Với nghề dạy học, môn Ngữ văn, cần lắm một chữ tâm

05/01/2023 06:35
Phan Anh (Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoài Đức – Hà Nội)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc xác định đề ngắn hay dài là căn cứ vào kiến thức, kỹ năng mà người ra đề yêu cầu học sinh phải thể hiện.

Đến thời gian kiểm tra giữa học kỳ và cuối học kỳ với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, trên các diễn đàn, báo chí lại bàn luận, trao đổi về đề kiểm tra môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa hay ngoài sách giáo khoa, dài hay ngắn...

Thực tế này đã dẫn đến những lo lắng nhất định đối với học sinh, cha mẹ học sinh, do chưa nắm được thông tin một cách đầy đủ nhất; cũng có thể, đôi lúc sự bàn luận không cẩn thận lại dẫn dắt dư luận theo những chiều hướng thiếu tích cực, ảnh hưởng đến công cuộc đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bởi vậy cá nhân người viết xin được góp bàn về những nội dung này để mọi người cùng trao đổi nhằm có một cái nhìn đúng đắn góp phần vào hành trình học thực, kiểm tra thực, không chạy theo thành tích, đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Ảnh minh họa: nguồn vov.vn

Ảnh minh họa: nguồn vov.vn

Thứ nhất, chúng ta thấy quan điểm về đổi mới kiểm tra đối với môn Ngữ văn trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hoàn toàn đúng đắn. Quan điểm này được cụ thể trong công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21 tháng 7 năm 2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký ban hành.

Điểm mới trong văn bản này là yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”; “khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh”.

Có thể nói, điều này đã hạn chế việc học thuộc lòng các bài học trong sách giáo khoa thường thấy khi làm bài kiểm tra hoặc thi lúc chưa có văn bản này. Hơn thế, quy định này định hướng cho giáo viên cách dạy học sinh. Giờ đây với các bài học trên lớp, giáo viên không bắt học sinh học thuộc lòng các kiến thức để đáp ứng việc kiểm tra và thi. Thay vào đó, ở các tiết dạy trên lớp, giáo viên ngoài việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu, nắm bắt kiến thức của bài học còn phải trang bị cho các em các kỹ năng để tự mình có thể khám phá được các vấn đề ngoài cuộc sống có nội dung tương tự, gần gũi với bài học trong nhà trường.

Cụ thể đối với môn Ngữ văn, học sinh có thể đọc hiểu các văn bản ngoài sách giáo khoa (có cùng thể loại và nội dung tương tự như các bài học trong nhà trường); có các kỹ năng nghe, nói, viết ở ngoài cuộc sống. Từ đó góp phần hình thành các tri thức và nhân cách cho học trò.

Yêu cầu đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi này cũng đòi hỏi giáo viên phải đọc và mở rộng ngoài sách giáo khoa. Nó khắc phục bệnh lười đọc, lười suy nghĩ của một bộ phận giáo viên (chỉ cần đọc và dạy theo sách hướng dẫn hoặc sách tham khảo); quanh năm chỉ “cày sâu cuốc bẫm” một vài bài trong sách giáo khoa và yêu cầu học sinh học thuộc lòng một cách máy móc để ứng thí; triệt tiêu cảm xúc và sáng tạo của không ít học sinh trong môn Ngữ văn. Cùng với đó, nếu các cấp quản lý coi đây là một công cụ để hạn chế những việc tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đang diễn ra trong xã hội thì đây cũng là một công cụ hữu hiệu. Với cách ra đề này, giáo viên không thể dạy tủ được; kết quả học tập của học sinh sẽ trung thực hơn. Sẽ hạn chế được văn mẫu, giáo viên chấm bài sẽ không bị rơi vào cảnh “trăm bài như một”.

Thứ hai, việc sử dụng ngữ liệu trong bài kiểm tra hai hay ba trang giấy có là dài? Từ thực tế đổi mới cách ra đề kiểm tra, đề thi như đã nêu ở trên sẽ dẫn đến việc người làm đề kiểm tra, đề thi phải đi tìm các ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa, tương ứng với các bài học trong sách giáo khoa. Và nếu đưa ngữ liệu vào đề kiểm tra, đề thi thì phần đưa vào này phải phục vụ cho mục tiêu kiểm tra, đánh giá các kiến thức, kỹ năng của học trò. Do vậy ngữ liệu ngắn hay dài còn tùy thuộc vào mục tiêu kiểm tra, đánh giá kiến thức, kỹ năng học trò của người ra đề.

Người ra đề kiểm tra, đề thi sử dụng ngữ liệu dài ba trang giấy (thậm chí có thể hơn 3 trang giấy) cũng không thể cho đó là đề dài. Việc xác định đề ngắn hay dài là căn cứ vào kiến thức, kỹ năng mà người ra đề yêu cầu học sinh phải thể hiện. Đề dù có dài đến 4 trang giấy thi đi chăng nữa thì học sinh đọc chậm cũng chỉ mất khoảng 15 phút đến 20 phút, trong khi đó thời gian làm bài là 90 phút, không kể thời gian giao đề. Vì thế mọi người đừng nhìn vào độ dài của ngữ liệu để đánh giá là đề dài hay ngắn.

Hơn nữa, trong phần kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học trò đương nhiên sẽ phải có nhiều câu hỏi (thường từ 6 đến 8 câu). Các câu hỏi đọc hiểu sẽ được tính toán chia ra theo 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Và đề kiểm tra, đề thi sẽ phải có những câu khó để phân loại học sinh. Do vậy cũng đừng nhìn vào câu hỏi phân loại học sinh giỏi để nhận xét ngay là đề khó quá.

Hiện nay, không ít phụ huynh có tâm lý thích điểm cao. Điểm cao đối với những học sinh giỏi thì quả là rất thích, đáng khích lệ. Nhưng đối với học sinh chưa giỏi mà điểm cao (hoặc do tiêu cực để có) thì lại là điều đáng trách. Nó phản ánh không đúng kết quả giáo dục. Hơn nữa, một số giáo viên dạy thêm, học thêm có động cơ không trong sáng cũng thích những điểm ảo này (chạy theo thành tích hoặc phục vụ mục đích cá nhân để dạy thêm).

Thực tế là, khi có một đề kiểm tra được các diễn đàn, hay truyền thông đưa lên công khai, có những người không thuộc chuyên môn, nghiệp vụ cũng tham gia bình luận. Cả những bình luận ngoài chuyên môn, không phù hợp. Đặc biệt, có một số giáo viên năng lực chuyên môn hạn chế, cái tâm với nghề chưa đủ sáng cũng tham gia diễn đàn để chê bai mà không cân nhắc khi nêu ý kiến cá nhân.

Những ý kiến tham gia bình luận đúng thì có tác dụng rất tích cực. Những người có chuyên môn, sẽ bình tâm suy xét để học hỏi và rút kinh nghiệm cho cả chính mình. Sẽ rất nguy hiểm với những ý kiến thiếu tính xây dựng, sẽ làm nhụt chí những người thiếu bản lĩnh, làm dư luận hoang mang và trở thành vật cản cho quá trình đổi mới.

Với nghề dạy học, với môn Ngữ văn, và cả những ý kiến tham góp cho quá trình đổi mới, cần lắm một chữ tâm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Anh (Phòng Giáo dục và Đào tạo Hoài Đức – Hà Nội)