CTGDPT mới ngăn được tình trạng "học tủ", giảm thiểu đáng kể dạy thêm, học thêm

22/02/2023 06:44
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo các giáo viên, chương trình GDPT 2018 sẽ ngăn được tình trạng “học tủ”, “học vẹt” và giảm thiểu tình trạng dạy thêm - học thêm tiêu cực tràn lan.

Không còn “học tủ”, “học vẹt”

Đánh giá về sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô giáo Bùi Thị Hồng Yến - giáo viên môn Ngữ văn (Trường Trung học cơ sở Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Điểm khác nhất là nếu như trước đây lấy sách giáo khoa làm trung tâm, thì bây giờ chương trình là trung tâm, và chương trình mới thiên về phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh.

Đối với chương trình cũ, học sinh đã học những tác phẩm nào có thể đề thi sẽ ra đúng vào một trong những bài đó, có tình trạng học thuộc văn mẫu, “học vẹt”, “học tủ”...

Tuy nhiên, giờ đây, các con học một tác phẩm, có thể biết nhiều tác phẩm, học sinh sẽ phải học để hiểu vấn đề, để biết cách phân tích được vấn đề... Sau này, tiếp cận với các thể loại văn học khác, học sinh cũng có thể biết cách để đọc và hiểu văn bản đó, biết cách phân tích văn bản... Theo tôi, đây là điểm sáng đáng kể của chương trình giáo dục phổ thông mới, tạo cơ hội cho học sinh khai mở tư duy, tự do khám phá và phát triển năng lực của bản thân.

Giờ Ngữ văn đầy hấp dẫn của cô giáo Yến. Ảnh: NVCC.

Giờ Ngữ văn đầy hấp dẫn của cô giáo Yến. Ảnh: NVCC.

Trước đây, phương pháp dạy của giáo viên Văn khi lên lớp có thể chỉ thiên về hỏi - đáp, nhưng bây giờ, thầy cô có thể tổ chức cho học sinh nhiều hoạt động trong giờ học hơn, có thể áp dụng nhiều phương pháp mới như tổ chức trò chơi, tìm hiểu kiến thức thông qua trò chơi; hoặc giao bài tập dự án, cho học sinh. Sau khi tự tìm hiểu và chuẩn bị ở nhà, học sinh sẽ lên lớp trình bày, cuối cùng cô giáo sẽ “chốt” lại kiến thức, nhận xét, đánh giá.

Đồng thời, chúng tôi cũng có thể sử dụng “lớp học đảo ngược”, cho học sinh đứng lên trao đổi, thảo luận và có thể tổ chức những cuộc tranh biện ngay trong lớp. Giáo viên sau đó mới đứng ra giải quyết những vấn đề mà học sinh còn phân vân...

Bây giờ không thể có văn mẫu, không thể có tư duy lối mòn, học sinh học bài này nhưng kiểm tra bằng bài khác. Năng lực của học sinh phải rất chắc mới có thể giải quyết được, cũng nhờ vậy, học sinh để tâm hơn, và cũng thoải mái hơn khi được tham gia giờ học một cách chủ động hơn”.

Cô Yến đánh giá: “Với phương pháp dạy học như vậy, học sinh vui và hứng thú hơn rất nhiều, chương trình mới giúp phát huy được khả năng tư duy và phản biện của các em. Trước đây, khi chỉ truyền thụ kiến thức một chiều, nhiều khi học sinh còn e ngại không dám bày tỏ ý kiến.

Còn bây giờ, tôi thấy những chuyển biến rất rõ rệt. Học sinh được thoải mái bày tỏ ý kiến, phát huy rất tốt tư duy sáng tạo, tạo điều kiện và cơ hội cho học sinh nói lên tâm tư, suy nghĩ về vấn đề đang tìm hiểu.

Đây là một điểm khá hay, khi chương trình thiết kế cho học sinh học để áp dụng cho cuộc sống cho thực tiễn, chứ không phải học chỉ để biết và thậm chí có nơi là chỉ để thi như tình trạng trước đây”.

Về sách giáo khoa môn Tiếng Anh, cũng nhận được đánh giá tích cực của các giáo viên phổ thông.

Cô giáo Trần Thị Điều - giáo viên Tiếng Anh (Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng, Vĩnh Phúc) cho biết: “Sách giáo khoa môn Tiếng Anh mà chúng tôi đang dạy tính mô phạm khá cao nhưng rất dễ cho học sinh sáng tạo. Lượng bài tập thiết kế cũng vừa vặn hơn so với sách thí điểm trước đây, không còn gây lúng túng cho học sinh”.

Cùng quan điểm với cô Điều, cô giáo Phạm Thị Liên - giáo viên môn Tiếng Anh (Trường Trung học phổ thông Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cũng bày tỏ: “Sách giáo khoa chương trình mới riêng với môn Tiếng Anh qua quá trình giảng dạy, tôi đánh giá là rất hay, đặc biệt với bộ sách của chúng tôi, có phần project giống như một “điểm sáng”, tạo cơ hội cho học sinh được phát triển năng lực rất tốt, rèn cho học sinh nhiều kỹ năng: hợp tác, quản lý thời gian, kỹ năng thuyết trình, tự tìm kiếm thông tin và rèn tư duy sáng tạo...”.

Giờ Tiếng Anh kết nối không biên giới của cô Phạm Thị Liên. Ảnh: NVCC.

Giờ Tiếng Anh kết nối không biên giới của cô Phạm Thị Liên. Ảnh: NVCC.

“Ngoài ra, sách giáo khoa cũng có những phần giảm tải đáng kể về lượng kiến thức và dung lượng bài cho học sinh so với bộ thí điểm trước đó, phù hợp với độ tuổi. Thiết kế nội dung sách cũng giúp giáo viên dễ dàng hình dung và thiết kế bài giảng một cách thuận lợi, rõ ràng, cụ thể và hiệu quả.

So sánh với học sinh các khóa trước, tôi thấy các em học chương trình giáo dục phổ thông 2018 năng động hơn rất nhiều, vì chương trình mới được thiết kế theo đường hướng giáo tiếp, học sinh được học các kỹ năng nhiều hơn, thay vì sách cũ trước đây là tập trung chủ yếu vào giải quyết các bài tập, ngữ pháp...” - cô Liên chia sẻ thêm.

Cô Liên đánh giá, so với học sinh các khóa trước, các em học chương trình giáo dục phổ thông 2018 năng động, sáng tạo hơn rất nhiều. Ảnh: NVCC.

Cô Liên đánh giá, so với học sinh các khóa trước, các em học chương trình giáo dục phổ thông 2018 năng động, sáng tạo hơn rất nhiều. Ảnh: NVCC.

Góp phần giảm tình trạng dạy thêm - học thêm tiêu cực

Theo cô giáo Bùi Thị Hồng Yến, với những điểm sáng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, chắc chắn sẽ giảm được tình trạng dạy thêm - học thêm tiêu cực.

Cô Yến phân tích: “Trước đây, học sinh được những học tác phẩm nào thì có thể thi trúng một trong số các tác phẩm ấy. Vậy nên, các lớp học thêm mới cho học sinh ôn đi ôn lại những đề thi xunh quanh các tác phẩm đó, thậm chí có em có thể chỉ học thuộc lại các bài phân tích...

Còn như bây giờ, không thể biết học sinh sẽ thi vào bài nào, thì không thể có chuyện học sinh học thuộc văn mẫu như trước nữa.

Các thầy cô ở trung tâm hay các thầy cô trước đây mở lớp học thêm tại nhà cũng không thể biết đề thi ở trường sẽ được ra như thế nào. Như tại Trường Trung học cơ sở Chương Dương, giáo viên chúng tôi không ra đề, mà đích thân Hiệu trưởng là người ra đề thi môn Văn, như vậy, sẽ không giáo viên nào có thể biết trước đề để cho học sinh học những dạng bài tương tự.

Toàn bộ giáo viên không ra đề nên cũng không có chuyện dạy thêm học thêm bao giờ. Mà giáo viên cũng không “ép” học sinh đi học thêm được vì không biết sẽ ra đề thi vào bài nào. Chính điều này đã góp phần giảm thiểu được vấn đề dạy thêm, học thêm”.

Đối với môn Tiếng Anh, cô giáo Phạm Thị Liên cũng cho rằng: “Chương trình mới, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ của học sinh không còn tập trung vào những kiến thức nhận biết như trước đây, mà theo các tiêu chí đánh giá theo mức độ nhận thức của các em từ nhận thức, thông hiểu, vận dụng, học sinh phải đánh giá được, phải sáng tạo được... Giáo viên bây giờ chủ yếu đánh giá học sinh qua các dự án, các sản phẩm, nên học sin không có chuyện chăm chăm chờ nhận điểm tốt từ việc đi “luyện đề” ở lớp học thêm như trước đây”.

Cô Trần Thị Điều nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, các em học sinh nếu cần đi học thêm cũng chỉ là học thêm về kỹ thuật làm bài cho đúng, cho chuẩn, chứ không phải đi “luyện trước đề” như trước đây.

Cô giáo Trần Thị Điều - giáo viên Tiếng Anh (Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng, Vĩnh Phúc).

Cô giáo Trần Thị Điều - giáo viên Tiếng Anh (Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng, Vĩnh Phúc).

Bởi vì cũng giống môn Ngữ văn, đề thi Tiếng Anh cũng không có chuyện đưa dữ liệu giống hoàn với những gì được học, kể cả bài nghe, với cùng những cụm từ đó, nhưng nội dung bài nghe trong đề thi sẽ khác đi, buộc học sinh phải hiểu, phải tư duy, không thể nào có chuyện đi học thêm để “học tủ” đề.

Như vậy, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng dạy thêm - học thêm ồ ạt, tràn lan, tiêu cực như trước đây”.

Mộc Trà