Báo động: Bạo lực học đường xảy ra từ trường công, quốc tế và cả trường chuyên

20/04/2023 06:28
Kim Ngân (Tổng hợp)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bạo lực học đường xảy ra ngay ở những môi trường giáo dục hiện đại, tiên tiến như trường chuyên, trường quốc tế.

Thời gian qua, vụ việc nữ sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) tự tử tại nhà riêng nghi do bị bạo lực học đường đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Sự việc được biết đến khi trên mạng xã hội lan truyền thông tin một nữ sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh tự tử do bị đánh, ngược đãi và áp đảo tâm lý.

Nạn nhân là em N.T.Y.N (SN 2007, học sinh lớp 10A15, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh). N. đã tự tử tại nhà riêng vào tối ngày 15/4.

Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh nơi nữ sinh N. từng theo học. Ảnh: webside nhà trường

Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh nơi nữ sinh N. từng theo học. Ảnh: webside nhà trường

Theo thông tin từ giáo viên chủ nhiệm lớp 10A15, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh, Em N. là học sinh ngoan, có rất nhiều cố gắng trong học tập, đồng thời thực hiện tốt các nội quy của lớp và nhà trường. Kết quả học lực học kỳ I, em N. đạt loại giỏi, hạnh kiểm tốt”.

Ở lớp N. chơi thân với một nhóm bạn. Trước dịp 20/11 năm ngoái, N. và nhóm bạn này không chơi chung với nhau nữa. Cô giáo đã gặp riêng nhóm bạn này, tìm hiểu nguyên nhân thì chỉ nhận được lý do vì không hợp.

Khoảng cuối học kỳ 1, em N. có nhắn tin riêng cho cô chủ nhiệm để hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp và hỏi nếu viết đơn thì nộp cho ai. Về lý do em N. muốn chuyển lớp thì cô giáo không nắm được. [1]

Liên quan đến vấn đề em N. xin chuyển lớp, thầy Phạm Xuân Chung – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh cho biết, giữa học kỳ 1, em N. có đến trực tiếp gặp thầy trao đổi việc chuyển lớp. Thầy cũng trả lời em rằng, vấn đề chuyển lớp trong chương trình mới này không phải muốn chuyển là chuyển ngay được. Vì nó liên quan đến các quy định của nhà trường. Khi xây dựng hệ chất lượng cao, trường có phân hóa các lớp với mức độ khác nhau.

Thầy Chung cho biết, nhà trường chưa nhận được thông tin gia đình xin chuyển lớp cho em N. [1]

Về câu chuyện đau lòng xảy ra với em N.T.Y.N, gia đình nữ sinh chia sẻ, đã hai lần lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập, đồng thời xin chuyển lớp cho con, nhưng Hiệu trưởng không nhất trí chuyển lớp.

Trả lời báo Tiền Phong, chị P.T.T.V (mẹ em N.) cho biết, 2 lần xin gặp thầy Hiệu trưởng thì 1 lần được gặp trực tiếp thầy, thầy Hiệu trưởng không nhất trí chuyển lớp và nói gia đình phải nhìn nhận lại tại sao em N. lại không thích nghi với các bạn. Thầy Hiệu trưởng cũng hứa sẽ chấn chỉnh lại lớp, xem xét nếu kết quả học tập kỳ 1 của N. tốt.

Chị V. cho biết, ở lớp học, em N. bị tẩy chay, bị tách ra khỏi nhóm bạn. Chị V. cũng cung cấp nhiều tin nhắn trò chuyện giữa hai mẹ con trước khi em N. tự tử. Theo đó, trong trò chuyện với mẹ, nạn nhân nhiều lần tâm sự ‘chán, không muốn đi học nữa’.

Theo chị V., em N. có lấy máy của mẹ nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm nhiều lần để xin nghỉ học. Sau đó, cô giáo có gọi điện cho chị V. hỏi tại sao con lại nghỉ nhiều như thế.

Khi được mẹ hỏi thì N. bảo: Mẹ ơi con sợ lắm, con sợ đi học, con không dám đi học".

Cũng theo chị V., gần đây con gái chị bị một nhóm học sinh rủ nhau chặn đường để đánh. Chị đã phải đến tận trường đón con gái. [2]

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hồng Soa - Trưởng phòng Công tác chính trị học sinh sinh viên Trường Đại học Vinh cho biết, nhà trường phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan để điều tra, làm rõ. Chờ sau khi chờ gia đình ổn định lại tâm lý, nhà trường cũng sẵn sàng hợp tác giải quyết theo đề xuất và nguyện vọng của gia đình để làm rõ những vấn đề cần thiết. [3]

Liên quan đến vụ việc này, ngày 18/4, đại diện Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Bộ đã trao đổi với Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh (trường Đại học Vinh) và Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Bộ yêu cầu các đơn vị sớm làm rõ sự việc liên quan đến vụ nữ sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường. [4]

Theo thông tin từ báo Tiền Phong, tối 18/4, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết: Hai ngày nay, cơ quan Công an đã làm việc với Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Vinh liên quan đến sự việc nữ sinh N.T.Y.N (học sinh lớp 10A15) tự tử vào tối 15/4.

Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh khẳng định, nhà trường sẽ cho kiểm tra, rà soát có hay không tình trạng bạo lực học đường để chấn chỉnh; đồng thời tiếp tục thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình cháu N. [5]

Bạo lực học đường với những mức độ, tính chất khác nhau

Từ sự việc này, dù nghi vấn nữ sinh N.T.Y.N bị bạo lực học đường chưa được làm rõ, song, từ trước đến nay, bạo lực học đường luôn là vấn đề nan giải với ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội, bạo lực học đường xảy ra ngay ở những môi trường giáo dục hiện đại, tiên tiến như trường chuyên, trường quốc tế.

Còn nhớ cuối tháng 5/2022, một phụ huynh Trường Quốc tế American Academy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã lên tiếng tố cáo con mình bị bạo hành tại trường.

Cụ thể, con gái bà là học lớp 7 tại Trường Quốc tế American Academy, sự việc xuất phát từ buổi dã ngoại tại Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu trước đó. Khi đó, con gái bà và một nữ sinh lớp 8 có xích mích nhỏ. Sau buổi học ngày 26/5/2022, con bà bị nữ sinh lớp 8 này đánh, đấm vào ngực trong khuôn viên trường. Ba nữ sinh khác lao vào can ngăn cũng bị em này đánh. Phụ huynh này cho rằng, giáo viên nhìn thấy nhưng không can ngăn.

Phụ huynh Trường Quốc tế American Academy tố con bị bạo lực học đường và không được nhà trường xử lý thỏa đáng. Ảnh: Báo Lao động

Phụ huynh Trường Quốc tế American Academy tố con bị bạo lực học đường và không được nhà trường xử lý thỏa đáng. Ảnh: Báo Lao động

Chiều cùng ngày, bà và một số phụ huynh có con bị đánh lên trường làm việc. Theo bà, trường đề nghị hai bên tự giải quyết với lý do sự việc xảy ra bên ngoài nhà trường.

Một đoạn livestream trên trang cá nhân của phụ huynh này cho thấy, bà đến văn phòng nhà trường và nói chuyện với một số giáo viên, lãnh đạo. Theo đó, nữ phụ huynh yêu cầu gặp bé gái đã đánh con mình, nhưng phía trường không đồng ý.

Kết quả thăm khám cho thấy nữ sinh bị đánh không bị tổn hại quá nghiêm trọng về sức khỏe, nhưng em có vết thương ở tay, biểu hiện khó thở, trên người có vết xước [6]

Tháng 11/2012, một vụ bạo lực học đường nghiêm trọng cũng đã xảy ra liên quan đến mâu thuẫn giữa các học sinh ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long.

Cụ thể, sáng 19/11/2012, do đi cùng 2 bạn gái trong lớp vào căng tin mua nước nên Nguyễn Huỳnh Diệu Long (học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Chuyên Hạ Long) bị nhóm bạn khác lớp chửi bới và đuổi đánh, sau đó, Long đã nhờ 2 đối tượng côn đồ đến trả thù giúp.

Hậu quả là 5 em học sinh (Trường Trung học phổ thông Hòn Gai và Trường Trung học phổ thông chuyên Hạ Long) đã bị hai đối tượng côn đồ truy sát bị thương nặng[7]

Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, xảy ra ở nhiều lứa tuổi, với cả học sinh nam và học sinh nữ, bạo lực xảy ra giữa học sinh với nhau và cả giữa giáo viên với học sinh.

Thời gian qua, nhiều vụ việc cho thấy mức độ, tính chất nghiêm trọng khác nhau của bạo lực học đường và dẫn đến nhiều cái kết đau lòng.

Bạo lực học đường không đơn thuần chỉ là hành vi đánh nhau, gây thương tích, mà có thể xuất phát từ sự ghẻ lạnh, miệt thị, hành vi tẩy chay, bạo lực bằng ngôn từ, bạo lực tinh thần đối với nạn nhân.

Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội, bạo lực học đường trên không gian mạng, bắt nạt trực tuyến cũng là một vấn nạn đáng lo ngại.

Tháng 3/2021, một bé gái 13 tuổi ở Long An đã uống thuốc trừ sâu tự tử vì bị tẩy chay ở trường lớp và bị bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội, may mắn em đã được đưa đến bệnh viện và kịp thời chữa trị. [8]

Hay vào tháng 3/2018 một nữ sinh lớp 11 tại Nghệ An bị đăng clip riêng tư trong lớp và ngay sau đó những lời chỉ trích miệt thị của cư dân mạng đã khiến nữ sinh này không chịu được áp lực và tự tử tại ao nước gần nhà. [9]

Bạo lực học đường có thể bắt đầu từ mâu thuẫn trên mạng đến đánh nhau ngoài đời, có thể xuất phát từ những ánh nhìn, xích mích nhỏ nhưng những hậu quả để lại vô cùng nghiêm trọng.

Đây chính là những hồi chuông cảnh báo để ngành giáo dục và toàn xã hội sớm vào cuộc, có giải pháp để ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, để bảo vệ những nạn nhân yếu thế, để không còn những câu chuyện đau lòng xảy ra.

Bạo lực học đường không chỉ là các hành vi xâm phạm thể xác của học sinh mà đó còn có thể là việc học sinh bị bạn học, giáo viên tẩy chay, có lời lẽ miệt thị… Nhằm nhận diện rõ hơn các hành vi bạo lực học đường, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong nhận được bài viết của bạn đọc gần xa chia sẻ những câu chuyện thực tế nhằm tạo một diễn đàn sâu rộng, đồng thời, đề xuất các kiến nghị nhằm chung tay ngăn chặn bạo lực học đường để không còn những sự ra đi thương tâm như em học sinh lớp 10A5 Trường Trung học phổ thông Chuyên Đại học Vinh. Bài viết chia sẻ của quý bạn đọc xin được gửi về địa chỉ Email của Tòa soạn: toasoan@giaoduc.net.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]https://tienphong.vn/nu-sinh-truong-chuyen-tu-van-nghi-do-bao-luc-hoc-duong-nha-truong-noi-gi-post1526833.tpo

[2]https://tienphong.vn/vu-nu-sinh-truong-chuyen-dh-vinh-tu-van-gia-dinh-nan-nhan-len-tieng-post1527064.tpo

[3]https://giaoduc.net.vn/dai-hoc-vinh-len-tieng-vu-nu-sinh-thpt-chuyen-tu-tu-nghi-do-bao-luc-hoc-duong-post234559.gd

[4]https://laodong.vn/giao-duc/bo-giao-duc-va-dao-tao-de-nghi-lam-ro-viec-nu-sinh-lop-10-truong-chuyen-o-nghe-an-tu-tu-1181535.ldo

[5]https://tienphong.vn/cong-an-vao-cuoc-vu-nu-sinh-truong-chuyen-tu-van-nghi-do-bao-luc-hoc-duong-post1527243.tpo

[6]https://vnexpress.net/phu-huynh-to-cao-con-bi-ban-bao-hanh-tai-truong-quoc-te-4469374.html

[7]https://dantri.com.vn/phap-luat/khoi-to-nhom-con-do-chem-trong-thuong-5-hoc-sinh-1354825670.htm

[8]https://tuoitre.vn/bi-bat-nat-o-truong-va-tren-mang-be-gai-13-tuoi-uong-thuoc-tru-sau-tu-tu-20210330213626114.htm

[9] https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-nu-sinh-tu-tu-o-nghe-an-co-dau-hieu-pham-toi-xui-giuc-nguoi-khac-tu-sat-20180314082141428.htm

Kim Ngân (Tổng hợp)