Những ngày qua, câu chuyện em N.T.Y.N. (học sinh lớp 10A15, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh) tự tử vào tối 15/4 tại nhà riêng lại tiếp tục dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực học đường. Bên cạnh việc nhìn nhận vai trò, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, một số chuyên gia giáo dục cũng đặc biệt trăn trở làm thế nào để dẹp nạn bạo lực học đường trong xã hội ngày nay.
Sự thờ ơ của giáo viên, lãnh đạo nhà trường vô tình tiếp tay cho bạo lực học đường
Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh – Giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) - có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống, tâm lý học trò nhấn mạnh vai trò của tình yêu thương trong chống bạo lực học đường.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh trong buổi giao lưu tuyên truyền tại trường tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
“Về cơ bản, bạo lực học đường chia 2 hình thức: bạo lực thể chất và bạo lực tâm lý. Sự thờ ơ của giáo viên, lãnh đạo nhà trường vô tình tiếp tay cho bạo lực học đường.
Thực tế hiện nay, không ít học sinh bị giáo viên trù dập, lăng mạ, sỉ nhục dẫn đến hệ quả nghiêm trọng như khiến học sinh rối loạn, tức giận, sợ hãi, tự ti và tự nghi hoặc bản thân, lo âu về năng lực học tập và năng lực xã hội của chính mình.
Chuyện giáo viên trù dập vì học sinh không đi học thêm môn của mình, hoặc thờ ơ với những bức xúc của học sinh cũng gây hậu quả nghiêm trọng không khác gì việc học sinh gây bạo lực với nhau”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh chia sẻ, để chống bạo lực học đường cần giáo dục tình yêu thương cho học trò.
Cụ thể, đối với gia đình, bố mẹ nên chia sẻ với con những thắc mắc, lắng nghe những tâm tư, tình cảm của con. Là những tấm gương về cách cư xử, tạo nền tảng quyết định đến tình cảm, tâm lý, tính cách của học sinh.
Đối với xã hội, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của mình trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực. Phối hợp với nhà trường để thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền, động viên, định hướng các em. Nghiêm khắc xử lý tình trạng bạo lực học đường để nêu gương.
Bản thân mỗi giáo viên cần bỏ suy nghĩ “hết giờ là hết việc”, ý thức rõ trách nhiệm cao cả và vinh quang của mình là “sự nghiệp trồng người”. Thông qua những giờ dạy, giáo viên lồng ghép kiến thức nhân văn, đạo đức cao đẹp, lối sống văn minh… hoặc đơn giản nhất là những biểu hiện có văn hóa, có lịch sự để dần dần học sinh noi theo. Cho các em tham gia vào những hoạt động thiện nguyện, hoạt động tập thể có ích, để tránh trường hợp các em sống co cụm trong thế giới ảo, nơi lên ngôi của lối sống vô cảm.
“Đặc biệt theo tôi, ngành giáo dục nên đưa môn Giáo dục kỹ năng sống vào thành môn học bắt buộc trong nhà trường. Trước mắt, trường có thể thường xuyên mời chuyên gia, những nhà nghiên cứu về vấn đề bạo lực học đường để tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho học sinh, giáo viên…”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh kể, có một học sinh trung học cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin chia sẻ: "Con bị một nhóm bạn (gồm 4 bạn) bắt con mỗi ngày phải nộp 10 nghìn đồng cho các bạn, nếu không nộp các bạn sẽ đánh con và sẽ kêu gọi các bạn khác không chơi với con.
Các bạn nói nếu con mách thầy cô hay bố mẹ thì đánh con gãy chân. Và con cứ cố gắng nộp mỗi ngày 10 nghìn đồng. Lần gần nhất con không có tiền để nộp thì các bạn xé sách của con, phá xe đạp, giật mũ, và dọa sẽ đánh con… và con đã trốn học (để trốn các bạn)".
Sau đó, Tiến sĩ đã có cuộc tuyên truyền về bạo lực học đường ở chính trường của em học sinh này. Sau khi làm việc với lãnh đạo, nhóm 4 học sinh đã nhận sai và em học sinh kia cũng an tâm đi học, không nộp tiền nữa.
Có thể thấy, trước hệ quả đau lòng của bạo lực học đường gây ra, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải “cân, đong” lại những giá trị được học trong nhà trường. Đừng mãi chạy theo thành tích trong các kỳ thi, đừng vì thứ hạng trong các lần kiểm định chất lượng và cũng không nên lao theo chuẩn nọ chuẩn kia mà quên cái hồn cốt của giáo dục là đào tạo con người. Trong đó, vai trò của nhà trường và cái tài, cái tâm của những người làm công tác giáo dục chiếm vị trí vô cùng quan trọng.
Phòng tâm lý học đường ở nhà trường cần sự tham gia của một bên thứ 3
Bàn về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục học cho biết, để xảy ra bạo lực học đường, trách nhiệm một phần thuộc về nhà trường, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục học (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bàn về cơ chế giải quyết bạo lực học đường, theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, một số trường học đã có phòng tâm lý học đường. Và nhiều học sinh đang có xu hướng quan tâm đến bộ phận phòng tâm lý học đường như một tiêu chí để chọn trường.
“Trường học không chỉ là nơi cung cấp tri thức, mà còn là môi trường để học sinh chung sống, rèn luyện đạo đức, giúp học sinh điều tiết cảm xúc. Một môi trường học đường mà giáo viên “bàng quang” với tâm lý, cảm xúc của học sinh thì chắc chắn không phải là môi trường giáo dục tốt.
Hiệu quả hoạt động của phòng tâm lý học đường phụ thuộc vào trường. Có trường, phòng tâm lý học đường hoạt động rất tốt, nhưng có trường không mang lại giá trị như mong muốn. Có những học sinh ngại chia sẻ khi cán bộ phòng tâm lý học đường là giáo viên ở trường. Do đó, tốt nhất nhân viên của phòng tâm lý học đường nên là cán bộ làm công tác xã hội của phường, xã. Bởi, ngoài là bên thứ 3, thì họ là những người hoàn toàn được đào tạo, đủ kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, chống bạo lực học đường.
Ví dụ, trong trường hợp học sinh bức xúc với giáo viên hay không đồng tình với quyết định của nhà trường, thì phòng tâm lý học đường giống như một bộ phận khách quan để đứng ra phân giải, lắng nghe học trò.
Để hoạt động hiệu quả, phòng tâm lý học đường nên tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng: đọc sách, trải nghiệm, khám phá và tư vấn thường xuyên cho học sinh cùng xây dựng môi trường học văn minh”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ.
Nhấn mạnh vai trò của giáo viên chủ nhiệm, ngoài trên lớp, giáo viên cần nắm được trong hoạt động ngoài giờ, học sinh có ý thức, hành động trau dồi đạo đức, xây dựng mối quan hệ bạn bè theo xu hướng nào để kịp thời can thiệp, điều chỉnh.
"Trước đây, chúng ta trông chờ vào tâm của nhà giáo đối với giáo dục trẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đưa vào nội dung đánh giá giáo viên chủ nhiệm ở khả năng nắm bắt tâm lý và giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, khó khăn của học sinh. Khi là quy định thì giáo viên sẽ thực hiện nghiêm túc chống bạo lực học đường", Tiến sĩ Vũ Thu Hương nói.