Có nơi sau 4 năm triển khai học bạ, sổ điểm điện tử GV mới có chữ ký số

29/03/2023 06:46
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Triển khai học bạ điện tử, trường sử dụng song hành 2 cấu hình nhập điểm cho học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018. 

Hiện nay các trường học đang quyết liệt triển khai học bạ điểm tử, sổ điểm điện tử. Tuy nhiên, một số lãnh đạo nhà trường đặt vấn đề khi triển khai thống nhất học bạ điện tử dùng chung cả nước cần phải đảm bảo yếu tố liên thông.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Ngọc Quang – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Tam Giang Tây (tỉnh Cà Mau) chia sẻ, học bạ, sổ điểm điện tử được nhà trường triển khai từ năm 2018, nhưng phải đến năm học 2022-2023, nhà trường mới có chữ ký số giáo viên, từ đó không cần phải in ra giấy và ký tay như trước. Song, nhà trường vẫn phải phô tô học bạ điện tử để học sinh thực hiện tuyển sinh vào lớp 10, hoặc chuyển trường ngoài tỉnh.

Hiện học sinh lớp 6, 7 học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, còn học sinh lớp 8, 9 vẫn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Việc thực hiện nhập điểm đối với học sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình 2006, thầy Quang cho rằng không khác nhau nhiều.

Cụ thể, hiện trường vẫn sử dụng song hành 2 cấu hình nhập điểm cho học sinh. Ví dụ, với lớp 8, 9 nhà trường cho điểm học sinh trên học bạ điện tử cấu hình theo chương trình 2006. Còn các lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 sử dụng học bạ điện tử cấu hình phù hợp.

"Phần mềm quản trị nhà trường có tích hợp các modul học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Đầu năm học, nhà trường xây dựng quy chế về sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, trong đó, lãnh đạo nhà trường có thao tác chốt khoá thời gian nhập điểm. Kết thúc lớp 9, nhà trường phô tô học bạ cho học sinh do dữ liệu các cấp học chưa liên thông được với nhau”, thầy Quang cho biết.

Sử dụng học bạ điện tử cũng đặt ra thách thức đối với trường, thầy Quang cho biết:

Thứ nhất, trường chưa có viên chức công nghệ thông tin. Trong đề án bố trí việc làm có vị trí biên chế viên chức công nghệ thông tin nhưng trường không tuyển được nên lãnh đạo trường, hoặc giáo viên phải kiêm nhiệm, hiệu quả ứng dụng không cao.

“Với đơn vị ở vùng sâu vùng xa như nhà trường thì càng khó tuyển dụng vị trí viên chức công nghệ thông tin (do thiếu nguồn tuyển) nên trường vẫn đang trống vị trí này”, thầy Quang nói.

Thứ hai, giữa các cấp học chưa liên thông dữ liệu học bạ điện tử.

Nếu đã số hoá thì phải đồng bộ giữa các cấp để việc gửi và nhận dữ liệu thuận lợi. Cấp tiểu học đẩy được lên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, rồi dữ liệu chung của Bộ. Ngoài ra, giữa các huyện trong tỉnh hiện chưa thống nhất sử dụng phần mềm học bạ điện tử nào nên khó kết nối.

Do đó thầy Quang cho rằng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có hệ thống học bạ điện tử triển khai đồng bộ, thống nhất cả nước, thì yêu cầu phải liên thông được với nhau. Nếu không thì việc nhập lại toàn bộ điểm của học sinh vào phần mềm học bạ điện tử của Bộ là cả một vấn đề. Bên cạnh đó, đơn vị cung cấp học bạ điện tử hiện nay có trách nhiệm bảo đảm cho dữ liệu, phần mềm liên thông được với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, việc sử dụng chữ ký số đủ điều kiện để học bạ điện tử có giá trị, được chấp nhận trong tỉnh. Song, thực tế, có một số đơn vị trường ngoài địa bàn tỉnh, hoặc các cấp học cao hơn không tiếp nhận dữ liệu học bạ điện tử mà vẫn yêu cầu học sinh nộp bản phô tô học bạ giấy.

Còn thầy Lại Mạnh Tường – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở xã Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) cho biết, một số phụ huynh khi nhận mã học tập theo dõi học bạ điện tử của con em còn lúng túng. Hiện các tỉnh chưa đồng bộ dữ liệu học bạ điện tử nên một số học sinh chuyển sang trường ở tỉnh khác gặp nhiều khó khăn.

Theo thầy Tường, trường sử dụng học bạ, sổ điểm điện tử từ 5-6 năm trước với mục đích quản lý điểm, nhưng đánh giá tổng kết hàng năm vẫn phải phô tô bảng điểm ra, giáo viên ký. Còn từ năm học 2020-2021 khi có đầy đủ chữ ký số nên mới chính thức vận hành công nghệ số, thực hiện các giao dịch, lưu hành hồ sơ trên không gian mạng.

"Được Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo quyết liệt nhưng việc sử dụng chữ ký số còn vướng mắc, giáo viên chưa quen nên vẫn cần thời gian và hướng dẫn của đơn vị cung cấp phần mềm.

Ngoài ra, việc sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử và sổ liên lạc điện tử của trường hiện nay là dịch vụ nên nguồn kinh phí vận động đều từ xã hội hoá.

Về lâu dài, nếu số hoá ngành giáo dục thì nên đưa học bạ, sổ điểm điện tử và sổ liên lạc điện tử vào danh mục cần đầu tư tổng thể, cấp kinh phí cho các trường triển khai", thầy Tường chia sẻ.

Cũng theo thầy Tường, hiện, các đơn vị cung cấp phần mềm học bạ điện tử trên địa bàn đang chồng chéo. Do đó, học sinh của trường chuyển sang trường khác không sử dụng chung phần mềm học bạ điện tử thì cũng không kết nối được dữ liệu.

“Đối với những trường hợp không đồng bộ, trường tiếp nhận học sinh phải nhập lại dữ liệu nên rất vất vả trong công tác quản lý học bạ điện tử", thầy Tường chia sẻ thêm.

Ngọc Mai