Hiện nay, các ngành và chuyên ngành đào tạo đại học khối nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản không thu hút được người học nên quy mô đào tạo đang bị giảm mạnh. Các cơ sở đào tạo đều lo ngại, khó khăn trong tuyển sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra của sản phẩm đào tạo.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, những năm gần đây số lượng sinh viên đăng ký theo học khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng ngày càng giảm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học chung cả nước là 86,4%, thì tỷ lệ nhập học của khối ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 43,9%, bằng 50% so với tỷ lệ chung cả nước.
Năm 2021, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học chung cả nước là 93,2%, thì tỷ lệ nhập học của khối ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 62,4%.
Điều đáng nói là, trong khi số lượng sinh viên đăng ký học những ngành này giảm thì thị trường lại rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giáo sư Trần Đức Viên chia sẻ, số lượng sinh viên đăng ký theo học khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp có xu hướng giảm trong những năm gần đây. (Ảnh: website nhà trường). |
Kế hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Quyết định số 2534/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/11/2011) đã xác định nhu cầu nhân lực có trình độ đại học để phục vụ cho yêu cầu phát triển của ngành giai đoạn 2011-2015 là 18.480 người/năm và giai đoạn 2016-2020 là 18.000 người/năm.
Theo chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022), tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70% là một trong những mục tiêu đến năm 2030.
Lĩnh vực nông lâm - ngư nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sự phát triển và tạo ra nhiều cơ hội việc làm.
Mặc dù chưa kết thúc năm 2022, nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản đã chính thức thiết lập kỷ lục mới, với kim ngạch 49,04 tỷ USD, vượt qua con số 48,6 tỷ USD của cả năm 2021.
Đáng chú ý, sau 11 tháng năm 2022, toàn ngành xuất siêu 7,82 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, dự báo năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt trên 53 tỷ USD.
Những số liệu trên cho thấy, nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã chuyển đổi bằng cách ứng dụng khoa học và công nghệ trong hầu hết các công đoạn của quá trình sản xuất nông nghiệp.
Sản phẩm của ngành nông nghiệp, ngư nghiệp có xu hướng hướng đến sản xuất hữu cơ, có chất lượng tốt, sạch. Mô hình trang trại hoặc cơ sở nuôi trồng, chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn dần được ưa chuộng và đón nhận…
Do đó, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đang “khát” nhân lực và nhu cầu tuyển dụng rất nhiều, có nhiều vị trí công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, thủy sản như: Kỹ sư nông nghiệp, Nuôi trồng thủy sản, Khoa học cây trồng, Chăn nuôi, Thú y, Bảo quản chế biến,….
Từng bước nâng cao chất lượng đào tạo
Theo Giáo sư Trần Đức Viên, hiện nay, các doanh nghiệp đã hợp tác với cơ sở đào tạo ngay từ khi xây dựng chương trình đào tạo, định hướng tốt cho việc lựa chọn nội dung đào tạo, để người học khi tốt nghiệp thích ứng tốt nhất với môi trường sản xuất - kinh doanh và giảm thiểu chi phí đào tạo lại.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng đào tạo với Học viện Nông nghiệp Việt Nam như Dehus, Greenfeed… Nhu cầu nhân lực là rất lớn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đồng hành cùng cơ sở đào tạo trong việc chi trả học phí, sinh hoạt phí cho người học.
Hiện các trường đại học đang thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần quan trọng giúp cho sinh viên không chỉ rèn luyện năng lực, nhận thức, vận dụng khái niệm, học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ bản thân, mà còn có khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo những kiến thức mình đã học vào giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong xã hội và thực tiễn nghề nghiệp sau này.
Nhiều cơ sở đào tạo đã đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy; Đổi mới quy trình đào tạo; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên.
Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhà trường bổ sung các học phần gắn với nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng ngành mới theo yêu cầu của cuộc cách mạng nông nghiệp/công nghiệp 4.0, như các ngành Nông nghiệp công nghệ cao, Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Thương mại điện tử, Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Kinh tế số.
Ngoài ra, nhà trường cũng xây dựng chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, đa nghề tích hợp đại học – sau đại học, liên thông từ cử nhân lên kỹ sư, thạc sĩ.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các cơ sở đào tạo, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng đề án đào tạo thí điểm kỹ sư nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiềm năng có chuyên môn, nghiệp vụ cao. Khi đề án được ban hành, các cơ quan Bộ, doanh nghiệp sẽ có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Điều này giúp cho sinh viên theo học ngành này có cơ hội học tập tốt, có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng quan hệ hợp tác rất bền chặt với các doanh nghiệp hỗ trợ học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, học tập.
Điều đáng chú ý là hiện nay, các trường đã chú trọng gắn thực tiễn đào tạo với doanh nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong dạy và học, có các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp”, tăng cường đưa sinh viên đi thực tập trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Với những thay đổi trên, lao động có phẩm chất và thể lực tốt, có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật nông nghiệp cao, kỹ năng lao động giỏi, nhạy bén, sáng tạo, thích ứng nhanh và làm chủ những thành tựu của khoa học và công nghệ nông nghiệp hiện đại.
Đây là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam hiện nay. Đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế, là bước đi mang tính mở đường để xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và phát triển bền vững.
Các trường đào tạo nông lâm, thuỷ sản rất cần sự đầu tư của Nhà nước
Giáo sư Trần Đức Viên chia sẻ: “Trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo phải tiếp tục thay đổi chính mình từ chương trình đào tạo, nghiên cứu ứng dụng và nâng cao cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, ... tiếp cận với doanh nghiệp đồng hành cùng cơ sở đào tạo, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cần cập nhật hơn nữa chương trình đào tạo và xây dựng ngành học mới, bổ sung các học phần liên quan đến công nghệ tiên tiến, công nghệ phục vụ cho nông nghiệp 4.0 ( như IoT, Bigdata, Blockchange,…)".
Cơ sở đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông và huy động sự tham gia các các cơ quan quản lý, các quỹ đầu tư, các tổ chức phát triển, các doanh nghiệp tài trợ, các nhà tuyển dụng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.
Các hoạt động thông tin có thể triển khai như truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; hội thảo giới thiệu đề án; tổ chức các hoạt động tư vấn trực tuyến của cơ sở đào tạo; tổ chức các đoàn tư vấn tuyển sinh của cơ sở đào tạo trực tiếp đến các trường trung học phổ thông để giới thiệu đến phụ huynh, học sinh.
Hiện nhân lực ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khó tuyển sinh, Giáo sư Trần Đức Viên kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế về mặt tài chính, thông qua Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp ngân sách cho các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo kỹ sư nông nghiệp, thủy sản có chuyên môn, nghiệp vụ cao theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Ngân sách nhà nước có thể từ nguồn ngân sách của Trung ương hoặc ngân sách địa phương.
Các cơ sở giáo dục đại học khối nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích người học và có thể thu hút học sinh giỏi theo học khối ngành này.