Có nơi khối lớp 10, 11 sử dụng học bạ điện tử nhưng khối 12 vẫn dùng học bạ giấy

24/03/2023 06:37
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với bậc trung học phổ thông, đến nay ở một số nơi, học bạ điện tử vẫn chưa được triển khai toàn diện trên cả 3 khối 10, 11, 12.

Đề án 06 của Chính phủ về việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (ban hành cùng Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ), yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về Giáo dục và Đào tạo (cơ sở dữ liệu ngành).

Theo đó, ngành giáo dục các địa phương trên cả nước đều đang ráo riết thực hiện việc triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học.

Từng bước triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học

Ông Nguyễn Thế Bình - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) cho biết, đơn vị này đã tiến hành triển khai đồng bộ sổ điểm điện tử, học bạ điện tử từ năm học 2022-2023 sau khi đã có thí điểm ở một số cơ sở giáo dục.

Trường Tiểu học Mỹ Hương (thành phố thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Fanpage nhà trường

Trường Tiểu học Mỹ Hương (thành phố thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Fanpage nhà trường

“Đến nay, công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học đang được ngành giáo dục địa phương triển khai quyết liệt.

Hiện nay các trường học trên địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đều đã đưa vào sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; mọi công tác triển khai đều diễn ra khá thuận lợi, đến thời điểm này Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng chưa nhận được phản ánh về khó khăn nào trong triển khai của các đơn vị”, ông Bình chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Khoảng hơn 1.300 học sinh Trường Tiểu học Mỹ Hương (thành phố thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận) đã chính thức sử dụng sổ điểm điện tử và học bạ điện tử từ học kì 1 năm học 2022-2023. Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường đánh giá công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học tại trường đang được tiến hành khá thuận lợi và được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ nhân viên, học sinh và phụ huynh.

“Trường chúng tôi đang sử dụng phần mềm do Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp, và hệ thống luôn được cải tiến, hoàn thiện hàng ngày nên quá trình triển khai của các thầy cô khá thuận lợi. Mặc dù thời gian đầu có thể sẽ có một số giáo viên e ngại vì mất nhiều thời gian tập huấn, làm quen với công nghệ mới,... tuy nhiên đến nay mọi công việc đều đang được thích ứng rất tốt”.

Theo cô Thanh, việc sử dụng sổ điểm điện tử và học bạ điện tử trong dạy học giúp các thầy cô giáo tiết kiệm được rất nhiều thời gian và đơn giản hóa các công việc.

Tuy nhiên, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục tại địa phương vẫn đang trong quá trình từng bước nâng cấp và hoàn thiện, nhiều nội dung công việc trong quản lý dạy và học vẫn chưa kịp ứng dụng chuyển đổi.

Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Hương (thành phố thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Fanpage nhà trường

Học sinh Trường Tiểu học Mỹ Hương (thành phố thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). Ảnh: Fanpage nhà trường

Cụ thể, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Hương cho biết, việc liên lạc với phụ huynh tại trường vẫn đang tiến hành theo hình thức truyền thống.

Do vậy, các thầy cô giáo trong trường đang đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét nghiên cứu bổ sung phần liên lạc điện tử để mọi công tác quản lý dạy và học được số hóa đồng bộ.

30% phụ huynh không sử dụng sổ liên lạc điện tử

Đối với bậc trung học phổ thông, đến nay ở một số nơi, học bạ điện tử vẫn chưa được triển khai toàn diện trên cả 3 khối 10, 11, 12. Cụ thể, trao đổi với phóng viên, thầy Trần Việt Quốc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bác Ái (Ninh Thuận) cho biết:

“Nhà trường đã đồng bộ cơ sở dữ liệu và đưa vào sử dụng học bạ điện tử cho khối lớp 10 và lớp 11 từ 2 năm nay. Tuy nhiên, đối với khối lớp 12, do các em đã sử dụng sổ học bạ giấy từ năm lớp 10 nên nhà trường quyết định tiếp tục sử dụng cho đến hết năm học này; sau khi kết thúc khóa với khối lớp 12 hiện tại, trường sẽ tiến hành đồng bộ sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử trên cả 3 khối”.

Quy trình thu thập, hoàn chỉnh thông tin căn cước cá nhân của học sinh khối 12 đến nay cũng đã hoàn tất, đảm bảo đầy đủ mọi điều kiện cho các em tham gia kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.

Đối với dữ liệu của cán bộ nhân viên, hiện nhà trường vẫn đang tiến hành thu thập và đưa vào đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Bác Ái (Ninh Thuận). Ảnh: Sơn Ngọc

Học sinh Trường Trung học phổ thông Bác Ái (Ninh Thuận). Ảnh: Sơn Ngọc

Theo thầy Quốc, hàng năm Sở Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác số hóa trong giáo dục; đồng thời tổ chức tập huấn, đôn đốc hoàn thành dữ liệu học sinh, giáo viên đầy đủ.

Thầy Quốc cho biết, từ khi triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, việc quản lý toàn diện các hoạt động dạy và học của trường thuận lợi, nhanh chóng, chính xác và mang tính tương tác cao hơn so với trước đây.

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học giúp thầy cô giáo tiết kiệm được rất nhiều thời gian và linh hoạt hơn trong công việc. Với chức năng phân quyền trên hệ thống, chúng tôi dễ dàng quản lý được các hoạt động của giáo viên; Nếu muốn sửa điểm, giáo viên cần có sự cho phép của lãnh đạo nhà trường và mọi hoạt động chỉnh sửa đều lưu lại lịch sử, điều này giúp ích rất lớn trong việc hạn chế tối đa tình trạng nâng điểm cho học sinh”.

Chia sẻ thêm, thầy Quốc cũng nêu lên một số khó khăn nhất định khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học:

“Hiện nay khoảng 30% phụ huynh tại trường không sử dụng sổ liên lạc điện tử. Lý do chủ yếu do các bậc phụ huynh ở vùng nông thôn, miền núi, họ ít có điều kiện và cũng chưa có sự quan tâm nhiều về công nghệ thông tin, do vậy điều này cũng ít nhiều sẽ gây ra một số bất cập nhất định trong công tác quản lý, liên lạc với phụ huynh”.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bác Ái chia sẻ, hàng năm tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường đều phổ biến, khuyến khích phụ huynh sử dụng công nghệ mới. Tuy nhiên để đạt tới con số 100% sự tham gia của phụ huynh thì phải cần một thời gian dài vì những điều kiện khó khăn đặc thù tại địa phương.

Bắc Sơn