Quy hoạch giáo dục phải tích hợp thực chất, gắn với phát triển vùng, địa phương

19/04/2023 07:12
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-"Quy hoạch hệ thống GD phải tích hợp thực chất, gắn với quy hoạch vùng, địa phương, có địa chỉ cụ thể, gắn với phát triển đô thị", Phó Thủ tướng nêu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: Sau khi lắng nghe những báo cáo về công tác phát triển và định hướng phát triển giáo dục của toàn vùng Đông Nam Bộ, cá nhân ông đánh giá cao công tác triển khai các nghị quyết trong phát triển kinh tế và giáo dục của vùng trong giai đoạn qua.

“Tôi xin được mở đầu với sự kỳ vọng, nếu không dựa vào giáo dục, nếu không dựa vào khoa học công nghệ thì lấy đâu ra nhân tài, nguồn lực con người để thay thế nguồn lực tự nhiên để chúng ta phát triển...

Đông Nam Bộ là một trung tâm phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng, tức là trung tâm phát triển lớn nhất, một “đầu tàu” lớn nhất”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả mà các địa phương cũng như các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Bộ, ghi nhận những sự nỗ lực, phấn đấu trong tình hình, bối cảnh còn rất nhiều khó khăn nhưng đã đạt được nhiều thành tích...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh 5 vấn đề cần tập trung để phát triển giáo dục và đào tạo.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần có triết lý mới, nhận thức mới về đầu tư cho giáo dục, chính sách đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phương thức dạy và học… trên cơ sở khoa học, dân chủ, tiếp thu kinh nghiệm của thế giới, phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Ngành giáo dục phải quy hoạch mạng lưới hệ thống giáo dục các cấp trên cơ sở quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương, có đủ không gian giảng dạy dạy kiến thức văn hoá, thể dục thể thao, đào tạo nghề… nhằm phát triển toàn diện năng lực, kỹ năng của học sinh; định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần phát hiện và đào tạo nhân tài.

"Quy hoạch hệ thống giáo dục, đào tạo phải tích hợp thực chất, gắn với quy hoạch vùng, địa phương, có địa chỉ cụ thể, gắn với quá trình phát triển đô thị", Phó Thủ tướng trao đổi.

Về phát triển đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần “đi trước một bước” trong đổi mới nội dung, mục tiêu, phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức, để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

“Muốn đổi mới giáo dục đào tạo, chắc chắn phải đi từ đổi mới đội ngũ giảng viên, giáo viên. Như vậy, các chính sách thu hút giảng viên, giáo viên, chuyên gia giỏi là rất cần thiết.

Một trong những hướng mở đối với nội dung đào tạo, mục tiêu đào tạo có thể cân nhắc và tính đến, đó chính là cần phải xem xét thật kỹ lưỡng, mở rộng những sự lựa chọn cho học sinh có cơ hội phát triển đúng với năng lực thực sự của bản thân. Đồng thời, đổi mới mô hình tổ chức nhân sự.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mộc Trà.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Mộc Trà.

Các nhà trường sư phạm xác định những nội dung giáo dục cơ bản để đào tạo một số lượng giáo viên cơ hữu. Còn lại sẽ có những cách hợp đồng, với chế độ đãi ngộ tốt để thu hút người tài, thậm chí với những người đã nghỉ hưu. Chúng ta phải có cơ chế linh hoạt nhất để làm được việc này...” - phân tích của Phó Thủ tướng.

Về vấn đề chính sách xã hội hoá giáo dục, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Nhà nước chỉ đầu tư, quản lý những gì cần quản lý, đồng thời mở ra không gian sáng tạo, đổi mới chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực giáo dục. Chính sách cho giáo dục không phân biệt công lập và tư nhân.

Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng, Nhà nước chỉ nên đầu tư, chỉ quản lý những gì cần quản lý, còn xã hội sẽ làm những việc có không gian sáng tạo của xã hội và thị trường. Bên cạnh khối công lập, chúng ta phải tính đến phát huy khối ngoài công lập. Nhà nước nên có chính sách giáo dục là quốc sách, tất cả các chính sách không phân biệt công lập và tư thục,...

Theo đó, nguồn lực Nhà nước đầu tư cho giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm làm việc, còn những địa phương có điều kiện thuận lợi cần thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hoá giáo dục để san sẻ “gánh nặng” với giáo dục công.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu liên thông trong hệ thống giáo dục, dạy nghề (trung cấp nghề nghiệp, cao đẳng lên đến đại học, sau đại học) để khuyến khích học tập suốt đời, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu cho nền kinh tế, mà "có thể xuất khẩu những kỹ sư, lao động lành nghề, thay vì lao động phổ thông".

Phó Thủ tướng lưu ý, trong thế giới kết nối, chia sẻ, ngành giáo dục phải phát huy nội lực , đồng thời chú trọng thu hút các nhà khoa học, nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài.

Đồng thời, ngành giáo dục phải nâng cao hơn nữa chất lượng dạy ngoại ngữ - đây là "giấy thông hành", "hành trang" để lao động Việt Nam hội nhập ra thế giới.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị “Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vào ngày 18/4, nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng.
Mộc Trà