Đờn ca tài tử vốn là nét đẹp văn hóa phi vật thể của Nam Bộ, UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam. Sự kết hợp hoàn hảo giữa nhạc cụ dân gian cùng với lời ca tiếng hát tạo nên ý nghĩa nghệ thuật to lớn của loại hình nghệ thuật này.
Lâu nay, khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh vốn là cái “nôi” lớn nuôi dưỡng, đào tạo biết bao thế hệ nghệ nhân của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Môn, Phụ trách khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, do ảnh hưởng sự thay đổi của quy chế, đã 3 - 4 năm nay, khoa không được tuyển sinh khiến các thầy cô - những người luôn đau đáu được truyền nghề cho thế hệ tương lai lo lắng về sự mai một không xa của ngành nghề này.
“Do đã mấy năm không được tuyển sinh, đến thời điểm hiện tại, khoa đã trở nên “vắng bóng” người học, các thầy cô lo lắng khi không được giảng dạy và truyền nghề đến các thế hệ mai sau”, thầy Phạm Văn Môn chia sẻ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Fanpage của khoa Kịch hát dân tộc, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh). |
Được biết, khi còn là Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, trường đào tạo diễn viên kịch hát và nhạc công nhạc dân tộc ở hệ trung cấp. Sau đó, trường nâng từ trung cấp lên cao đẳng đối với đào tạo diễn viên, còn nhạc công vẫn giữ hệ trung cấp. Khi trở thành Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2010), vẫn tiếp tục đào tạo trung cấp đối với nhạc và cao đẳng với diễn viên.
Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Môn cho hay, từ khi hệ đào tạo trung cấp, cao đẳng chuyển về cho Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quản lý, trường không được đào tạo hệ 2 hệ này nữa, nên đã mấy năm nay, khoa Kịch hát dân tộc không được tuyển sinh. Bởi, theo quy định hiện hành, các trường đại học không được đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp.
Theo thầy Phạm Văn Môn, để mở mã ngành đại học là khá khó khăn bởi cần phải đạt được nhiều tiêu chí theo quy định. Do vậy, vừa qua, khoa đã cố gắng thực hiện các yêu cầu cần có để có thể xin cơ chế mở lại hệ cao đẳng, tránh để trống người học trong thời gian dài như vậy, gây hệ lụy khôn lường.
Qua trao đổi với các lãnh đạo nhà trường, thầy Phạm Văn Môn cho hay, lãnh đạo nhà trường sẽ cố gắng để năm nay khoa Kịch hát dân tộc có thể tuyển sinh được hệ cao đẳng chuyên ngành diễn viên cải lương trước và sau đó sẽ tiếp tục xin mở thêm mã ngành cho nhạc công dân tộc.
Tuy nhiên, dù đã đến lúc phải thông báo thông tin tuyển sinh đến thí sinh thì hiện nay khoa vẫn chưa nhận được thông báo sẽ được tuyển sinh hệ cao đẳng cho năm 2023.
Thầy Phạm Văn Môn lo lắng rằng, trong trường hợp được tuyển sinh nhưng nếu thông báo trễ sẽ dẫn tới không có nguồn tuyển bởi các em không nắm chắc được thông tin nên sẽ lựa chọn đăng ký vào trường khác.
“Nguồn tuyển sinh của khoa vốn đã khó khăn vì yêu cầu phải tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu năm nay không được tuyển sinh hoặc được tuyển sinh nhưng thông báo trễ sẽ là thách thức lớn với khoa Kịch hát dân tộc”, thầy Phạm Văn Môn cho hay.
Bên cạnh đó, theo Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Môn, cải lương, âm nhạc tài tử là nghệ thuật truyền thống đặc thù của phía Nam nên đa phần thí sinh quan tâm đến ngành học kịch hát dân tộc chủ yếu đến từ miền Tây của nước ta và chủ yếu đó là các em mới học hết trung học cơ sở. Vậy nên, nếu khoa Kịch hát dân tộc được đào tạo từ hệ trung cấp mới có nhiều người theo học, nhiều nguồn tuyển sinh hơn.
Hơn nữa, là ngành nghệ thuật đặc thù nên nếu được tuyển từ hệ trung cấp (đào tạo 4 năm) mới giúp phát triển những tài năng thực sự cho nghề.
Với các ngành nghệ thuật, ở độ tuổi sau khi học xong bậc phổ thông, dù có đam mê nhưng các em sẽ khó học được chuyên sâu và khó tập trung hơn,...
Trong khi đó, sau khi học xong hệ trung cấp, nếu em nào muốn học nâng cao hơn và đi sâu hơn có thể lựa chọn học tiếp lên bậc đại học.
Qua kinh nghiệm đào tạo nhiều thế hệ diễn viên, nghệ sĩ với hệ trung cấp từ trước đây, thầy Phạm Văn Môn cho biết, khoa đã đào tạo được ra những người làm nghề giỏi, vững chắc.
“Đờn ca tài tử - cải lương là nét đẹp văn hóa thể hiện gốc gác, nghệ thuật truyền thống của người dân Nam Bộ.
Nếu không quan tâm và có những cơ chế riêng phù hợp để tuyển sinh, đào tạo cho ngành, dần dần, chúng ta sẽ thiếu đi những người giỏi để đại diện cho nghề, giúp công chúng hiểu và yêu những văn hóa nghệ thuật truyền thống này. Và trong tương lai, ngành nghề này có thể đứng trước nguy cơ bị mai một khi bị nhiều ngành giải trí hiện đại khác lấn át”, thầy Phạm Văn Môn bày tỏ lo lắng.
Cũng theo Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Văn Môn, nếu không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, trong tương lai không xa, cải lương, âm nhạc tài tử sẽ chỉ còn những người biểu diễn tự phát, khó để có được nguồn nhân lực giỏi, vững chãi với nghề.
Chia sẻ từ Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, sau 3 năm không được tuyển sinh, năm nay, qua sự thống nhất giữa bộ, ban ngành có liên quan cùng nhà trường, khoa Kịch hát dân tộc sẽ tuyển lại chuyên ngành diễn viên cải lương hệ cao đẳng, với một chương trình học được chỉnh sửa phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Dự kiến đến năm 2025, trường sẽ mở thêm mã ngành đào tạo hệ đại học cho khoa để đảm bảo, nâng cao tỉ lệ đầu ra cho các em, giúp các em sau khi tốt nghiệp có thể phát triển, sống được với nghề.
“Mặc dù nhân lực của ngành nghệ thuật truyền thống cải lương, âm nhạc tài tử đang còn thiếu và đã 3 khóa không được đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn lạc quan bởi năm nào khoa cũng có khoảng 30-40 hồ sơ muốn đăng ký nhập học vào kịch hát dân tộc.
Thậm chí, có bạn nộp hồ sơ từ 3 năm trước chưa được học nhưng năm nay vẫn quyết định đăng ký vào khoa. Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều bạn trẻ yêu thích và đam mê với nghệ thuật truyền thống”, thầy Lê Nguyên Đạt cho hay.
Nghệ sĩ Ưu tú Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NVCC). |
Theo thầy Lê Nguyên Đạt, trong chương trình đào tạo mới của khoa từ năm nay sẽ có nhiều đổi mới như ngoài chuyên ngành của mình, các em sẽ được trau dồi thêm khả năng hát dân ca trữ tình, kỹ năng múa, kỹ năng hóa trang cũng như sẽ được chọn một nhạc cụ để học thêm, giúp các em sau này ra ngoài đi làm được đa dạng, phát triển tốt hơn.
Năm nay, trường dự kiến sẽ tuyển khoảng 20-30 người học cho khoa Kịch hát dân tộc, nếu chất lượng tốt, có thể xin thêm chỉ tiêu đào tạo để bù đắp thời gian vừa qua không được tuyển sinh, nhiều người học có nhu cầu nhưng không được học.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, lo lắng của ngành nghề nghệ thuật truyền thống không phải là ngành sẽ bị mất đi mà phải làm sao để đồng hành được với thời đại, để các lớp khán giả ở mọi lứa tuổi có thể tiếp nhận, từ đó mới có thể giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.