Bạo lực học đường những năm gần đây đang diễn ra khá phức tạp và xảy ra ở mọi đối tượng. Học trò đánh học trò; thầy cô đánh học trò; học trò đánh thầy cô; học trò vô lễ, xấc xược với giáo viên; thầy giáo đâm, đánh đồng nghiệp của mình…
Đó là chưa kể đến tình trạng bạo lực về tinh thần, về ngôn từ; phe phái cục bộ…khiến cho môi trường giáo dục đối với một số trường học ngày càng phức tạp. Nhiều học sinh và ngay cả đối với giáo viên đang phải co mình lại để yên thân trong môi trường học tập, làm việc của chính mình.
Những nỗi đau, sự trăn trở về môi trường giáo dục đang khiến cho nhiều người lo lắng bởi lâu nay nhiều người vẫn nghĩ, hy vọng về một môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn- nơi mà mình người thầy hết lòng vì học trò; học trò hết lòng học tập để hướng tới một tương lai tốt đẹp.
Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc. Ảnh minh họa: CTV |
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
Nếu thường xuyên đọc báo, gần như ngày nào chúng ta cũng gặp tình trạng bạo lực học đường được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nó xảy ra ở mọi lứa tuổi, cấp học và ở mọi vùng miền khác nhau.
Chỉ mấy ngày qua, dư luận bàng hoàng phải chứng kiến một số sự việc đau lòng. Ngày 4/4/2023, tại trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thành phố Huế) đã có một học sinh lớp 6 bị tử vong sau khi xô xát với bạn. [1]
Chiều ngày 7/4/2023, có 4 học sinh gồm: Trương Văn Lộc, Nguyễn Văn Phúc, Lê Văn Tài (cùng sinh năm 2006, học lớp 11 Trường Trung học phổ thông Đakrông) và Nguyễn Văn Q. (sinh năm 2007, học lớp 9, Trường Tiểu học thị trấn Krông Klang) đi xe máy từ thị trấn Krông Klang về tại cổng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị)
Tại đây, Q. đi vào trường gặp Lê Hữu Quân (SN 2008, học lớp 9 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Lòng). Lúc này, Q. dùng mũ bảo hiểm ném vào Quân. Quân đã dùng dao đâm vào ngực trái của Q. khiến nam sinh này tử vong. [2]
Riêng chuyện học sinh đánh nhau được quay lại bằng video clip thì xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội. Không chỉ đơn thuần là học sinh nam đánh nhau mà ngày nay học sinh nữ đánh nhau cũng chẳng thua kém gì.
Nhiều em nữ đánh nhau còn tàn nhẫn hơn các em nam khi lột đồ của bạn trong niềm vui sướng hả hê rồi thản nhiên nói cười như không.
Nhưng có lẽ, những sự việc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng hay mạng xã hội chỉ là một phần những vụ việc được quay lại, được tung lên.
Giáo viên cũng… đánh nhau
Cách nay chưa lâu, vào sáng 7/9/2022, giáo viên Phạm Thế Giáp (38 tuổi, ngụ phường An Bình, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) đã dùng dao đâm thẳng vào ngực đồng nghiệp là thầy Hoàng Anh T. Mặc dù thầy T. được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do sốc mất máu cấp, đứt động mạch, thủng tim.
Theo lời khai của Phạm Thế Giáp, trong quá trình công tác giảng dạy tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Du (phường Vĩnh Bảo, Rạch Giá, Kiên giang), Giáp nghi ngờ đồng nghiệp của mình là Hoàng Anh T. (40 tuổi, ngụ phường An Hòa, Rạch Giá) chia phe để cô lập Giáp. Ngoài ra, Giáp còn nghi ngờ T. dùng dao rạch yên xe SH của mình. [3]
Mới đây, vào tối 7/4/2023, trên mạng xã hội lan truyền thông tin ông Phan Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Thủy Bắc, đánh Hiệu phó là ông Lê Đức Huấn khiến ông Huấn bị thương tích ở vùng mặt, phải vào Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy điều trị. [4]
Ngược thời gian, chúng ta còn chứng kiến rất nhiều chuyện giáo viên trong trường gây gổ, đánh nhau, nhẹ hơn là xích mích thưa gửi…
Nhiều giáo viên còn kéo phe phái, nói xấu nhau, gây mất đoàn kết nội bộ khiến cho nhiều trường học hiện nay không thể nào hòa giải được. Từ đó, môi trường giáo dục nhiều khi phức tạp, không tạo được sự đồng thuận với nhau trong quá trình công tác.
Đâu là nguyên nhân của bạo lực học đường?
Thực tế, tình trạng bạo lực học đường thì thời nào cũng có. Tuy nhiên, khi đọc thông tin về các vụ bạo lực học đường trên nhiều phương tiện truyền thông gần đây, khiến cho chúng ta phải rùng mình về mức độ, quy mô và sự vô cảm của con người.
Vì sao bạo lực học đường lại xảy ra thường xuyên như vậy?
Thứ nhất: sĩ số lớp học hiện nay ở nhiều nơi đang quá đông. Ở các trường công lập, một lớp học có từ 50-60 học sinh đang là chuyện bình thường. Sĩ số lớp đông như vậy khiến cho việc quản lý lớp của giáo viên trở nên hết sức khó khăn.
Thứ hai: Trước đây, khi học sinh vi phạm, tùy vào mức độ có thể áp dụng những hình thức xử phạt như phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ, buộc thôi học có thời hạn.
Thế nhưng, giờ đây các hình thức kỷ luật này đã không còn kể từ khi Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 1/11/2020 ra đời. Nhiều ý kiến cho rằng, biện pháp “kỉ luật tích cực” chưa thực sự có hiệu quả răn đe với học sinh, khiến cho nhiều em không còn sợ và “nhờn thuốc” của nhà trường.
Thứ ba: không gian mạng internet hiện nay có vô số những điều không phù hợp, như: những video clip, những game bạo lực, nhảm nhí, đi ngược với văn hóa truyền thống đã tiêm nhiễm vào tâm lý học sinh.
Thứ tư: một bộ phận học sinh đang được nuông chiều quá mức.
Thứ năm: nhiều thầy cô luôn cho mình là đúng trước học trò. Thay vì đưa ra những phương pháp, biện pháp giáo dục mềm dẻo thì có những thầy cô đưa ra những biện pháp cứng nhắc, bạo lực về thân thể, tinh thần học trò.
Thứ sáu: ở một số nơi mối quan hệ đồng nghiệp với đồng nghiệp; lãnh đạo nhà trường với giáo viên nhân viên đang thiếu sự gắn kết.
Thứ bảy: tình trạng dạy thêm của giáo viên hiện nay đang diễn ra khá phổ biến đối với một số môn học. Vì thế, tình trạng giáo viên lôi kéo học trò đã xảy ra.
Khi kiểm tra định kỳ thường thực hiện đề chung nhưng phân công giáo viên chấm chéo lớp khác. Dẫn đến giáo viên dạy thêm bảo vệ học sinh học thêm về điểm số.
Vì thế, có thể họ trực tiếp đối thoại với đồng nghiệp nhưng đôi lúc cũng kích động học sinh, phụ huynh lên tiếng về giáo viên đang dạy, giáo viên chấm bài mà họ xem là chấm chưa đúng, chưa phù hợp.
Thứ tám: trong điều hành, quản lý nhà trường, một số lãnh đạo cứng nhắc, đưa ra những mệnh lệnh vô cảm, hình thức khiến cho cấp dưới không phục nên họ nêu ý kiến, phản biện lại. Từ đó, khoảng cách, vết hằn được tạo ra.
Bên cạnh đó, hiện tượng nhiều giáo viên hiện nay chưa có chính kiến rõ ràng, mạnh chiều nào theo chiều đó, a dua với nhau, ném đá nhau và dẫn đến nội bộ một số trường học khá phức tạp về đoàn kết nội bộ.
Giải pháp nào cho tình trạng bạo lực học đường?
Chúng tôi cho rằng biện pháp kỷ luật phải được đề cao. Học sinh vi phạm, giáo viên vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh. Không bao che, không cả nể. Trường học cần có một kỷ cương, trách nhiệm rõ ràng chứ không đơn thuần chỉ có tình thương, sự bao dung nửa vời.
Mỗi trường học, ít cũng có vài trăm học sinh, vài chục giáo viên; trường nhiều lên đến vài ngàn học sinh, hàng trăm giáo viên nếu cứ động viên, khích lệ không hiệu quả cần có biện pháp kỷ luật cứng rắn mang tính giáo dục.
Muốn được như vậy, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể chứ không thể là kiểu kỷ luật “tích cực” nửa vời như hiện nay. Giáo viên đứng lớp cũng phải có quyền nhất định để thể hiện trước những học trò ương bướng, xấc xược chứ không phải là cách co mình vì đụng đến đâu cũng vướng vào những điều giáo viên không được làm.
Môi trường giáo dục là nơi dạy người- nơi giáo dục về tri thức, nhân cách của học trò nên nơi đây phải an toàn, lành mạnh để mọi người học tập và cống hiến. Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò chứ không thể để tình trạng bạo lực học đường, đoàn kết nội bộ ở một số trường học đang đến mức báo động ở một số trường học như hiện nay.
Muốn được như thế, bản thân lãnh đạo nhà trường, đội ngũ nhà giáo phải thực sự gương mẫu, bản lĩnh và phải thực sự là tấm gương thật sáng trước học trò. Học trò cũng được rèn luyện trong một nền nếp quy củ. Và, đặc biệt là phụ huynh nhà trường cùng chung tay giáo dục các em.
Nếu không, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều chuyện đau lòng trong tương lai!
Tài liệu tham khảo:
[1]https://www.sggp.org.vn/mot-hoc-sinh-lop-6-tai-hue-tu-vong-sau-khi-xo-xat-voi-ban-cung-lop-post684543.html
[2] https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-lop-9-bi-dam-tu-vong-tai-truong-2129852.html
[3]https://vtv.vn/xa-hoi/thay-giao-dam-chet-dong-nghiep-ngay-tai-truong-20220907130110844.htm
[4]https://vietnamnet.vn/hieu-truong-danh-hieu-pho-bi-thuong-sau-tran-cai-va-2130196.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.