ đó, góp phần tạo tính liên tục trong giáo dục trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi).
Đề xuất những chính sách hỗ trợ giáo viên khi thực hiện phổ cập mẫu giáo 3-4 tuổi
Với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học hiện có, nhiều trường mầm non chỉ có thể phục vụ phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, chưa chuẩn bị kịp để đảm bảo thực hiện phổ cập giáo dục cho trẻ 3-4 tuổi.
“Hiện đối với lớp 3-4 tuổi, các thiết bị học tập tối thiểu được cấp trong mỗi lớp chưa thực sự dày dặn, phong phú. Đa phần các giáo viên phải chủ động sáng tạo, tự làm đồ chơi, bộ dụng cụ học tập cho trẻ”, cô Thảo cho biết.
Để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, bất cập của giáo dục mầm non, thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, việc xây dựng và ban hành Đề án “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2023- 2030” là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Với tư cách là đơn vị giáo dục ở cấp cơ sở, trực tiếp thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non, lãnh đạo Trường Mầm non Chiềng Lề nêu ra một số góp ý:
Một là, từng bước đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng chuyển đổi số giáo dục hiện nay.
Nhìn chung, các đồ dùng dạy học tối thiểu cơ bản đã đảm bảo. Tuy nhiên, các thiết bị hỗ trợ cho phương pháp dạy học hiện đại, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục vẫn còn thiếu thốn rất nhiều.
Cô Thảo lấy ví dụ, giáo viên của trường muốn dạy chương trình giáo dục STEM, Montessori (phương pháp dạy học thúc đẩy tiềm năng của trẻ bằng cách tạo ra môi trường học tập thân thiện, chuyên nghiệp, có ứng dụng các kiến thức khoa học) nhưng chưa có phòng học chuyên biệt nên công tác giáo dục và đào tạo không đảm bảo chất lượng, nhất là ở thời đại chuyển đổi số toàn cầu hiện nay.
Hai là, xem xét để có biên chế giáo viên tiếng Anh cho trường mầm non.
Muốn đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy thì đòi hỏi cả yếu tố con người.
“Thiếu giáo viên là trở ngại đối với các trường mầm non khi thực hiện phổ cập giáo dục do số lượng trẻ em ra lớp tăng, yêu cầu chất lượng giáo dục nâng cao nhưng đội ngũ giáo viên thì chưa được củng cố tương ứng. Trong đó, bổ sung thêm biên chế giáo viên tiếng Anh là nhu cầu có lẽ trường mầm non nào cũng rất cần, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Xác định tầm quan trọng của tiếng Anh, nhà trường phối hợp với các trung tâm tiếng Anh để tổ chức dạy học cho trẻ mầm non. Việc này là hoàn toàn dựa vào công tác xã hội hoá. Theo đó, phụ huynh muốn cho con học tiếng Anh thì sẽ tự nguyện tham gia và nộp học phí học tiếng Anh. Tất cả các lớp 3,4,5 tuổi đều được tham gia học. Mỗi lớp 2 tiết/tuần.
Để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non thì việc dạy học tiếng Anh là rất cần thiết. Tiếng Anh trong trường mầm non cần được thực hiện đại trà, miễn học phí. Do đó, nếu như có biên chế giáo viên môn tiếng Anh cho trường thì phụ huynh sẽ đỡ được một khoản tốn kém”, cô Thảo kiến nghị.
So với quy định định mức giáo viên/lớp, trường đang thiếu 3 giáo viên. Chưa kể giáo viên tiếng Anh, trường mong muốn được bổ sung thêm biên chế giáo viên để đáp ứng mục tiêu yêu cầu đào tạo phổ cập giáo dục cho trẻ 3,4,5 tuổi.
Ba là, có chế độ cho giáo viên thực hiện công tác điều tra trẻ trong độ tuổi mầm non.
Một trong những yêu cầu quan trọng đối với phổ cập giáo dục mầm non đó là công tác điều tra độ tuổi trẻ em. Tuy nhiên, qua thực tế tiến hành, giáo viên phải in các loại phiếu khảo sát, điều tra nên tốn nhiều kinh phí. Ngoài thời gian dạy học, giáo viên tranh thủ đi điều tra dân số ở địa phương nên mất nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dạy học.
“Công tác điều tra là trách nhiệm của nhà trường và được thực hiện nghiêm túc. Kinh phí để in phiếu điều tra, khảo sát tốn khá nhiều, chưa kể việc đi điều tra của giáo viên đều được thực hiện ngoài thời gian làm việc, mất thời gian, vất vả nhưng không có nguồn hỗ trợ, chế độ nào cho giáo viên này.
Trước đây, việc kết nối internet, zalo còn hạn chế, công tác điều tra gặp nhiều bất cập, giáo viên phải đến từng nhà điều tra và vận động. Hiện công nghệ thông tin phát triển, điều tra dễ dàng hơn nhưng không ít gia đình kinh tế còn khó khăn, nhận thức chưa cao về vai trò của phổ cập giáo dục, với những trường hợp như thế, giáo viên vẫn phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà" thuyết phục phụ huynh đưa trẻ đến tuổi ra lớp. Các giáo viên phải tranh thủ thời gian rảnh, thứ 7, chủ nhật để làm việc này.
Sắp tới, triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi thì công tác điều tra lại càng phải đầu tư nhiều hơn. Việc giáo viên tiếp xúc, thuyết phục và di chuyển đến tận nhà người dân để điều tra cũng gây vất vả, áp lực. Do đó, trường mong muốn có thêm những chính sách cho giáo viên làm công tác điều tra dân số, huy động trẻ ra lớp”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Hiện, trường có tổng số 28 giáo viên và 396 học sinh ở cả 3 độ tuổi 3, 4, 5. Tính đến tháng 11 năm học 2022-2023, theo Luật Giáo dục 2019, trường có 1 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ, do sắp về hưu nên không có nguyện vọng học nâng chuẩn. 2 giáo viên trình độ cao đẳng và còn lại là trình độ đại học.
"Để thực hiện thuận lợi phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-4 tuổi, trường mong sẽ được ngành giáo dục quan tâm đầu tư nhiều hơn, có thêm những chính sách hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên.
Đồng thời, mỗi giáo viên phải xác định rõ nhiệm vụ, vai trò của mình trong thực hiện nâng chuẩn trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo bậc mầm non. Thích ứng và không ngừng phấn đấu, đổi mới sáng tạo phương pháp dạy trẻ", cô Thảo chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện tại, ngoài việc 63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, đã có 29 tỉnh, thành phố có tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi đến trường từ 95% trở lên, nhiều điều kiện đáp ứng cho công tác huy động trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi đã tiệm cận với tiêu chuẩn phổ cập giáo dục mầm non hiện hành, mang đến niềm tin về giáo dục mầm non cho cộng đồng và nhân dân các địa phương.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Mạng lưới trường lớp hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu thu nhận trẻ đến lớp; đặc biệt là những nơi khó khăn, miền núi, biên giới hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư.
Tỷ lệ trẻ nhà trẻ đi học còn rất thấp (28,2%) chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi ở nhiều nơi chưa đảm bảo, một phần do tỷ lệ trẻ em mẫu giáo độ tuổi 3-4 tuổi còn thấp; nhiều trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non muộn so với độ tuổi, đặc biệt là trẻ em tại các vùng khó khăn... Từ đó, dẫn tới còn khoảng cách đáng kể về giáo dục mầm non giữa các vùng miền, các điều kiện bảo đảm chất lượng toàn diện cho trẻ sẵn sàng 5 tuổi vào lớp Một chưa tương xứng với yêu cầu, mục tiêu mong muốn.