Ngày 6/3, hơn 700 học sinh Trường Trung học phổ thông Mỏ Trạng (xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, Bắc Giang) đã tham gia buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kì cách mạng 4.0” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng nhà trường tổ chức.
Diễn giả chính của buổi hội thảo là Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú.
Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Cơ hội và thách thức
Mở đầu buổi Hội thảo, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú đã chia sẽ cơ hội và thách thức trong thời đại cách mạng 4.0, cùng với những ví dụ thực tế.
Cách mạng công nghệ 4.0 đã thay đổi, tạo ra nhiều sự thay thế đặc biệt. Ví như câu chuyện thời sự đang được bàn luận sôi nổi thời gian gần đây là sự ra đời của Chat GPT. Nó có thể làm được những bài luận văn, trả lời nhanh rất nhiều vấn đề được nêu ra. Điều này khiến nhiều quốc gia phải ra lệnh cấm sử dụng công cụ này trong trường học. Bên cạnh đó, Chat GPT cũng có thể khiến nhiều ngành nghề biến mất như nghề luật sư, giáo viên khi Chat GPT có thể giải quyết tình huống cho người dùng.
Những ánh mắt chăm chú của học sinh theo dõi diễn giả. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Bên cạnh những mặt tích cực của Chat GPT, Nhà văn Hoàng Anh Tú cũng nêu về hạn chế của ứng dụng này đó là về cảm xúc, điều chỉ có con người mới làm được.
“Theo như tôi được biết, đến năm 2030 sẽ có hơn 80% nghề nghiệp mới. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ có nhiều sự thuận lợi với học sinh ở thành phố. Liệu các em đã biết sự biến động đó sẽ tác động như nào đến mình?
Hiện nay, chúng ta thấy nhiều nghề nghiệp rất hot và lựa chọn nó để học. Tuy nhiên khi các bạn ra trường, liệu nó còn hot”, diễn giả Hoàng Anh Tú nêu vấn đề.
Nhà văn Hoàng Anh Tú lấy ví dụ, trong tương lai gần, những lao động phổ thông sẽ được thay thế bằng rô bốt. Bản thân ông từng được đến công ty Sam Sung và được biết, nếu như trước đây một dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại cần 100-200 công nhân thì nay chỉ cần 1-6 người, bởi máy móc đã thay thế rất nhiều phần việc của công nhân.
Nên học nghề hay đi xuất khẩu lao động?
Nhà văn Hoàng Anh Tú nêu một ví dụ thực tiễn hiện nay đối với nhiều em học sinh khi tốt nghiệp trung học phổ thông muốn đi xuất khẩu lao động.
Theo đó, ông đánh giá việc các em chỉ nghĩ đến khi ra trường đi xin việc ở đâu đó để đi làm bằng sức khoẻ, tuổi trẻ chưa chắc đã tốt.
“Nếu các em đi xuất khẩu lao động, có thể sẽ mang về một số tiền lớn để xây nhà… Tuy nhiên, chưa chắc các em đã có một nghề trong tay. Nếu các em có lựa chọn nào đi chăng nữa, các em cần phải nhớ rằng, người lao động có thể cạnh tranh với bản thân các em không phải bạn bè mà đó chính là những người lao động ở các quốc gia khác, cùng với đó là máy móc. Hoặc đó cũng có thể là những hình thức làm việc từ xa trong tương lai, khi các em có thể ở Việt Nam nhưng làm tại các công ty ở Mỹ, Anh…. Nhưng hiện tại đã hiện hữu hình thức làm việc này, vì vậy các em cần phải có tư duy công dân toàn cầu và nên tìm hiểu về nó”, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú nói.
Nữ sinh Ngọc Ánh (lớp 12 A1) cho biết, bản thân em định hướng muốn theo ngành tiếng Trung để sau làm công việc phiên dịch viên. Đây cũng là chủ đề được diễn giả nhắc đến trong chương trình. |
Diễn giả Hoàng Anh Tú cho rằng, một trong những kĩ năng trong thời đại 4.0 các em cần có là xây dựng trí tuệ, quản lý cảm xúc của bản thân. Muốn có một trí tuệ cảm xúc, các em cần phải nhớ là sự biết ơn, hiểu bản thân nhiều hơn. Các em phải học, học không chỉ trong trường lớp mà còn là lắng nghe, học hỏi từ những người khác. Các em phải có ước mơ để hướng tới.
Diễn giả Hoàng Anh Tú chia sẻ với học sinh. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Nghề sửa xe máy năm 2030-2040 liệu còn “hot”?
Đó là câu hỏi của em Nguyễn Dương Tuấn Anh (lớp 12A5) đặt ra với diễn giả Hoàng Anh Tú trong phần trao đổi. Trả lời câu hỏi này, diễn giả Hoàng Anh Tú cho hay, Việt Nam hiện đứng thứ tư thế giới về số lượng xe máy theo xếp hạng: Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam. Nghề này đến nay vẫn rất ổn định và “hot” và được nhiều người lựa chọn để mưu sinh.
Tuy nhiên, ông đánh giá đến tương lai xa, nghề sửa xe máy có thể sẽ không còn “hot” với xã hội.
Em Nguyễn Dương Tuấn Anh (lớp 12A5) đặt câu hỏi với Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú. |
“Tôi sợ rằng, nghề sửa xe máy sẽ không còn hot nữa. Bởi theo kế hoạch của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2030 sẽ hạn chế xe máy trong nội đô”, diễn giả nói.
Tuy nhiên, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng nhận định, với nghề trên, nếu các em có tay nghề giỏi sẽ có thể làm việc tại bất cứ nơi đâu, kể cả các quốc gia khác. Ông cũng gợi mở cho nam sinh, có thể học nghề cơ khí sửa chữa thiết bị máy móc, vì khi có nền tảng kỹ thuật, người lao động sẽ dễ thành công và làm được nhiều việc liên quan đến ngành kỹ thuật.
“Tôi đánh giá cao sự rõ ràng của bạn Tuấn Anh về tương lai của bản thân. Điều này giúp Tuấn Anh dễ thành công hơn với những bạn còn mơ hồ kế hoạch của mình", vị diễn giả động viên học sinh.
Trong buổi trò chuyện, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng tư vấn những thắc mắc của nữ sinh Trần Thị Hồng Loan (lớp 10) về dự định du học Hàn Quốc.
Nữ sinh Hồng Loan đặt câu hỏi cho diễn giả. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Chia sẻ về băn khoăn của Hồng Loan, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, việc sang Hàn Quốc du học là dự định tốt nhưng điều chúng ta cần quan tâm là học hỏi thế mạnh của quốc gia này, ví như về lĩnh vực mỹ phẩm…
“Hiện nay, em đang học lớp 10 vẫn còn rất nhiều thời gian. Tôi cũng mong em có thể chuẩn bị được hành trang để đến Hàn Quốc với kỹ năng của cách mạng 4.0 đó là team work – kết nối bạn bè. Ngay ở trong lớp em, có những bạn muốn du học Hàn Quốc, em có thể cùng chia sẻ ước mơ đó với họ. Và hôm nay khi em chia sẻ điều này, các bạn có thể sẽ kết nối với em để cùng nhau tìm được những thông tin bổ ích về đất nước này”, diễn giả chia sẻ.
Một số hình ảnh trong và ngoài buổi hội thảo:
Thầy Vũ Đình Nghiệp - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Mỏ Trạng cho biết, nhà trường hằng năm tuyển sinh lớp 10 với hơn 200 học sinh và phần đông các em là dân tộc thiểu số. Số học tham dự xét tuyển đại học khi học hết lớp 12 khoảng 30% số học sinh; 30% học sinh có nhu cầu đi du học và học nghề và số học sinh còn lại là ở nhà lao động sản xuất. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Trong phần trò chuyện với học sinh, nam sinh Tùng Dương tạo ra tiếng cười cho mọi người, xoá đi khoảng cách rụt rè của các bạn. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Học sinh Trung học phổ thông Mỏ Trạng đã có một buổi hội thảo hữu ích. |
Học sinh Trung học phổ thông Mỏ Trạng hào hứng với các nội dung chia sẻ hữu ích tại buổi hội thảo. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Thầy Vũ Đình Nghiệp - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Mỏ Trạng tặng hoa cảm ơn diễn giả và gửi lời cảm ơn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa buổi hội thảo ý nghĩa này đến học sinh của trường. (Ảnh: Mạnh Đoàn) |