Khó như “phấn đấu” để giáo viên được đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ"!

31/01/2023 06:31
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế của thầy cô giáo là mong muốn chính đáng và rất nhân văn.

Làm nghề giáo, phần lớn giáo viên đều cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn, để được đánh giá ít nhất là hoàn thành nhiệm vụ.

Thế nhưng, để được tổ chuyên môn, ban thi đua nhà trường đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, không ít giáo viên phải phấn đấu “trầy vi tróc vảy” vậy mà cũng không đạt.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Thầy giáo Nguyễn Đình Hà công tác tại một tỉnh phía nam chia sẻ: “Tôi năm nay 57 tuổi, đi dạy xa nhà gần 20 km, sức khỏe không tốt lắm, bằng cấp chưa đạt chuẩn, nên muốn nghỉ hưu trước tuổi.

Nếu nghỉ hưu trước tuổi theo diện giám định sức khỏe thì lương hưu chẳng được bao nhiêu, do chỉ mới tham gia bảo hiểm 28 năm.

Nhiều người tư vấn cho tôi, cố gắng "phấn đấu" một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế, một năm không hoàn thành nhiệm vụ, sẽ được nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế.

Nếu được nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế, sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi và còn có thêm một số quyền lợi khác.

Thế nhưng, trong hai năm qua, dù tôi đã “rất phấn đấu”, "xin xỏ", thế nhưng tổ chuyên môn, ban thi đua nhà trường vẫn không đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”, hoặc “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế”, mà cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Còn công việc chuyên môn giảng dạy, mỗi khi nhận lớp, lên lớp, với lương tâm và trách nhiệm nghề giáo, tôi vẫn luôn cố gắng hết khả năng để đảm bảo việc dạy dỗ cho học sinh một cách tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, tuổi cao, sức yếu, xa nhà, hàng ngày vẫn chạy xe hơn 40 km đi dạy, tôi vẫn hi vọng cuối năm nay tổ chuyên môn, ban thi đua nhà trường đánh giá: không hoàn thành nhiệm vụ”.

Tại sao giáo viên lại “phấn đấu” không hoàn thành nhiệm vụ?

Giáo viên “phấn đấu” không hoàn thành nhiệm vụ như trường hợp của thầy giáo Nguyễn Đình Hà thường là muốn nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế.

Theo Điểm đ, e, g, Khoản 1, Điều 1 Nghị định Số: 143/2020/NĐ-CP, giáo viên có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý, thuộc đối tượng nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế.[1]

Chế độ tinh giản biên chế theo chính sách về hưu trước tuổi năm 2023:

+ Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;

+ Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động;

+ Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.[2]

Đi dạy lương thấp, nhưng thầy cô giáo vẫn cố gắng bám trụ với nghề, mong muốn về hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế, có đồng lương hưu cao hơn, nên giáo viên phải “phấn đấu” không hoàn thành nhiệm vụ.

Khi nào giáo viên bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ

Điều 15 Nghị định Số: 90/2020/NĐ-CP, ghi rõ : Tiêu chí xếp loại chất lượng viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ

1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

a) Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;

b) Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;

c) Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.

2. Viên chức quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:

a) Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền;

b) Có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả;

c) Đơn vị hoặc lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

d) Đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

đ) Có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá.[3]

Thực tế, những giáo viên cận tuổi hưu đều là những người coi trọng hình ảnh, danh tiếng cả một đời mình đã hy sinh thanh xuân, giữ gìn, xây dựng, nên không thể “bê tha” để "được" đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ theo các tiêu chí trên.

Khi có giáo viên bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, từ tổ chuyên môn, nhà trường, … đều bị “liên đới” trách nhiệm:

Các tổ chức trong trường sẽ bị cắt thi đua, lãnh đạo nhà trường không được xét thi đua hoặc tham gia thi tuyển chức vụ cao hơn.

Vì thế, dù “phấn đấu”, “xin xỏ” nhưng giáo viên muốn nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế cũng không thể “được” tổ chuyên môn, ban thi đua nhà trường đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ” cuối năm.

Đôi điều kiến nghị:

Mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế của thầy cô giáo là mong muốn chính đáng và rất nhân văn.

Thực tế, nếu không có một năm đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”, mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế của thầy cô giáo chẳng khác “hái sao trên trời”.

Vì vậy, người viết kiến nghị các cấp có thẩm quyền, khi xét nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế của thầy cô giáo, không yêu cầu có một năm đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”.

Đừng bắt thầy cô giáo phải “phấn đấu”, phải “lầy lội”, phải vi phạm kỉ luật, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa … để "đạt chuẩn” không hoàn thành nhiệm vụ trước khi rời bục giảng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-143-2020-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-108-2014-ND-CP-chinh-sach-tinh-gian-bien-che-445165.aspx

[2]https://nld.com.vn/cong-doan/chinh-sach-ve-huu-truoc-tuoi-nam-2023-20230126153521147.htm

[3]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-90-2020-ND-CP-danh-gia-xep-loai-chat-luong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-450113.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh