Sự xuất hiện của ChatGPT - ứng dụng AI của công ty khởi nghiệp OpenAI đã cho thấy sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo và đang tạo nên “cơn sốt” trên toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục cũng đang đứng trước thách thức lớn khi sản phẩm công nghệ này có thể thay con người viết luận văn, giải toán, lập luận phân tích các vấn đề và tương tác lại các yêu cầu của người dùng một cách nhanh chóng.
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô về dự báo những tác động của ChatGPT trong tương lai, nhất là đối với hoạt động dạy và học hằng ngày.
Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, ChatGPT có thể trở thành người bạn học với mỗi người, giúp chúng ta học tập hiệu quả hơn. (Ảnh: NVCC) |
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Phạm Hiệp, liệu sự ra đời của ChatGPT có đang là thách thức lớn đặt ra cho ngành giáo dục?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Đây không phải là lần đầu tiên có một sản phẩm công nghệ cũng như trí tuệ nhân tạo được đưa vào trong đời sống cũng như vào trong giáo dục. Trước ChatGPT thì khoảng 25 năm trước, sự xuất hiện của Google với tốc độ tìm kiếm thông tin cực nhanh cũng đã tạo nên một “cơn sốt” khiến nhiều người, đặc biệt những nhà giáo dục phải lo ngại. Tương tự có thể kể đến sự ra đời của Wikipedia, hay phần mềm như Grammarly để kiểm tra ngữ pháp, phần mềm Quillbot để chỉnh sửa câu, những phần mềm giải toán bằng AI,…
Tất nhiên, sự kiện lần này có giá trị đặc biệt hơn vì đây là lần đầu tiên chúng ta thấy có một sản phẩm công nghệ tương tác nhanh và tức thời đối với những câu hỏi của người dùng như vậy.
ChatGPT sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho hoạt động dạy và học nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với những nhà giáo trong việc dạy học, lên lớp, giảng bài, đặc biệt là trong kiểm tra đánh giá người học.
Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về thách thức trong hoạt động kiểm tra đánh giá người học trước sự xuất hiện của ChatGPT?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Nếu chúng ta vẫn dùng cách thức kiểm tra, đánh giá cũ, đơn thuần là yêu cầu người học làm bài tập, gửi bài luận, làm bài ở nhà gửi cho thầy cô, và việc chấm bài sơ sài thì người học sẽ dễ dàng dùng ChatGPT thực hiện các nhiệm vụ học tập thay mình. Nghĩa là giáo viên có thể bị “qua mặt”, bị đánh lừa, không thể đánh giá chính xác năng lực học tập của học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên nếu kiểm tra đánh giá bao gồm cả quá trình, người thầy theo sát học trò trong thời gian học tập và đưa ra những đánh giá trong cả quá trình thì ChatGPT không thể “đánh lừa” được một người thầy nào.
Người học có quyền dùng ChatGPT và chúng ta không thể cấm người học dùng công nghệ này được, nhưng nếu người học không tập trung, không chọn lọc, không “tiêu hoá” những thông tin được ChatGPT đưa ra thì rất có thể họ cũng chỉ là “cái máy” truyền đạt lại những thông tin được AI chuẩn bị cho họ mà thôi.
Vì vậy, đây không phải là vấn đề khiến chúng ta phải quá lo lắng, vì những nhà giáo dục, các nhà trường sẽ có biện pháp thi cử mới, đánh giá mới hoặc điều chỉnh các phương thức cũ để nó phù hợp với “thời đại của ChatGPT” cũng như xu hướng giáo dục hiện đại.
Phóng viên: Với khả năng giải toán, làm thơ, lập luận, phân tích, … liệu ChatGPT có đang “đe doạ” vị trí của người thầy?
Như tôi đã nói, đúng là ChatGPT không chỉ giúp chúng ta tìm kiếm thông tin mà còn giúp giải quyết được nhiều vấn đề khác, nếu người thầy sát sao với người học, hệ thống kiểm tra đánh giá sát sao trong cả quá trình thì không ai đánh lừa được người thầy cả.
Người học có thể sử dụng ChatGPT viết một bài luận nhưng phần mềm công nghệ này không thể thay các em trình bày trước hội đồng, trước các thầy cô giáo.
Vẫn là người học phải đứng lên trình bày, và người học không hiểu thì không thể hoàn thành nhiệm vụ học tập, cũng không thể trả lời được những câu hỏi phản biện của thầy cô. ChatGPT cũng không thể thay thế được những tương tác trong học tập.
Như vậy, có thể thấy sự chuyển biến tất yếu của công nghệ và giáo dục, người thầy phải thay đổi trong cách dạy học, kiểm tra đánh giá, không còn cách nào khác.
Phóng viên: Nhiều khả năng của ChatGPT khiến con người phải kinh ngạc, cũng có người lo ngại, người học sẽ bị lệ thuộc vào công nghệ, trở nên lười tư duy, lười sáng tạo?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: ChatGPT cũng như những ứng dụng đã xuất hiện trước đây, nó sẽ cho thấy rõ ràng hơn, ai là người chăm chỉ và ai là người lười suy nghĩ.
Người chăm chỉ chịu khó thì sẽ biết tận dụng ChatGPT như một trợ lý học tập cho mình, giúp mình tư duy nhanh hơn, giải quyết vấn đề nhanh hơn, tìm kiếm tài liệu chọn lọc, thông minh và hiệu quả hơn. Còn người nào lười biếng sẽ bị lệ thuộc vào nó và không thể phát triển năng lực tư duy, sáng tạo.
Phóng viên: Thêm một vấn đề được đặt ra là làm sao để chống đạo văn khi người học được sử dụng ChatGPT, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Tôi được biết, đã và đang có những ứng dụng để phát hiện ra việc sử dụng phần mềm ChatGPT, có thể giờ nó chưa phổ biến nhưng rồi những phần mềm này sẽ phổ biến hơn, hoàn thiện hơn, giúp chúng ta giải quyết vấn đề này.
Tương tự như trước đây, Google, Wikipedia giúp cho người học tìm kiếm được tài liệu rất nhanh, nhiều người chỉ có copy thông tin để trả bài nhưng bằng phần mềm kiểm tra đạo văn như Turnitin, … thì chúng ta có thể phát hiện ra ai là người đạo văn.
Tương lai sẽ có những phần mềm hoàn thiện để nhận biết những bài văn, bài luận viết bằng ChatGPT.
Hơn nữa, qua trải nghiệm cá nhân những ngày qua khi tôi sử dụng ChatGPT có thể thấy, nội dung thông tin ChatGPT đưa ra không phải lúc nào cũng đúng, cũng chuẩn xác. Có những nội dung phần mềm AI này trả lời rất tốt, còn có những nội dung lại trả lời thiếu logic, thiếu tính thống nhất giữa các câu trả lời nếu bị hỏi dồn dập.
Vì thế mà người học dựa hoàn toàn vào nó là sai lầm, nó đưa ra thông tin nào cũng tin và chép vào bài thì kết quả có thể là một bài luận với nội dung ngô nghê, bất hợp lý. Lúc đó chẳng cần phần mềm nào mà chỉ cần người thầy đọc kỹ cũng sẽ nhìn ra ngay.
Vậy điều quan trọng là trước một sản phẩm công nghệ thông minh thì khi đó con người cũng cần phải thông minh hơn để xử lý nó, mình cần nhìn nó như một công cụ hỗ trợ cho học tập, công việc.
Tất nhiên về mặt quản lý thì các nhà trường cũng cần phải có những điều chỉnh về mặt quy chế đào tạo, quy chế người học để phù hợp với bối cảnh mới, chứ không thể dùng các phương thức cũ được.
Phóng viên: Vậy với đối tượng là học sinh phổ thông, ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở, có thể tính tự giác trong học tập chưa cao, ông nghĩ chúng ta có nên cấm các em dùng ChatGPT?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Không thể cấm các em sử dụng ChatGPT, như 25 năm trước có ý kiến cho rằng cần cấm sử dụng Google, nhưng không ai cấm được, mà chúng ta phải có hướng dẫn, để các em dùng ChatGPT một cách thông minh, hiệu quả.
Tôi lại cho rằng, chính những học sinh nhỏ tuổi, trong sáng lại có thể sử dụng tốt phần mềm công nghệ này cho học tập.
Chúng ta phải hiểu, các bạn trẻ sinh ra trong thời đại công nghệ cũng giống như con cá được sinh ra dưới nước thì cá phải biết bơi, chúng ta không thể cấm các em sử dụng ChatGPT được, các em được sống và sử dụng công nghệ chứ không thể cô lập nó. Nên có biện pháp sử dụng phù hợp.
Ví dụ, khi tôi ở vị trí của một người học, thay vì học nhóm với bạn bè thì tôi học nhóm với ChatGPT, có thể ChatGPT sẽ phát triển thành một phiên bản trao đổi bằng lời nói, giao tiếp với tôi, tôi hoàn toàn có thể học tập cùng ChatGPT.
Quá trình học hỏi, trao đổi và nhận được câu trả lời từ AI, có lúc tôi sẽ dừng lại để tra cứu thông tin đã nhận được và hỏi lại nó, như vậy có phải là chúng ta đang thay đổi hành vi dạy và học không?
ChatGPT có thể trở thành người bạn học với chúng ta như người bạn học bình thường khác, hai người trao đổi không phải nội dung nào cũng đúng, việc chúng ta hiểu nhầm, hiểu sai là bình thường, ChatGPT cũng có thể hiểu sai vấn đề nào đó, nhưng việc nó cung cấp, trao đổi thông tin cùng mình đã là tốt rồi.
Nhiệm vụ của người học là phải biết cách kiểm tra thông tin, từ đó nâng cao năng lực học tập của mình, năng lực phát hiện vấn đề, kiểm chứng thông tin, và nhớ đừng vội tin ChatGPT.
Tôi nghĩ tới một thời điểm nào đó, thay vì chúng ta hỏi nhau “đã Google chưa” thì chúng ta sẽ hỏi "đã ChatGPT chưa”. Trong bối cảnh đó, có thể ChatGPT sẽ trở thành một công cụ không thể thiếu trong hoạt động dạy và học hằng ngày, điều này là một xu hướng tốt.
Phóng viên: Ở những nền giáo dục trên thế giới, họ tiếp nhận sản phẩm công nghệ ChatGPT này như thế nào, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Thời gian qua, đã có những phản ứng khác nhau trên toàn thế giới và hầu hết mọi người đều tỏ ra kinh ngạc trước khả năng trả lời câu hỏi, tương tác, giải quyết vấn đề của ChatGPT.
Hiện có nhóm ủng hộ chào đón công nghệ này, có nơi lại dè dặt với nó, có nơi đưa ra những thay đổi quy chế về đạo đức học thuật, đạo đức dạy và học sao cho phù hợp với sự ra đời của ChatGPT
Các nhà nghiên cứu, các hiệp hội ở các quốc gia cũng đã liên kết, có nhiều diễn đàn trao đổi, thảo luận về tác động sản phẩm công nghệ này đối với giáo dục.
Chúng ta đang rơi vào bối cảnh công nghệ đi trước khiến con người phải chạy theo sau.
Tôi tin trong suốt năm 2023 đến 2024, câu chuyện này vẫn còn nóng, ChatGPT sẽ còn vận động thay đổi, sẽ khác qua từng ngày, ChatGPT của ngày mai sẽ có thể rất khác ChatGPT của ngày hôm nay. Cũng như Google hiện nay rất khác Google hồi mới ra đời. Chính vì vậy, mọi ngành đều đang nghĩ cách sử dụng và kiểm soát nó một cách hiệu quả, hợp lý nhất.
Phóng viên: Tương lai có thể có những phiên bản ChatGPT hoàn thiện hơn, thông minh hơn. Vậy người thầy phải thay đổi như thế nào nếu không muốn bị công nghệ “vượt mặt”?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Người thầy phải học tập suốt đời, tìm cách sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ hoạt động dạy và học, nghiên cứu chứ không lệ thuộc vào nó.
Ví dụ giáo viên hỏi ChatGPT mẫu đề cương môn học nào đó, câu trả lời nhận được từ ChatGPT, người thầy chỉ dùng để tham khảo thôi, từ đó, với chuyên môn, vận dụng năng lực và sự sáng tạo của mình để điều chỉnh cho phù hợp. Như vậy, ChatGPT đã hỗ trợ công việc của người thầy một cách nhanh hơn. Nhưng đó cũng chỉ là kiến thức của AI nên người thầy phải biến thông tin mình nhận được thành sản phẩm của chính mình.
ChatGPT hữu ích, nhưng nếu lười không nghiên cứu và sử dụng nó đúng cách thì sẽ phụ thuộc vào nó và không thể phát triển bản thân.
Như chính tôi cũng đang điều chỉnh lại cách làm việc của mình khi có sự hiện diện của ChatGPT, tôi phải tập sử dụng hằng ngày để tìm được phương thức phù hợp nhất cho việc giảng dạy và nghiên cứu của mình. Cá nhân tôi chưa tìm được phương thức cuối cùng nhưng cũng đã rút ra được một số cách làm mới phù hợp hơn.
Như vậy, người thầy cần thay đổi hành vi dạy và tự học của chính mình.
Nếu dùng ChatGPT có chiến lược và suy nghĩ, biết tư duy và sáng tạo thì hiệu quả học tập, làm việc sẽ tăng lên, tiết kiệm được thời gian hơn rất nhiều.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Phạm Hiệp!