Bình Dương: Thiếu CSVC khiến HS phải học theo ca và ăn bán trú ngoài nhà trường

15/04/2023 06:38
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Không đủ phòng học, nhiều trường tiểu học ở TP. Thuận An (Bình Dương) phải chia ca sáng - chiều, tổ chức cho học sinh ăn bán trú ngoài nhà trường.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, tận dụng thư viện làm phòng học

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương), khó khăn lớn nhất chính là “quá tải” học sinh, “quá tải” lịch học do điều kiện cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng.

Trao đổi với phóng viên, cô Huỳnh Thị Diệu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Giao 3 (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Về thuận lợi, nhà trường được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, từ địa phương đến Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng nhiệt tình giúp đỡ và quan tâm đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về cơ bản, đảm bảo 100% giáo viên dạy lớp 1,2,3 được tập huấn chương trình mới, có trình độ đạt chuẩn đào tạo theo quy định; tiếp cận nội dung và phương pháp dạy lớp 1,2,3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Huỳnh Thị Diệu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Giao 3 (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Cô Huỳnh Thị Diệu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Giao 3 (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên theo yêu cầu vị trí, việc làm theo chuẩn chức danh nghề nghiệp: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho toàn giáo viên để giới thiệu tổng thể về chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giới thiệu chương trình lớp 1,2,3 cho từng năm học. Nhà trường cũng đã chuẩn bị khá đầy đủ các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo đúng lộ trình; sử dụng tốt các thiết bị dạy học các môn học như tranh ảnh, mô hình, được cấp...”.

Bên cạnh những thuận lợi, nữ Hiệu trưởng cũng chia sẻ về một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở nhà trường: “Đa số giáo viên trẻ mới ra trường chưa có kinh nghiệm nhiều trong giảng dạy, một số lớn tuổi ngại đổi mới nên việc vận dụng đổi mới phương pháp dạy học chưa cao. Trong khi đó, nhà trường chưa đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp (còn thiếu biên chế dạy lớp).

Một trong những khó khăn của Trường Tiểu học Thuận Giao 3 là chưa đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp (còn thiếu biên chế dạy lớp). Ảnh: Mộc Trà.

Một trong những khó khăn của Trường Tiểu học Thuận Giao 3 là chưa đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp (còn thiếu biên chế dạy lớp). Ảnh: Mộc Trà.

Cơ sở vật chất còn hạn chế, không có đủ các phòng học để tổ chức dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện tại, trường có 27 lớp nhưng chỉ có 14 phòng học, trong đó chỉ có 6 phòng học có trang thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu. Học sinh phải học 1 buổi/ngày, kể cả ngày thứ Bảy, chia 2 ca sáng - chiều...

Mỗi phòng học tại Trường Tiểu học Thuận Giao 3 được chia 2 ca sáng - chiều cho 2 lớp học khác nhau. Ảnh: Mộc Trà.

Mỗi phòng học tại Trường Tiểu học Thuận Giao 3 được chia 2 ca sáng - chiều cho 2 lớp học khác nhau. Ảnh: Mộc Trà.

Chưa có các phòng chức năng để dạy các môn năng khiếu như Anh văn, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trang thiết bị dạy học chưa đầy đủ (hệ thống máy chiếu cho từng phòng học chưa có. Sân chơi, bãi tập còn rất hạn chế, gây khó khăn trong việc dạy và bồi dưỡng những môn năng khiếu.

Đồng thời, chính vì tất cả các ngày phải dạy 2 ca, nên nhà trường không có quỹ thời gian, cũng như phòng chức năng để trường tổ chức các buổi chuyên đề, thao giảng..., đa phần muốn tổ chức, nhà trường phải thực hiện sau giờ làm việc...”.

Thiếu thốn về cơ sở vật chất không phải tình trạng của riêng Trường Tiểu học Thuận Giao 3.

Thầy Võ Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Giao (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cũng cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi được địa phương và ngành giáo dục quan tâm, nhà trường cũng gặp một số khó khăn khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đội ngũ giáo viên không đủ biên chế, trường phải hợp đồng giáo viên và nhân viên thiếu để đảm bảo nhiệm vụ được giao theo quy định. Thiếu nhân viên thiết bị - phòng thiết bị nhỏ, đồ dùng dạy học cấp về nhiều khó bảo quản. Các thiết bị công nghệ thông tin (máy chiếu) đã hư, cũ.

Ngoài ra, công tác hành chính, số sách của cán bộ quản lý và giáo viên vẫn còn rất nặng nề.

Thầy Võ Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Giao (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Thầy Võ Ngọc Điệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận Giao (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Mộc Trà.

Sách giáo khoa có trọng lượng nặng đối với học sinh tiểu học. Đồ dùng học tập cồng kềnh, nặng và quá nhiều. Đối với trường dạy một buổi, thời gian sử dụng đồ dùng dạy học không phù hợp. Vì vậy, cần điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và mục tiêu giáo dục đề ra”.

“Về cơ sở vật chất, đây chính là khó khăn lớn nhất của nhà trường. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ để thực hiện giảng dạy 2 buổi/ngày, phải dạy luôn ngày thứ Bảy đối với lớp 3.

Hiện tại, nhà trường có 43 lớp nhưng chỉ có 27 phòng học, với tổng số học sinh là 2.045, sĩ số học sinh trong toàn trường quá đông, bình quân 47 học sinh/lớp. Trong khi đó, không có phòng học bộ môn, đối với các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, thầy cô phải mang thiết bị đến các lớp để dạy.

Năm học trước, chúng tôi làm phòng “Thư viện xanh” cho học sinh có không gian đọc sách. Nhưng đến năm học này, do tăng số lớp, nhà trường không đủ phòng học nên phải lấy luôn phòng “Thư viện xanh” làm phòng học cho học sinh lớp 3. Với phòng kết cấu mái tôn như thế này, học sinh chỉ có thể học buổi sáng, khi thời tiết còn dễ chịu, chứ buổi chiều nắng nóng, dù có bật quạt cũng không thể cho học sinh học được” - thầy Võ Ngọc Điệp nhấn mạnh.

Phòng học đặc biệt tại Trường Tiểu học Thuận Giao.

Phòng học đặc biệt tại Trường Tiểu học Thuận Giao.

Học sinh Trường Tiểu học Thuận Giao chỉ học được buổi sáng trong phòng học tăng cường (tận dụng phòng thư viện). Ảnh: Mộc Trà.

Học sinh Trường Tiểu học Thuận Giao chỉ học được buổi sáng trong phòng học tăng cường (tận dụng phòng thư viện). Ảnh: Mộc Trà.

Mô hình bán trú ngoài nhà trường phát triển

Theo cô Huỳnh Thị Diệu, cũng chính vì điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường không thể đáp ứng cho học theo chương trình 2018 học 2 buổi/ngày và phải chia ca, ca chiều bắt đầu vào học từ 12 giờ 30 phút, nên học sinh không thể ăn bán trú tại trường. Chính vì thế, xuất hiện mô hình cho học sinh ăn bán trú ngoài nhà trường, mô hình này khá phổ biến trên địa bàn thành phố Thuận An.

“Cũng xuất phát từ tình hình thực tế này, mà tại địa phương xuất hiện mô hình bán trú ngoài nhà trường, để đáp ứng nhu cầu gởi con của phụ huynh.

Sau khi tan học ca sáng, học sinh nào đăng ký ăn bán trú thì sẽ di chuyển đến các trung tâm bán trú ngoài nhà trường đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp phép. Lớp nào có học sinh đăng ký ăn bán trú, sẽ có có một cô giáo đi cùng để quản lý, đảm bảo an toàn cho các em... Vì thế, khi học sinh phải ăn bán trú ngoài nhà trường, các cô giáo cũng vất vả hơn rất nhiều” - nữ Hiệu trưởng chia sẻ.

Do nhà trường không đáp ứng được nhu cầu ăn bán trú, học sinh phải ăn bán trú ngoài nhà trường. Ảnh: NTCC.

Do nhà trường không đáp ứng được nhu cầu ăn bán trú, học sinh phải ăn bán trú ngoài nhà trường. Ảnh: NTCC.

Tại Trường Tiểu học Thuận Giao, cũng có nhiều học sinh phải đăng ký ăn bán trú ngoài nhà trường.

Thầy Võ Ngọc Điệp cũng cho biết: “Với số lượng học sinh đông mà diện tích của trường có hạn, chúng tôi không đáp ứng đủ cho toàn bộ học sinh ăn bán trú, chỉ có thể tổ chức cho khoảng gần 800 học sinh ăn bán trú trong nhà trường, bên cạnh đó, có 445 học sinh phải ăn bán trú ngoài nhà trường tại các trung tâm tư nhân. Để học sinh ăn bán trú bên ngoài, công tác quản lý khá khó và phức tạp”.

Theo các thầy cô, việc cho học sinh ăn bán trú ngoài nhà trường cũng gây ra những khó khăn, phức tạp trong quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Theo các thầy cô, việc cho học sinh ăn bán trú ngoài nhà trường cũng gây ra những khó khăn, phức tạp trong quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: NTCC.

Từ những khó khăn từ thực tiễn của Trường Tiểu học Thuận Giao 3, cô Huỳnh Thị Diệu bày tỏ: “Chúng tôi có một số đề xuất, kiến nghị, mong sớm được bổ sung biên chế đầy đủ cho trường thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm thêm cơ chế hỗ trợ tiền lương cho giáo viên, để giáo viên tâm huyết và gắn bó hơn với nghề.

Ngoài ra, địa phương cũng cần quan tâm hơn đến cơ sở vật chất, đảm bảo đáp ứng được dạy học 2 buổi trên ngày cũng như trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học cho các lớp học (máy chiếu) để tạo thuận lợi trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thời gian tới”.

Khó khăn về đội ngũ và cơ sở vật chất là những vấn đề đang tạo áp lực lớn cho ngành giáo dục tỉnh Bình Dương. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, nhiều đơn vị, trường học có số học sinh/lớp vượt cao so với quy định; nhiều trường giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học; đặc biệt, nhiều trường thực hiện dạy học 1 buổi/ngày đối với lớp 1,2,3, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 về thời gian, thời lượng học tập.

Ngày 18/4 tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sẽ “Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là hội nghị trong chuỗi Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo các vùng kinh tế - xã hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị các vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên.
Mộc Trà