Nếu tuổi nghỉ hưu GVMN cũng là 60, nhiều thầy cô sẽ không muốn gắn bó với nghề

04/12/2022 06:33
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với tính chất đặc thù cần vận động nhiều của ngành giáo dục mầm non, nhiều giáo viên cho rằng để tuổi nghỉ hưu kéo dài đến sau 55 tuổi là không hợp lý.

Hiện giáo viên mầm non cũng như các đối tượng giáo viên khác nghỉ hưu theo lộ trình đến khi nữ đủ 60 tuổi, nam 62 tuổi. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, trong quá trình trước 50 tuổi, giáo viên mầm non đã rất vất vả, phải làm việc với cường độ cao nên khi ở độ tuổi ngoài 50, việc dạy học, đứng lớp của các giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em học sinh.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đang phối hợp với bộ, ngành liên quan đề xuất cho phép giữ tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non là 55 tuổi như trước đây.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, bà Phan Thanh Thúy, công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang bày tỏ quan điểm hoàn toàn thống nhất với đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non là 55 tuổi như trước kia.

“Tôi hoàn toàn đồng tình với đề xuất này, bởi nó hoàn toàn phù hợp với tính chất đặc thù của giáo viên mầm non. Sau 55 tuổi để giáo viên mầm non đứng lớp là rất khó, ở độ tuổi lớn như vậy, nếu còn làm ở trường thì chỉ nên tìm các công việc nào mang tính hỗ trợ cho các cô làm”.

Do thiếu biên chế, các giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Cái Bè đang phải đứng lớp 1 mình nên rất vất vả (Nguồn: Trường Mầm non Thị trấn Cái Bè).

Do thiếu biên chế, các giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Cái Bè đang phải đứng lớp 1 mình nên rất vất vả (Nguồn: Trường Mầm non Thị trấn Cái Bè).

Cũng theo bà Thúy, theo quy định tại Điều 3 của Thông tư liên tịch 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Nội vụ về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thì huyện Cái Bè hiện còn thiếu hơn 100 giáo viên cấp mầm non trong 28 trường trên địa bàn.

Tuy nhiên, biên chế từ ngành giáo dục giao xuống lại không thể đáp ứng được số giáo viên thiếu này.

Điều này dẫn đến việc đa số các lớp tại các trường mầm non trên địa bàn chỉ có 1 cô giáo/ 1 lớp, hơn nữa lại còn là dạy bán trú, các cô vừa phải chăm sóc, vừa phải nuôi dưỡng, vừa phải dạy học nên rất vất vả.

Đặc biệt, những giáo viên tuổi đã cao trên 55 tuổi mà đứng 1 mình 1 lớp như vậy sẽ càng áp lực và không có sức khỏe để giảng dạy các em học sinh được tốt nhất có thể.

Do đó, bà Thúy mong rằng, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất trong tuyển dụng biên chế giáo viên cấp mầm non nhưng nên cho các cô khoảng 50 - 55 tuổi nghỉ hưu rồi lấy biên chế đó để tuyển các giáo viên trẻ hơn.

Như vậy, chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh cũng được đảm bảo hơn, còn các cô giáo mầm non lớn tuổi sau quãng thời gian dài cống hiến và làm việc vất vả cũng được nghỉ ngơi đúng lúc.

Mặt khác, nhà nước nên mở rộng thêm chỉ tiêu biên chế cũng như có thêm chế độ đãi ngộ tốt hơn để thu hút giáo viên yên tâm công tác, tập trung vào sự nghiệp giáo dục cho những mầm non tương lai của đất nước.

Bởi theo bà Thúy, hiện nay có nhiều giáo viên mầm non làm được một thời gian rồi nghỉ vì công việc vất vả mà lương và cả phụ cấp đều thấp, làm công nhân lương cao hơn giờ độ tuổi nghỉ hưu kéo dài khiến nhiều người không còn muốn gắn bó với nghề.

Là một giáo viên mầm non, cô Võ Thị Hiền, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca Định Công (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm mong muốn bản thân và đồng nghiệp của mình được nghỉ hưu ở tuổi 50-55.

“Theo tôi, giáo viên cao tuổi dù có kinh nghiệm nhưng không còn sức khỏe để dạy học, nhiệt huyết giảm thì chất lượng giảng dạy sẽ hạn chế. Trong khi đó, vì công việc mầm non có đặc thù riêng, nên các em học sinh cần các cô giáo trẻ năng động và sáng tạo nhiều hơn.

Các em học sinh Trường Mầm non Sơn Ca Định Công trong giờ học ngoại khóa (Nguồn: Trường Mầm non Sơn Ca Định Công).

Các em học sinh Trường Mầm non Sơn Ca Định Công trong giờ học ngoại khóa (Nguồn: Trường Mầm non Sơn Ca Định Công).

Hơn nữa, thời gian làm việc của giáo viên mầm non quá nhiều so với các ngành nghề khác dẫn đến cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ gây ra căng thẳng kéo dài làm cho sức khoẻ của giáo viên mầm non giảm sút rất nhanh

Do vậy, từ 55 tuổi trở đi họ sẽ không có đủ sức khỏe để đảm bảo các thao tác chuyên môn như hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy.... và tất nhiên nguy cơ mất an toàn cho các em học sinh là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, cô Hiền nói.

Cũng theo cô Hiền chia sẻ, hàng ngày bản thân cũng như nhiều cô giáo mầm non khác phải ở trường cả ngày, thời gian làm việc là liên tục từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, thậm chí có những ngày về rất muộn. Hơn nữa, ngoài giờ làm việc tối lại soạn bài, chuẩn bị tiết dạy… mà tiết dạy của cấp mầm non phải chuẩn bị rất nhiều đồ dùng công phu chứ không hề đơn giản.

Các cô giáo phải đi làm sớm, về nhà muộn, công việc trông trẻ nhỏ cũng vất vả và không hề đơn giản. Nếu không may các cháu chơi với nhau có va chạm, xây xước cũng rất áp lực với cha mẹ các con.

Áp lực công việc cao nhưng lương thấp dẫn tới thực tế hiện nay, có những giáo viên do chưa tìm được công việc mới nên hàng ngày vẫn cố gắng đi dạy, cũng có giáo viên rất yêu nghề, muốn gắn bó, dù lương thấp thì họ vẫn muốn theo nghề, nhưng dù sao, họ vẫn kỳ vọng về một ngày được mức lương xứng đáng.

Vì lý do đó, cô Hiền cũng như các cô giáo mầm non khác cho rằng việc đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là vô cùng xứng đáng và cần thiết. Nhà nước cần quan tâm đến chế độ lương, phụ cấp cho giáo viên.

Bởi với công việc này, các cô giáo mầm non làm từ sáng đến tối nên cũng không có thời gian để làm thêm gia tăng thu nhập, do vậy, phải đảm bảo mức lương, đảm bảo đời sống cho giáo viên để họ vững tâm gắn bó với nghề.

Trà My