Xuất hiện ChatGPT, ngành nghề nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?

13/02/2023 06:39
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sự ra đời của ChatGPT khiến nhiều người lo ngại người học sử dụng ứng dụng này vào mục đích không tốt như đạo văn trong viết bài luận, báo cáo...

Mới đây, việc một sinh viên sử dụng ChatGPT viết luận văn tốt nghiệp tại trường đại học Nga đã dấy lên nhiều lo ngại.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông cho rằng, bị ảnh hưởng nhiều nhất khi ChatGPT ra đời có lẽ là khối ngành về khoa học xã hội và nhân văn, truyền thông,...Vì đặc thù những khối ngành này liên quan đến các kỹ năng viết, kỹ năng tổng hợp mà ChatGPT có thể làm tốt được.

“Mặc dù công cụ không thể thay thế hoàn toàn nhân sự nhưng có thể khiến thị trường lao động của những khối ngành này trong tương lai bị thu hẹp vì một chatbot có thể thay thế công việc của rất nhiều người”, Phó Giáo sư Phạm Văn Song nói.

Bên cạnh đó, trong tương lai, khi các công cụ thông minh ra đời và phát triển sẽ đòi hỏi giới trẻ tìm hiểu xem ngành nào có thể tạo ra được các công cụ này. Từ đó, ngành công nghệ thông tin có thể sẽ giành được sự quan tâm của nhiều học sinh hơn.

Phó Giáo sư Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông. Ảnh: TG

Phó Giáo sư Phạm Văn Song - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông. Ảnh: TG

Với sự thông minh và tiện lợi đem lại, nhiều người lo ngại ChatGPT sẽ ảnh hưởng tới vai trò của người thầy trong giáo dục. Dù máy móc không thể thay thế được vai trò của con người nhưng bản thân người thầy phải có sự cải tiến về phương pháp giảng dạy để thích ứng với giai đoạn công nghệ phát triển, xuất hiện các công cụ thông minh. Người thầy phải trở thành người hướng dẫn, định hướng học tập thay vì là một người cung cấp kiến thức một cách truyền thống.

“ChatGPT là công cụ mô hình trí tuệ nhân tạo, đây không phải là một công cụ vạn năng. Bản thân người dùng muốn tìm kiếm sự hỗ trợ từ nó cũng cần phải có một kiến thức nhất định để tìm trúng, hiểu đúng. Lúc này, người thầy sẽ là người trang bị cho học sinh những kỹ năng, tư duy logic để vận dụng”, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Miền Đông nói.

Mới đây, một số trường học ở Mỹ, Pháp,...đã đưa ra lệnh cấm sử dụng ChatGPT trong việc làm bài tập. Có trường còn đưa ra yêu cầu sinh viên được phép sử dụng cho mục đích giáo dục phải dưới sự giám sát của giáo viên, bởi nhà trường lo ngại về việc sinh viên sẽ sử dụng những ứng dụng này để đạo văn.

Theo Phó Giáo sư Phạm Văn Song, việc đưa ra lệnh cấm là không cần thiết và cũng không thể cấm được hoàn toàn học sinh, sinh viên sử dụng. Vì công cụ này đại diện cho sự phát triển của tri thức loài người, xu hướng tương lai.

Một số trường học lo sợ sinh viên sử dụng ChatGPT đạo văn sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo, nhưng nếu biết cách sử dụng theo hướng tích cực nó sẽ hỗ trợ, rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, tăng thời gian suy nghĩ, sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới. Sinh viên và giảng viên nên tiếp nhận những công cụ thông minh với tâm thế học hỏi và khai thác một cách tốt nhất.

Hiện nay, các trường đại học có thể đánh giá sinh viên tốt nghiệp bằng cách tổ chức thi hết môn, làm khóa luận, đồ án tốt nghiệp,...Với việc đánh giá bằng sản phẩm hay công trình thực tế thì việc vận dụng ChatGPT là tốt, nó có thể hỗ trợ người học có những tìm tòi, sản phẩm hoàn thiện và sáng tạo hơn. Còn riêng với những đề tài khóa luận lý thuyết chung chung thì với sự trợ giúp của công cụ này, sinh viên có thể hoàn thành chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng thay vào đó, bài làm sẽ không có chất riêng, không sáng tạo.

Khi ChatGPT ra đời, khâu kiểm tra đánh giá và khâu ra đề cần có sự thay đổi. Trong thời gian sắp tới, chắc chắn mỗi trường, mỗi ngành sẽ cần có cách ứng phó phù hợp với những công cụ thông minh như này.

“Với một trường chuyên về đào tạo công nghệ thông tin, kiểm tra đánh giá bằng việc sinh viên phải tạo ra sản phẩm, ứng dụng thực tiễn như Trường Đại học Công nghệ Miền Đông thì việc vận dụng và tìm kiếm sự hỗ trợ của ChatGPT là tốt.

Tại những buổi bảo vệ khóa luận hay bảo vệ đồ án tốt nghiệp, sinh viên đứng trước hội đồng giám khảo trình bày về đề tài, sản phẩm, công trình của mình. Đây chính là cách để nhà trường kiểm tra xem sinh viên có nắm được bản chất đề tài mình làm hay không.

Cần hiểu rằng, ChatGPT chỉ là một công cụ hỗ trợ, nếu biết vận dụng đúng cách sẽ đem lại lợi ích rất lớn trong học tập và công việc. Tuy nhiên, dù phát triển đến đâu thì công cụ này cũng không thể thay thế được vai trò của người thầy. Còn người thầy cũng cần khẳng định được vai trò hướng dẫn, khơi mở được được khả năng sáng tạo của học sinh, sinh viên”, Phó Giáo sư Phạm Văn Song nói.

Cùng bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, điều cần thay đổi để thích ứng với thời đại công nghệ số hiện nay là phương pháp giảng dạy và truyền tải tri thức của nhà trường nói chung và người thầy nói riêng.

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, dạy học theo tính chất truyền bá tri thức truyền thống đã không còn phù hợp và khó có thể cạnh tranh với vai trò cung cấp thông tin của hệ thống máy móc.

Người thầy cần thay đổi phương thức giảng dạy. Ảnh minh họa: PM

Người thầy cần thay đổi phương thức giảng dạy. Ảnh minh họa: PM

Với sự ra đời của ChatGPT, một số trường học lo ngại học sinh, sinh viên sẽ dùng công cụ này để đạo văn nhưng việc đưa ra lệnh cấm là không nên. Vì sự xuất hiện của các công cụ thông minh là xu thế và đã được dự báo từ trước. Điều cần quan tâm là học sinh, sinh viên sử dụng công cụ này như thế nào trong học tập.

Kiến thức ChatGPT cung cấp có thể đúng hoặc sai, người dùng bắt buộc phải có kiến thức nền tảng, tư duy để xử lý thông tin và có cách nhìn nhận đúng nhất.

Bên cạnh đó, có những kỹ năng máy móc không bao giờ có thể thay thế được như kỹ năng sống, trải nghiệm, phát minh và sáng tạo cái mới, tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới.

“Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì vấn đề đặt ra là giáo dục cần thay đổi như thế nào để có sự thích ứng phù hợp? Giáo dục hiện nay cũng đã dần thay đổi để thích nghi, đi vào thực chất, thay vì trọng bằng cấp thì xã hội đang coi trọng kỹ năng nhiều hơn.

Ngoài ra, khi chấm bài, đặc biệt là chấm luận văn, luận án thì phải đặt ra các tiêu chí, chú trọng và đánh giá cao các ý mới, sáng tạo”, Tiến sĩ Lê Trường Tùng nói.

Anh Trang