Bắc Giang: Nghiêm cấm dạy thêm, học thêm, dạy trước chương trình trong hè

23/05/2023 06:21
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Sở GD Bắc Giang chỉ đạo không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong, ngoài trường, không dạy trước chương trình.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang vừa ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh thời gian trước, trong và sau nghỉ hè năm 2023.

Nguồn ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Nguồn ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Đối với trường tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào cả trong và ngoài nhà trường, không được dạy trước chương trình. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm quản lý giáo viên dạy ngoài nhà trường theo đúng quy định.

Các trường trung học cơ sở và các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh không được tổ chức dạy thêm, học thêm trong hè (trừ học sinh lớp 9 ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 và học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023). Các hoạt động dạy học văn hóa, dạy nghề, ôn tập, phụ đạo cho học sinh các đơn vị chỉ tiến hành sau ngày tựu trường năm học 2023-2024.

Yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non khảo sát nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ trong dịp hè; xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi và giáo dục các kỹ năng cần thiết cho trẻ em. Chỉ tổ chức các hoạt động trong hè cho trẻ em trên cơ sở cha mẹ có nhu cầu gửi con và triển khai đối với những trường hợp có đơn xin gửi con trong hè. Cần có sự thỏa thuận, thống nhất giữa gia đình và nhà trường về thời gian hoạt động hè, mức đóng góp trong hè...

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan thực hiện việc tuyên truyền, chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn cho trẻ em, thanh thiếu niên, nhi đồng; tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.

Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch tổ chức bàn giao học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương và gia đình; tiếp nhận học sinh trở lại trường học tập sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè; các tổ chức Đoàn, Đội tại địa phương nhận xét, đánh giá học sinh sau kỳ nghỉ hè.

Các trường tiểu học, trung học cơ sở phân công giáo viên phụ trách, quản lý học sinh theo địa bàn dân cư; phối hợp tổ chức hiệu quả công tác bàn giao, tiếp nhận học sinh về sinh hoạt hè tại địa phương theo quy định. Lập số điện thoại đường dây nóng để nhận thông tin, xử lý những tình huống bất thường; thông báo số điện thoại đường dây nóng, số điện thoại cứu nạn, cứu hộ tại địa phương, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111 (miễn phí) cho học sinh và cha mẹ học sinh biết để liên hệ khi cần thiết.

Các trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nghiêm cấm học sinh mua và sử dụng các loại thức ăn, đồ uống, đồ dùng, đồ chơi không đảm bảo an toàn từ bên ngoài trường; có biện pháp xử lý nghiêm đối với học sinh cố tình vi phạm.

Yêu cầu các trường tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân, phụ huynh phối hợp cùng nhà trường hướng dẫn cho học sinh nhận biết các dấu hiệu và tác hại của việc sử dụng thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là thực phẩm, đồ uống có nguy cơ pha, tẩm chất độc hại, gây nghiện; thường xuyên quan tâm đến mọi hoạt động của con em mình, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường và không cho con em mua các loại thức ăn, đồ uống, đồ dùng, đồ chơi không đảm bảo an toàn trước cổng trường.

Về nội dung các hoạt động trong hè: các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các lực lượng chức năng và cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao. Thông qua điện thoại, email hoặc các trang mạng xã hội như zalo, facebook... nhà trường phổ biến tới cha mẹ kế hoạch hoạt động của nhà trường, phối hợp với chính quyền, các tổ chức ở địa phương tạo sân chơi vui, khỏe, lành mạnh và bổ ích cho học sinh trong dịp nghỉ hè như việc mở cổng trường (thư viện, phòng tin học, khu tập luyện thể thao, bể bơi...), tổ chức các câu lạc bộ rèn kỹ năng sống; phòng, chống đuối nước, xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường; phát huy hiệu quả các câu lạc bộ theo sở thích (như thể dục thể thao: võ, bóng đá, bóng bàn, bóng rổ, cầu lông...; văn hóa văn nghệ: đàn, hát, vẽ, múa..; đọc sách...); tổ chức các hoạt động thực hành giao tiếp bằng tiếng nước ngoài...

Tổ chức hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, kỹ năng cứu đuối an toàn, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại; kỹ năng tham gia, sử dụng mạng xã hội.

Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn, giúp đỡ học sinh xây dựng thời khóa biểu để quản lý thời gian, hình thành, củng cố, phát triển các năng lực, phẩm chất người học trong thời gian nghỉ hè.

Các trường cần quan tâm tới học sinh thuộc gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chậm tiến, giúp học sinh nghèo, học sinh bỏ học có điều kiện trở lại trường học; quản lý, giáo dục những học sinh chưa ngoan. Cảnh giác với việc tuyên truyền của các hội, nhóm tôn giáo hoạt động trái phép trên địa bàn.

Ngọc Mai