Ra đề Ngữ văn Chương trình mới cần chú ý điều gì?

14/12/2022 06:39
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều đề kiểm tra trắc nghiệm, tự luận môn Ngữ văn chưa chuẩn kiến thức khiến học sinh gặp khó khăn khi làm bài.

Việc ra đề kiểm tra/ đề thi môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hình thức trắc nghiệm có hai luồng ý kiến khác nhau - đồng tình và phản đối.

Người viết - giáo viên môn Ngữ văn cho rằng, ra đề kiểm tra/ đề thi trắc nghiệm hay tự luận đều có những ưu, khuyết nhất định, không có hình thức nào hoàn hảo cả.

Tuy vậy, do đặc thù bộ môn, thiết nghĩ nên hạn chế ra đề kiểm tra/ đề thi môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm. Và cho dù ra đề theo hình thức nào cũng cần lưu ý những điều sau.

Hình thức trắc nghiệm

Bài viết "Thi ngữ văn bằng... trắc nghiệm" ngày 31/10/2022 đăng trên Báo Thanh Niên có dẫn đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Hồ Chí Minh như sau [1]:

Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên)

Đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn - Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: Báo Thanh Niên)

Sau khi đọc đề kiểm tra này, nhiều giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, một số câu hỏi ở phần trắc nghiệm ra chưa chuẩn. Chẳng hạn, các đáp án (A, B, C, D) của Câu 1, Câu 2 và Câu 6 đều đúng, đều hợp lí. Nếu các câu hỏi nêu câu lệnh "tìm phương án đúng nhất" thì học sinh sẽ có sự lựa chọn chính xác hơn.

Giáo viên chỉ đưa ra một đáp án (phương án đúng) vừa không thỏa đáng với nội dung câu hỏi, vừa khiến học sinh bị mất điểm rất oan uổng.

Nhiều giáo viên hiện nay vẫn chưa được tập huấn về kĩ năng ra đề trắc nghiệm một cách bài bản nên việc ra đề kiểm tra/ đề thi còn mắc nhiều lỗi, khó đánh giá năng lực ngôn ngữ và văn học của học sinh.

Học sinh rất dễ lấy điểm nếu câu hỏi trắc nghiệm có nhiều đáp án sai hiển nhiên hoặc đúng hiển nhiên. Vậy nên, ngoài đáp án đúng, các phương án “mồi nhử” cũng phải làm tốt chức năng gây nhiễu, phân loại học sinh.

Một điều dễ nhận thấy, nhiều giáo viên lấy văn bản văn học, trong đó có văn bản thơ làm ngữ liệu để ra đề trắc nghiệm là không ổn chút nào. Bởi, hình tượng văn học có tính đa nghĩa, mỗi học sinh có một cách tiếp nhận khác nhau, nên việc thiết kế các câu hỏi khó tránh khỏi sự áp đặt theo quan điểm chủ quan của người ra đề.

Thạc sĩ Trần Lê Duy, tác giả sách Ngữ văn lớp 10 (bộ Chân trời sáng tạo) từng lưu ý giáo viên (Thành phố Hồ Chí Minh) tham gia tập huấn Chương trình mới vào thời điểm đầu năm học 2022-2023 rằng, hình thức kiểm tra trắc nghiệm Ngữ văn sẽ chỉ phù hợp trong hai trường hợp:

Sử dụng hình thức để kiểm tra các kiến thức khó học như thể loại, đặc điểm loại văn bản, kỹ năng đọc; kiểm tra kỹ năng nhận biết, thông hiểu, văn bản thông tin, văn bản nghị luận, ít khi đa nghĩa, các thông tin dạng bằng chứng khách quan có thể kiểm chứng được, các suy luận về nội dung văn bản vốn đã rõ ràng, cụ thể.

Hình thức tự luận

Ra đề Ngữ văn theo hình thức tự luận, thầy cô cần chú ý nguồn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, việc thiết kế các câu hỏi cần rõ ràng, ngắn gọn. Ví dụ, đề kiểm tra giữa học kì 1 môn Ngữ văn 10 (một trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh được người viết sưu tầm) dưới đây còn nhiều sai sót, cần chỉnh sửa nội dung.

I. Đọc hiểu

Học sinh đọc văn bản sau đây và trả lời câu hỏi từ 1 đến 5:

Quê hương mỗi người đều có

Vừa khi mở mắt chào đời

Quê hương là dòng sữa mẹ

Thơm thơm giọt xuống bên nôi

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người.

(Trích “Bài học đầu cho con’’ của Đỗ Trung Quân)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên?

Câu 2. Theo văn bản trên, nhà thơ đã ví quê hương với những hình ảnh nào?

Câu 3. Theo anh (chị) qua văn bản trên, nhà thơ muốn nhắn nhủ điều gì? (Học sinh chỉ trả lời ngắn gọn không quá 3 dòng).

Câu 4. Chỉ ra một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 5. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong văn bản trên.

II. Làm văn

Câu 1. Từ nội dung của văn bản trên, anh (chị) hãy viết đoạn văn ngắn không quá 10 dòng để trình bày trách nhiệm của thanh niên học sinh với quê hương.

Câu 2. Em hãy hóa thân thành cô Tấm để kể lại những câu chuyện về cuộc đời của mình từ khi bước ra từ quả thị trở lại cuộc sống làm người.

Theo đánh giá của người viết, Thứ nhất, cụm từ "văn bản trên" xuất hiện quá nhiều lần, gây nhàm chán cho học sinh, cần lược bỏ hoặc thay đổi nội dung câu hỏi sao cho phù hợp.

Thứ hai, đoạn trích “Bài học đầu cho con’’ của Đỗ Trung Quân lấy nguồn ở đâu? Không thấy người ra đề chú thích tập thơ nào, nhà xuất bản nào, tờ báo nào đăng tải.

Theo tìm hiểu của người viết, bài thơ “Bài học đầu cho con” được đăng lần đầu trên Báo Khăn Quàng Đỏ vào năm 1986, đề tặng bé Quỳnh Anh (là con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) khi đó mới một tuổi.

Khi bài thơ được đăng, người biên tập của tờ Báo Khăn Quàng Đỏ lúc ấy đã bỏ một vài đoạn và thêm vào một câu, chính là câu cuối cùng: “Sẽ không lớn nổi thành người”. Chính vì vậy, theo Đỗ Trung Quân, câu cuối cùng đó không phải là ông viết, mà kết thúc bài thơ được ông bỏ lửng như sau:

“Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ…”. Khi sáng tác thành ca khúc “Quê hương”, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch lại phổ từ bài thơ phiên bản năm 1986, nên vẫn có câu cuối “Sẽ không lớn nổi thành người”.

Như thế, nếu ngữ liệu ghi chú nguồn "Bài học đầu cho con’’ thì không có câu thơ "Sẽ không lớn nổi thành người". Còn nếu chú nguồn "Quê hương" thì phải ghi rõ, nhạc Giáp Văn Thạch phổ thơ Đỗ Trung Quân thì mới có câu “Sẽ không lớn nổi thành người”.

Thứ ba, Câu 1 yêu cầu “xác định thể thơ của văn bản trên?”, sử dụng dấu chấm hỏi cuối câu là không đúng. Đây là câu mệnh lệnh, hoàn toàn không phải câu hỏi, cần sử dụng dấu chấm cuối câu.

Thứ tư, Câu 4 và Câu 5 cần nối với nhau để tạo mạch logic, ví dụ: chỉ ra một biện pháp tu từ có trong câu/ đoạn thơ… và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Thứ năm, viết câu lệnh lủng củng ở câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Cụ thể, Câu 1: Từ nội dung của văn bản trên, anh (chị) hãy viết đoạn văn ngắn không quá 10 dòng để trình bày trách nhiệm của thanh niên học sinh với quê hương.

Câu văn này đọc chưa suôn sẻ vì mắc lỗi diễn đạt, có thể sửa lại: Từ nội dung văn bản ở phần đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (không quá 10 dòng) trình bày trách nhiệm của học sinh đối với quê hương đất nước.

Tương tự, Câu 2: Em hãy hóa thân thành cô Tấm để kể lại những câu chuyện về cuộc đời của mình từ khi bước ra từ quả thị trở lại cuộc sống làm người, diễn đạt rối rắm, tù mù.

Câu này cần sửa lại: Em hãy hóa thân thành cô Tấm và kể lại câu chuyện “Tấm Cám” kể từ khi Tấm bước ra từ quả thị cho đến kết thúc câu chuyện.

Ra đề tự luận môn Ngữ văn, giáo viên cần chú ý đến các cấp độ: từ ngữ, câu, văn bản, sau đó hai giáo viên (tổ trưởng, tổ phó) cùng phản biện thì đề mới chỉnh chu, hạn chế thấp nhất những sai sót, nếu có.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thanhnien.vn/thi-ngu-van-bang-trac-nghiem-post1516055.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly