Thầy hiệu trưởng thầm lặng cống hiến cho giáo dục vùng cao Hua Bum

31/01/2023 06:47
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Nhiệt luôn cảm thấy rất mừng khi chứng kiến những đổi thay tích cực, mức độ chuyên cần và chất lượng học sinh vùng biên Hua Bum ngày càng đi lên.

Thầy giáo Bùi Văn Nhiệt sinh năm 1977, quê ở xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Lúc đầu, thầy Nhiệt vốn không có ý định theo đuổi sự nghiệp nhà giáo mà một mình vào Nam tìm kiếm những công việc khác nhau để khởi nghiệp. Tuy nhiên, khi được bố (cũng là giáo viên nhiều năm công tác trong ngành giáo dục) gọi điện khuyên nhủ, thầy quyết định theo học ngành sư phạm, trở thành người duy nhất trong gia đình 5 anh, chị, em theo nghề dạy học của bố.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vào năm 1999, thầy Nhiệt về công tác tại quê nhà, cụ thể là Trường Tiểu học Yên Nghiệp.

Công tác được 3 năm, vì tỉnh Hòa Bình lúc đó không có chỉ tiêu biên chế nên thầy Nhiệt vẫn chỉ làm giáo viên hợp đồng. Với mong muốn được cống hiến lâu dài trong ngành giáo dục, thầy Nhiệt khi ấy đã lên Lai Châu làm hồ sơ tuyển dụng.

“Qua phương tiện truyền thông đại chúng, tôi được biết có hai tỉnh đang tuyển dụng giáo viên lúc đó là Bình Phước và Lai Châu. So sánh về khoảng cách địa lý, tôi quyết định chọn Lai Châu để gắn bó với sự nghiệp trồng người”, thầy Nhiệt chia sẻ.

Người đưa ánh sáng về điểm bản

Tháng 9/2003, thầy Nhiệt về nhận công tác tại Trường Phổ thông cơ sở Hua Bum, huyện Mường Tè (nay thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).

Hua Bum là xã vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Nậm Nhùn, chủ yếu là đồng bào Mông, Hà Nhì, Mảng, Dao cùng sinh sống. Giao thông vùng này rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa; nhận thức của người dân còn hạn chế, lạc hậu, một bộ phận tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa cố gắng vươn lên khiến tỷ lệ hộ nghèo cao…

Thầy giáo Bùi Văn Nhiệt (đi hàng đầu) trên hành trình đưa con chữ đến vùng cao Hua Bum. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Bùi Văn Nhiệt (đi hàng đầu) trên hành trình đưa con chữ đến vùng cao Hua Bum. Ảnh: NVCC

Năm đầu ở Hua Bum, thầy Nhiệt được phân công dạy ở điểm trường Nậm Nghẹ, cách trung tâm 4 tiếng đi bộ.

Lần đầu đến điểm trường này, thầy rất bất ngờ với điều kiện lớp học ở đây. Hiện ra trước mắt thầy là một căn nhà tạm đã xuống cấp. Để bảo đảm an toàn cho học sinh khi học tại lớp, thầy quyết định vận động người dân xung quanh cùng giúp đỡ dựng lại căn nhà mới để làm lớp học. Sau một tuần làm việc cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân, lớp học đã hoàn thành với các trang thiết bị dạy học cơ bản nhất như bàn, ghế, bảng,...

“Khi chuẩn bị xong về cơ sở vật chất, tôi phải đi vận động từng nhà để phụ huynh cho học sinh ra lớp. Lúc đó, điều làm tôi bất ngờ là học sinh trông không giống trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 mà đáng ra các em phải đang học lớp 5, lớp 6 mới đúng. Điều này càng thôi thúc tôi gắn bó với giáo dục vùng cao hơn”, thầy Nhiệt nói.

Khi đi vận động từng gia đình học sinh cho con ra lớp và trong lúc dạy học, thầy Nhiệt nhận ra rằng: điều khó hơn cả thiếu thốn về cơ sở vật chất đó là sự bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên và gia đình, học sinh. Vì các em chưa hiểu hết tiếng phổ thông nên lúc đầu, thầy Nhiệt đã mất rất nhiều thời gian giúp các em làm quen với ngôn ngữ mới trước khi dạy kiến thức.

Thậm chí, thầy phải nhờ dân bản (người biết tiếng phổ thông) làm trợ giảng trong lúc lên lớp. Bên cạnh đó, bản thân thầy cũng không ngừng tìm tòi, học hỏi thêm tiếng dân tộc để hỗ trợ trong việc dạy học.

“Trong thời gian công tác tại Nậm Nghẹ, dù vẫn chưa thể thông thạo tiếng địa phương nơi đây, tuy nhiên tôi cũng được học hỏi thêm rất nhiều, giao tiếp được cơ bản”, thầy Nhiệt cho hay.

Một thành quả mà thầy Nhiệt luôn cảm thấy tự hào khi kể về những năm tháng công tác ở điểm Nậm Nghẹ đó là thầy đã trở thành người đầu tiên đưa ánh điện về điểm bản này.

Cụ thể, nhận thức được tầm quan trọng của điện đối với việc dạy và học, sau 4 tháng công tác, thầy Nhiệt đã về quê mua máy phát điện lên trường. Cùng với sự giúp đỡ của bà con xung quanh, ánh sáng điện đầu tiên đã về với bản Nậm Nghẹ.

Mức độ chuyên cần và chất lượng học sinh ngày càng đi lên

4 năm công tác tại Nậm Nghẹ, thầy trở về điểm trường trung tâm tiếp tục công việc dạy học.

Thầy Nhiệt trong giờ dạy học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy Nhiệt trong giờ dạy học sinh. Ảnh: NVCC

Năm 2013, sau khi huyện Nậm Nhùn được thành lập, Trường Phổ thông cơ sở Hua Bum được tách thành hai là trường trung học cơ sở và tiểu học. Thầy Nhiệt được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum. Đó là thành quả sau nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đây.

Gần 20 năm gắn bó với giáo dục vùng biên Hua Bum, thầy Nhiệt luôn cảm thấy rất mừng khi chứng kiến những đổi thay tích cực, mức độ chuyên cần và chất lượng học sinh ngày càng đi lên.

“Người dân nơi đây còn lạc hậu, hơn nửa phụ huynh có suy nghĩ rằng: nhà trường là nơi giáo dục tất cả nên ngoài giờ lên lớp, việc học của học sinh không được gia đình quan tâm, đốc thúc. Thậm chí, duy trì ý thức tự giác, chuyên cần đi học cũng rất khó. Vì vậy, nhà trường luôn đề cao sự đồng hành của phụ huynh tới việc cùng giáo dục học sinh, công tác vận động tư tưởng phụ huynh năm nào cũng được thực hiện thường xuyên", thầy Nhiệt tâm sự

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng là yếu tố cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Để giữ được giáo viên gắn bó với trường vùng cao không phải dễ.

Chính vì vậy, đối với những giáo viên trẻ về trường, thầy Nhiệt đều chia sẻ những câu chuyện của mình gắn bó với mảnh đất thân thương này. Từ đó động viên thầy cô, khi biết được những khó khăn của Hua Bum sẽ yêu thương học sinh và con người nơi đây hơn, cùng chung tay góp sức nhằm cải thiện giáo dục vùng biên này.

Nhân dịp đầu năm mới, thầy Nhiệt cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ có những chính sách quan tâm cải thiện giáo dục đối với địa phương. Hi vọng rằng, đội ngũ giáo viên sẽ nhận được đãi ngộ xứng đáng với những hy sinh, cống hiến.

Hiện tại, cơ sở vật chất của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hua Bum cũng đã xuống cấp, thậm chí còn thiếu nhà công vụ cho giáo viên. Vì vậy, thầy Nhiệt rất mong có sự đầu tư để cuộc sống giáo viên ổn định hơn, các thầy cô an tâm công tác.

Anh Trang