Sự khác biệt cơ bản giữa chương trình 2006 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp Trung học phổ thông là việc Bộ chủ trương đưa môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) vào tổ hợp lựa chọn, cùng với việc 2 phân môn này nằm trong Nội dung của giáo dục địa phương.
Việc đưa môn các môn Nghệ thuật vào cấp Trung học phổ thông được nhiều người tán đồng bởi các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật không chỉ đơn thuần giúp cho học sinh định hướng nghề nghiệp sau này mà còn có ý nghĩa giúp cho các em học sinh thoải mái, bớt đi những áp lực căng thẳng, áp lực khi liên tục phải học nhiều môn văn hóa khác nhau.
Chỉ tiếc, lộ trình đã được Bộ vạch ra từ khá sớm, chương trình mới đã đang thực hiện năm đầu tiên ở lớp 10 nhưng đa phần các trường Trung học phổ thông công lập trên cả nước còn trống giáo viên Nghệ thuật, chưa có nguồn để tuyển dụng.
Vì thế, phần lớn các trường không thể xếp môn Nghệ thuật vào nhóm tổ hợp để học sinh lựa chọn. Việc một số trường mời giáo viên thỉnh giảng từ bên ngoài vào dạy cũng chỉ được một số lớp nhất định mà thôi.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại |
Môn Nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa cần thiết đối với học sinh Trung học phổ thông
Đối với chương trình 2006, các môn Nghệ thuật chỉ được thiết kế đến hết học kỳ I của lớp 9 thì đã dừng lại. Học sinh lớp 9 từ học kỳ II cho đến hết lớp 12 không còn học các môn Nghệ thuật nữa.
Vì thế, nhiều em muốn thi vào các trường nghệ thuật, các ngành học có liên quan đến Âm nhạc, Mĩ thuật phải ôn thi hoàn toàn ở bên ngoài rất tốn kém hoặc phải tự học.
Việc Bộ chủ trương đưa vào giảng dạy các môn học Nghệ thuật từ lớp 1 đến lớp 12 mang một ý nghĩa đặc biệt. Bởi giai đoạn giáo dục cơ bản thì gần như học sinh đều được học các môn học Nghệ thuật mỗi tuần có 1 tiết.
Lên đến cấp Trung học phổ thông- giai đoạn giáo dục nghề nghiệp thì những em có ý định thi vào các ngành nghệ thuật có cơ hội đăng ký các môn học này vào nhóm tổ hợp nhằm chuẩn bị cho tương lai sau này.
Theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Nghệ thuật ở cấp Trung học phổ thông mang một vai trò quan trọng nhằm giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, khả năng phản biện phân tích và sáng tạo nghệ thuật, tạo cơ sở cho học sinh được tìm hiểu và có định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân dựa trên nhu cầu thực tế, thích ứng với xã hội.
Thời lượng dạy học ở mỗi lớp là 70 tiết/năm học/ môn. Bên cạnh đó, học sinh có thể tự chọn các chuyên đề học tập với thời lượng 35 tiết/năm học.
Những em không đăng ký tổ hợp có môn Nghệ thuật cũng được học một số tiết nhất định trong Nội dung giáo dục địa phương (môn học bắt buộc) cho đến lớp 12.
Vì thế, nếu như các trường có đầy đủ giáo viên Nghệ thuật thì dù học sinh không đăng ký tổ hợp cho môn Nghệ thuật cũng sẽ được học khoảng hơn 10 tiết/ năm vì phân môn Âm nhạc và Mĩ thuật là 2 trong 6 phân môn của Nội dung giáo dục địa phương.
Việc được học những môn Nghệ thuật ít nhiều sẽ có tác động lớn đến sự hình thành cái đẹp trong mỗi tâm hồn học sinh.
Hơn nữa, các môn Nghệ thuật cũng sẽ góp phần làm vơi bớt những áp lực, căng thẳng sau những giờ học các môn văn hóa. Giúp cho học sinh lấy lại cân bằng trong học tập.
Chỉ tiếc, đến nay thì phần lớn các trường chưa có giáo viên đối với môn Nghệ thuật.
Vì thế, cơ hội được học các môn Nghệ thuật của khối 10 năm nay và cũng có thể vài khóa tiếp theo chưa được học đầy đủ môn học, phân môn Nghệ thuật ở chương trình mới như chương trình tổng thể, chương trình môn học đã được ban hành.
Giá như chủ động đào tạo giáo viên các môn Nghệ thuật sớm hơn
Thực ra, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ công bố vào chiều ngày 5/8/2016, đến chiều ngày 28/7/2017, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (chương trình giáo dục phổ thông 2018) chính thức được Bộ và Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông thông qua.
Ngày 27/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình môn học. Bước vào năm học 2022-2023, Bộ triển khai chương trình mới ở lớp 10. Như vậy, kể từ khi Bộ công bố dự thảo chương trình tổng thể cho đến khi Bộ triển khai giảng dạy chương trình mới ở lớp 10 là 6 năm, 1 tháng.
Trong khi, đào tạo một cử nhân sư phạm Mĩ thuật, Âm nhạc hiện nay có thời gian là 4 năm, thậm chí ngắn hơn vì sinh viên đang học theo tín chỉ. Thế nhưng, đến khi triển khai chương trình mới, các địa phương đều đồng loạt lên tiếng về việc không có nguồn để tuyển giáo viên Nghệ thuật.
Dù chúng ta đều biết, việc đào tạo giáo viên nghệ thuật hoặc các ngành Mĩ thuật, Âm nhạc hiện nay rất ít và rất kén người học nhưng nếu như Bộ có kế hoạch dài hơi sẽ có chủ trương để các trường đại học sư phạm, các trường nghệ thuật chủ động tuyển sinh, đào tạo khối ngành nghệ thuật thì các địa phương không bị thiếu nguồn nhân lực như bây giờ.
Bên cạnh đó, các địa phương mà đặc biệt là bộ phận chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chưa tham mưu tốt vấn đề này.
Chính vì sự chủ quan của cấp Bộ, sự thụ động của cấp Sở dẫn đến tình trạng “nước đến chân mới nhảy” nhưng lúc này có lẽ “nhảy” cũng đã không kịp.
Và, thực tế là phần lớn các trường Trung học phổ thông công lập trên cả nước đang để ngỏ môn Nghệ thuật, các tổ hợp gần như không có môn Nghệ thuật. Điều đáng nói nhất là Nội dung giáo dục địa phương là môn học bắt buộc nhưng đa phần các trường cũng chưa có giáo viên dạy 2 phân môn: Âm nhạc và Mĩ thuật.
Ông bà ta xưa có câu: “Liệu cơm gắp mắm” nhưng phần lớn các trường cũng chưa có “mắm” thì lấy gì để bây giờ “gắp” đây?
Rõ ràng, chương trình mới đưa môn Nghệ thuật vào giảng dạy ở cấp Trung học phổ thông là một điểm mới, phù hợp với thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu học tập của nhiều em yêu thích môn Nghệ thuật. Chỉ tiếc, gần 1 năm học đi qua nhưng các địa phương vẫn đang rất khó khăn để tuyển dụng giáo viên Nghệ thuật.
Khó khăn này không chỉ ở năm đầu tiên mà có thể đến khi thực hiện xong chương trình mới ở cấp Trung học phổ thông vào năm học 2024-2025 thì việc tuyển dụng giáo viên Nghệ thuật vẫn là một vấn đề nan giải cho các địa phương và các nhà trường.
Vì thế, phần lớn học sinh lớp 10 năm nay và có thể những năm tới đây vẫn chưa được chọn, được học môn Nghệ thuật ở cấp Trung học phổ thông- đây thực sự là một điều đáng tiếc vô cùng.
Hy vọng, Bộ và các Sở cần có kế hoạch kịp thời, linh động nguồn tuyển để khắc phục khoảng trống giáo viên Nghệ thuật ở các trường Trung học phổ thông và cũng là đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, quyền lợi của học sinh.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.