Lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ với hiệu trưởng, hiệu phó có dư luận xấu là xác đáng

17/03/2023 06:35
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  "Tôi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ quản lý trong ngành giáo dục cần được thực hiện thường xuyên hơn", PGS, TS Đặng Quốc Bảo nói.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, đề xuất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những trường hợp cán bộ quản lý trong thời gian công tác có giảm sút về uy tín, điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành giáo dục

Đề xuất này của của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Các ý kiến cho rằng, đối với những trường hợp cán bộ quản lý trong thời gian công tác có giảm sút về uy tín, điều hành công việc nhà trường thiếu hiệu quả, có dư luận xấu kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của trường và ngành giáo dục thì việc lấy tín nhiệm là một kênh để tham khảo liên quan sắp xếp, tổ chức cán bộ hiệu quả.

Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, nên mở rộng với tất cả hiệu trưởng và các địa phương khác có thể nghiên cứu triển khai.

Đánh giá về đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo cơ sở giáo dục không chỉ là lấy sớm, thực hiện vào nửa nhiệm kỳ, nếu có điều kiện thì việc này cần làm thường xuyên hơn.

Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho biết: "Theo tôi, đề xuất trên của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Hơn nữa, tôi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ quản lý trong ngành giáo dục cần được thực hiện thường xuyên hơn chứ không hẳn theo cách làm "truyền thống" là vào cuối nhiệm kỳ của người đó như trước đây.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục). Ảnh: Phạm Minh

Bên cạnh đó, lấy phiếu tín nhiệm là lấy chung, cũng không nên xét đến trường hợp người đó là hiệu trưởng mới hay là người đã có thâm niên hay có dư luận xấu hay không. Bởi lẽ, đã đứng chân ở vị trí là lãnh đạo một cơ sở giáo dục thì bắt buộc người đó phải có tâm, có tầm và năng lực thực sự.

Nếu cán bộ lãnh đạo đó đi lên bằng con đường chạy chọt, quan hệ thì có thâm niên công tác bao nhiêu lâu đi nữa thì năng lực cũng chỉ có ở mức đó. Về điều này, thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn, thường xuyên hơn sẽ sớm phát hiện và bộc lộ được năng lực thực sự của người đó. Thông qua đó, các cơ quan quản lý cũng sẽ có được cái nhìn khách quan hơn khi thực hiện việc đánh giá và lựa chọn cán bộ".

Về việc này, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cũng nêu ra một số nhận định về công tác lấy phiếu tín nhiệm hiện nay. Theo đó, vị này cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn còn bất cập, chưa đảm bảo tính "tường minh, công tâm". Đây là điều khiến cho việc căn cứ vào lá phiếu tín nhiệm để nhận xét, đánh giá về các cán bộ lãnh đạo chưa thực sự khách quan.

"Trên thực tế, có những cán bộ quản lý có năng lực quản trị đồng tiền rất tốt, nhưng công tác lãnh đạo con người, quản lý công việc lại không được đồng nghiệp đánh giá cao. Từ đó nảy sinh ra việc lãnh đạo chèn ép, thậm chí là trù dập cấp dưới để tạo ra sức ép với đồng nghiệp trong những lần thực hiện công tác lấy phiếu tín nhiệm.

Vì vậy, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có ý tưởng đưa ra đề xuất về lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn so với cách làm "truyền thống" thì cũng cần tính đến các phương án để việc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan nhất.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có các phương án bảo vệ người cương trực, dám nói thẳng, nói thật về lãnh đạo của mình. Đồng thời, cũng cần có thêm nhiều kênh thông tin để các giáo viên có thể yên tâm chia sẻ, đóng góp và ý kiến về các lãnh đạo của mình", Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

Liên quan đến có ý kiến đề xuất nên lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ với tất cả lãnh đạo nhà trường thay vì khu biệt trường hợp và nên mở rộng các địa phương khác, thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang cho rằng, đặc thù ngành của mỗi địa phương là khác nhau, thâm niên của lãnh đạo các trường cũng khác nhau nên việc lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ chưa hẳn đã đánh giá thực chất được uy tín của cán bộ đó.

Chia sẻ thêm về nhận định này, thầy Bắc cho biết thêm: "Mức độ làm việc, hiệu quả điều hành công việc của từng cán bộ quản lý nó phụ thuộc và bị chi phối rất nhiều bởi đặc thù của mỗi địa phương, vào loại hình quản lý. Vì thế, mức độ về thành tích, năng lực thể hiện của cán bộ đó cũng dưới con mắt đồng nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi điều này.

Hơn nữa, theo đặc thù từng cơ sở giáo dục có thể cán bộ đó luôn phấn đấu cho tập thể đó tốt lên nhưng do nhiều yếu tố chi phối nên trong nửa nhiệm kỳ chưa thể đưa tập thể đó đi lên như mong muốn.

Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NTCC

Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang.

Ảnh: NTCC

Bên cạnh đó, với cán bộ quản lý có thâm niên công tác lâu năm thì việc lấy tín nhiệm cũng sẽ phải khác so với cán bộ trẻ, mới được bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu.

Với người đã có thâm niên làm công tác quản lý khi luân chuyển hay bố trí họ ở một cơ quan nào thì chỉ cần 1 đến 2 tháng là có thể bắt nhịp và điều hành công việc ở cơ sở mới một cách thành thạo, trơn tru vì họ đã có kỹ năng và phương pháp lãnh đạo điều hành.

Tuy nhiên, với các cán bộ quản lý mới được bổ nhiệm làm việc ở các khóa đầu thì cần phải có thời gian và nhiều yếu tố khác để họ có thể bắt nhịp và tạo ra sự gắn kết với đồng nghiệp trong cơ quan. Tất nhiên, họ không thể nhanh chóng "vào guồng" như các cán bộ có thâm niên được.

Việc lấy phiếu tín nhiệm trong khoảng thời gian chưa đủ để họ thể hiện năng lực, phẩm chất và uy tín của họ với đồng nghiệp có thể là một thiệt thòi với các cán bộ là lãnh đạo cơ sở giáo dục khi mới bổ nhiệm ở khóa đầu.

Vì thế, theo tôi trong việc đề xuất lấy phiếu tín nhiệm giữa kỳ đối với lãnh đạo nhà trường cũng cần căn cứ theo thâm niên làm công tác quản lý của cán bộ đó nữa thì sẽ hợp lý hơn".

Ngoài ra, theo vị Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Giang, khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo cách "truyền thống" là vào cuối nhiệm kỳ, nó cũng có một số ưu thế nhất định.

"Việc lấy phiếu tín nhiệm nếu thực hiện vào cuối nhiệm kỳ để chuẩn bị chuyển giao sang nhiệm kỳ mới chính là thời gian "đủ chín" để cán bộ quản lý đó có cơ hội để thể hiện tài năng, bản lĩnh của mình.

Với lãnh đạo các cơ sở giáo dục mới làm ở nhiệm kỳ đầu thì trong thời gian nửa nhiệm kỳ chưa nói được điều gì và có thể đồng nghiệp chưa đủ hiểu để đánh giá chính xác về uy tín cũng như năng lực của người đó.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm làm công tác quản lý và phụ trách ở nhiều trường học khác nhau tôi thấy, việc thực hiện lấy phiếu khi thực hiện trong thời gian giữa nhiệm kỳ là sớm quá.

Bởi lẽ, trong quá trình làm việc, theo đặc thù từng trường, có sự vất vả, áp lực công việc khác nhau, trong khi lãnh đạo cơ sở giáo dục mới tiếp cận công việc thì để vận hành được, để cấp dưới nhìn thấy được hiệu quả và có sự đánh giá cao về mình cũng là điều rất khó khăn".

Qua đó, thầy Bắc cũng nêu lên một số nhận định và nảy sinh bất cập nếu thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo cơ sở giáo dục vào giữa nhiệm kỳ. Vị này cho rằng, nếu việc này làm "mạnh" quá thì lại có nhiều ý kiến trái chiều, nếu rụt rè thì gây chậm chạp chưa tạo ra sự đột phá để cán bộ đó bộc lộ được khả năng của mình.

"Thậm chí, nếu quá vội vàng trong việc lấy phiếu tín nhiệm có thể không đạt được kỳ vọng như mong muốn, ngược lại còn khiến cho lãnh đạo đó luôn trong tư tưởng làm "đối phó", làm chỉ để "lấy phiếu", không thực sự chuyên tâm vào công việc chuyên môn", vị Hiệu trưởng thông tin thêm.

Nêu lên một số kinh nghiệm để các lãnh đạo cơ sở giáo dục luôn giữ vững được sự tín nhiệm của tập thể, không phải lo lắng đến kết quả qua những lá phiếu, thầy Bắc cho rằng: "Trong chuyện này, điều căn bản vẫn là năng lực thực sự của cán bộ quản lý đó. Cụ thể, khi giao nhiệm vụ thì người đó có thực hiện được hay không.

Hơn nữa, đã là lãnh đạo thì cần tâm huyết và công tâm trong công tác lãnh đạo chung và phải có trình độ, tư duy để xử lý công việc. Nếu hội tụ đủ yếu tố này thì phương pháp điều hành, lãnh đạo của người đó cũng tự nhiên được đồng nghiệp đánh giá cao".

Trung Dũng